Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Ngày Tết nói chuyện… sống thọ

Tạp Chí Giáo Dục

Trong nhng li chúc Tết, ngưi ta hay nói đến “th”, “sng lâu trăm tui”…, nht là dành cho nhng ngưi có tui. Th là mt cái phúc ca con ngưi, không ch ca bn thân mà còn ca con cháu, dòng tc, làng xã…

Trong quan niệm truyền thống của người phương Đông, ông Thọ tượng trưng cho sự sống lâu với hình ảnh là một ông già râu tóc bạc trắng, trán hói và dô cao, tay cầm quả đào, bên cạnh thường có thêm con hạc. Còn theo truyền thuyết Trung Hoa, ông Thọ là Đông Phương Sóc, làm Thừa tướng thời nhà Hán. Ông này giỏi xu nịnh, được lòng vua nên hưởng nhiều bổng lộc. Ông mang lộc vua ban mua nhiều gái đẹp làm thê thiếp, mục đích dưỡng sinh. Và cũng sống dai, trên trăm tuổi. Khi chết thì chỉ có đứa chút bốn đời lo tang ma, còn cháu chắt chết hết cả! Xét theo góc độ của câu chuyện đó, ông Thọ thực ra không phải… đáng nêu gương. Nhưng hầu hết mọi người đều có nhu cầu sống lâu, sống thọ, thậm chí có không ít người, nhất là các bậc vua chúa, tìm mọi cách để được trường sinh bất lão, thậm chí là “bất tử”!

Ở Việt Nam, “thọ” trong từng lúc có những quan niệm khác nhau. Thọ tức là lên lão. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm đúc kết: “Vinh dự tối cao của thành viên hàng giáp (một hình thức tổ chức cộng đồng ở nông thôn) là lên lão”. Ngày xưa, đến 49 tuổi được coi là thọ. Năm 49 tuổi là năm tuổi (theo cách tính tuổi mụ, tức 48 tuổi Tây, tương đương 4 con giáp), thường được cho là “tuổi hạn” nên người ta tổ chức thọ cho chắc ăn! Người đến 49 tuổi thường tổ chức lễ thọ, làm tiệc khao làng xã và chính thức vào bậc trưởng thượng của làng. Người nào không có điều kiện khao đãi thì bị làng chê cười, có thành lão thì cũng không được kính trọng. Đến giờ, dân gian vẫn còn câu “49 bước qua, 53 bước tới” ít nhiều liên quan đến quan niệm về thọ này, bởi khi 49 tuổi đã là thọ thì 53 tuổi coi như gần đất xa trời rồi! Đương nhiên, thời xưa điều kiện y tế hạn chế, tuổi thọ bình quân thấp nên đạt đến tuổi đó cũng kể là sống lâu rồi! Nhìn chung, ở nhiều nơi, đến tuổi 60 mới được coi là thọ (tuổi 60 chưa tròn một vòng can chi, chưa đến “năm tuổi” nhưng vì “năm tuổi” là “năm hạn” nên người ta kiêng, chỉ đến 60 đã xem là lão rồi). Lễ mừng 60 tuổi gọi là hạ thọ; 70 tuổi gọi là trung thọ; 80 tuổi gọi là thượng thọ. Ngày xưa hiếm có người lên đến trên 90 tuổi nên 90 hay hơn nữa vẫn được gọi chung là đại thọ.

Lên lão, tức là thuộc hàng thọ, là lên ngồi chiếu trên, là lớp tuổi được cả giáp, cả làng trọng vọng. Đó là truyền thống “kính lão đắc thọ” vốn có từ lâu đời và là đặc trưng của nền văn minh nông nghiệp. Cư dân nông nghiệp có truyền thống trọng phụ nữ (do nếp sống trọng tình cảm) và trọng tuổi già. Bởi lẽ nghề nông sống phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên cần những người có kinh nghiệm, mà thường càng già thì càng giàu kinh nghiệm. Bởi vậy, dân gian đúc kết: Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ, tức là muốn biết chuyện ngoài đường, chuyện trong làng xã, chuyện thiên hạ, chuyện quốc gia đại sự… thì nên hỏi người già, vì ngoài kinh nghiệm, người già còn có nhiều kiến thức quý báu mà người trẻ có khi ít có điều kiện tích lũy. Bởi vậy, khi làng nước có việc, các cụ già tùy theo tuổi tác, được ngồi ngang hàng với các quan viên, chức sắc. Quy định (xưa) phổ biến là các cụ 60 tuổi được ngồi ngang với tú tài; 70 tuổi ngồi ngang với cử nhân; 80 tuổi ngồi ngang với tiến sĩ (lục thập dữ tú tài đồng, thất thập dữ cử nhân đồng, bát thập dữ tiến sĩ đồng). Có nơi tôn xưng các cụ là quan lão.

Dĩ nhiên, việc kính trọng người già thiên về tinh thần và hình thức hơn. Dù được trọng vọng thì được ăn trên ngồi tróc (ăn riêng ở mâm trên, mâm đặc biệt, được ăn trước mọi người…) nhưng quyền hành thực sự không còn nên các cụ hàng thọ là vào tuổi nghỉ ngơi, được miễn sưu thuế, miễn đi phu đi lính, cũng được miễn luôn quyền nhận phần ruộng công của làng. Vì vậy, lễ lên lão cũng còn gọi ra lão: Xuất lão vô sự, mũ ni che tai, tức gác bỏ ngoài tai mọi sự đời. Thực ra đó là một tập tục, không nhất thiết đúng trong mọi hoàn cảnh, vì người già có uy tín vẫn địa vị trong làng, vẫn có tiếng nói quan trọng trong các việc của làng, của nước. Hội nghị Diên Hồng nổi tiếng của nhà Trần cũng tôn trọng thực tế đó: Mời các cụ cao tuổi ra kinh đô bàn việc nước và chính các cụ là người tham gia quyết định vận mệnh đất nước; lời đồng thanh “đán” gần ngàn năm qua vẫn còn vang vọng, không chỉ thể hiện lòng yêu nước nồng nàn mà còn khẳng định tiếng nói có sức nặng lở núi non của người cao tuổi đối với sự tồn vong của đất nước.

Bởi vậy, kính trọng người già không những là quy tắc đạo đức hay quy định của làng xã mà còn là chuẩn mực xã hội được Nhà nước ban hành và được ghi thành các điều luật. Luật Hồng Đức (thế kỷ thứ XV) có ghi: “Trong hương thôn có người già mà không kính nể, dám tự ngồi ăn uống cùng mâm thì lấy điều khinh nhờn người trên mà trị tội, người mắc tội bị đánh 30 trượng”. Xưa cũng như nay, các Nhà nước đều có quy định mừng thọ, tặng quà đối với người cao tuổi (chẳng hạn, hiện nay người 100 tuổi sẽ được Chủ tịch nước chúc thọ và tặng quà gồm vải lụa và tiền mặt). Điều đó cho thấy, kính già từ xưa đến nay là một truyền thống khác đặc sắc của dân tộc Việt Nam. “Kính lão đắc thọ” là thành ngữ của người Việt Nam có ý khuyên chúng ta nên kính trọng người lớn tuổi hơn mình, thì sau này chúng ta lớn tuổi sẽ được sống thọ. Thực ra, đây là một lối ẩn dụ: Bản thân mỗi người biết kính trọng người lớn tuổi thì sẽ được con cháu nói riêng và những người khác nói chung kính trọng, từ đó mà có cuộc sống dễ chịu, thoải mái, có điều kiện sống thọ hơn những người khác.

Chính vì trọng lão, trọng thọ nên với người chết, luôn có sự phân biệt: Hưởng dương và hưởng thọ. Hưởng dương là chỉ tuổi của người “chết trẻ”, tức chết lúc chưa đến tuổi “thọ” (chưa đến 60 tuổi), chỉ được tính tuổi ta (lấy năm mất trừ đi năm sinh). Chẳng hạn, Vũ Trọng Phụng sinh năm 1912, mất năm 1939, hưởng dương 27 tuổi. Hưởng thọ là chỉ tuổi của người “chết già”, tức chết lúc đã vào tuổi “thọ”, được tính cả tuổi mụ (lấy năm mất trừ đi năm sinh rồi cộng 1). Chẳng hạn, Nguyễn Công Trứ sinh năm 1778, mất năm 1859, hưởng thọ 82 tuổi. Tiếc rằng hiện có không ít người nhầm lẫn: Người mất chưa đến tuổi “thọ” nhưng vẫn được ghi là “hưởng thọ” và tính tuổi theo cách tuổi “thọ”; người mất chưa đến tuổi “thọ”, ghi là “hưởng dương” nhưng vẫn tính tuổi theo cách tuổi “thọ”.

Hiện nay, Nhà nước ta cũng có những chính sách cụ thể thể hiện tinh thần kính lão. Luật Người cao tuổi đã được kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII thông qua ngày 23-11-2009. Điều 2 của luật này quy định, người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên. Luật cũng quy định nhiều chế độ ưu đãi cho người cao tuổi. Toàn quốc hiện có trên 2 triệu người trên 80 tuổi và thuộc nhóm các nước có số người cao tuổi khá lớn. Có điều thú vị là hiện nay, khi chúc ai “sống lâu trăm tuổi” có khi sẽ bị “bắt giò”, bởi việc đạt 100 tuổi dễ hơn so với trước, trong điều kiện y tế, dinh dưỡng cũng như công tác chăm sóc sức khỏe người già ngày càng tốt. Nhưng suy cho cùng, đối với bản thân người già cùng gia đình, tuổi cao phải gắn với sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần thì mới thực sự là hạnh phúc, là đáng sống!

Trnh Minh Giang

Bình luận (0)