Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Ngày Tết nói chuyện thờ kính tổ tiên

Tạp Chí Giáo Dục

Trong sách Sơ học luân lý, ra đời năm 1919, có bài “Thờ kính tổ tiên”, tác giả là học giả Trần Trọng Kim đã viết: “Người ta ai cũng có tổ tiên. Tổ tiên là cái gốc gia tộc nhà mình, vì là trước khi có cha mẹ, có ông bà, thì phải có tổ tiên. Tổ tiên trước đã phải làm lụng khó nhọc, mới gầy dựng nên cái cơ nghiệp nhà mình. (…) Phép thờ cúng tổ tiên thiết tưởng không cần có mâm to cỗ đầy, chỉ cốt thành kính, lễ vật chỉ hương hoa tinh khiết là đủ”.

1. Có người đã làm phép tính: trung bình mỗi thế hệ cách nhau khoảng 30 năm, để có 1 người hiện tại thì 300 năm trước phải có 210 người; trong đó, 2 là từng cặp người kết hợp với nhau (cha mẹ, ông bà ngoại, ông bà nội…), 10 là số thế hệ trong 300 năm. Theo đó, cứ mỗi 1 người ra đời thì 300 năm trước phải có sự kết hợp của 1.024 người; trên thực tế có thể nhiều hơn do trước đây khoảng cách giữa các thế hệ còn ngắn hơn 30 năm. Như vậy, mỗi người hiện tại cũng còn liên quan đến rất nhiều người khác trong họ hàng, huyết thống. Và mỗi người có số người coi là tổ tiên của mình là rất lớn. Hiện nay, sự thờ cúng tổ tiên có phần thay đổi do nhịp sống xã hội diễn ra rất nhanh, một số yếu tố truyền thống dần phai nhạt. Chẳng hạn, ngày trước, nhiều gia đình tổ chức đám giỗ cho ông bà cố (cụ), ông bà sơ (kỵ)…; một số gia đình gộp các đám giỗ của nhiều ông bà xa xưa thành một đám chung có tính chất như ngày giỗ tổ. Mỗi lần như thế, con cháu xa gần tề tựu đông đủ, dù không phải gọi mời mà gần như chỉ có sự tự giác. Ai nấy cũng cảm thấy có bổn phận phải dự ngày giỗ đó nhằm tưởng nhớ công đức của ông bà và họp mặt họ hàng, thân tộc. Mỗi người theo điều kiện của mình mà đóng góp công sức hoặc tiền của, không phải chỉ để cùng nhau chung hưởng mà chính là thể hiện lòng thành kính với tổ tiên. Một số gia tộc có điều kiện (đông người, có người nhiều công trạng hoặc đỗ đạt hoặc giữ vị trí cao trong xã hội, khá giả…) còn làm nhà thờ họ (từ đường), là nơi thờ cúng tổ tiên và cũng là nơi nhắc nhở con cháu phải ghi nhớ công lao của ông bà trong dòng tộc. Nơi đây thường lưu giữ gia phả và các di vật của tổ tiên, như tài liệu, các sắc phong, hiện vật, thậm chí có những vật được coi là đồ quý báu. Một số nhà thờ họ có giá trị lịch sử, văn hóa được nhà nước tôn vinh, gìn giữ và vượt ra ngoài khuôn khổ của một dòng tộc. Người được giao trông coi từ đường phải có vị trí nhất định trong họ (thường là đàn ông, nhiều nơi hay chọn người con cháu của chi trưởng), đồng thời cũng phải là người có uy tín, có phẩm cách tốt…

2. Hiện nay, những điều đó đã có nhiều thay đổi. Các đám giỗ thường đến đời cha mẹ, còn đời ông bà trở đi thì con cháu mạnh ai nấy cúng, không còn phân công một người lo hương khói như trước, sự tề tựu họ hàng cũng không còn nhiều. Một số dòng tộc có nhà thờ (nhất là người gốc miền ngoài) nhưng nhiều con cháu ít khi về thăm viếng mà chỉ đóng góp nghĩa vụ theo lệ, họ hàng xa thì ít qua lại, thậm chí không còn biết mặt nhau. Người trong họ cũng dần xa cách, trừ các quan hệ gần (như anh em ruột, chú bác, cô cậu ruột…), còn đến bà con xa hơn thì ít gắn bó. Trong khi đó, trước kia ở nông thôn, hễ có quan hệ họ hàng thì dẫu xa, nếu còn được nhớ tới thì vẫn giữ đúng lễ (trong xưng hô, ứng xử…); có khi bà con trên 5 đời vẫn còn gần gũi, thân thiết. Bây giờ, những điều đó ở đô thị trở nên rất nhạt. Vì vậy, ngày Tết trở thành một dịp hiếm hoi để con cháu thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, bởi đây là lúc mà ai nấy đều bày tỏ sự nhớ ơn đến ông bà bằng những hành động cụ thể, đồng thời cũng có một khoảng thời gian nghỉ đáng kể để làm điều đó. Chẳng hạn, cận Tết là lúc nhiều người đi tảo mộ, viếng nghĩa trang để thăm nom phần mộ hoặc đến chùa lau dọn hũ tro cốt của ông bà, người thân. Hay trong những ngày Tết, hầu hết các gia đình tổ chức lễ “đón ông bà”, tức là tập tục đón rước hương hồn người thân các thế hệ trước (ông bà nói chung) về sum họp với gia đình, cùng con cháu vui vầy trong 3 ngày Tết. Nhiều gia đình tổ chức lễ này rất trang nghiêm, như có giờ giấc phù hợp (thường là ngày giáp Tết và phải trước giao thừa), bày trí trang trọng (mâm quả, lễ vật, trà rượu…), thái độ thành kính (trang phục nghiêm túc, lời khấn, cử chỉ quỳ bái đều theo một nghi thức nhất định). Sau đó là buổi sum họp của các thành viên trong gia đình, họ hàng.

3. Theo một số nghiên cứu, lâu nay, lễ rước ông bà ở Nam bộ được tổ chức trang nghiêm và thành kính. Trong lúc làm lễ, tất cả các cửa đều mở rộng; người ta đốt nhang cắm dày theo hai bên lối đi từ cổng vào cửa chính nhằm dẫn lối cho ông bà vào nhà. Người trong nhà ăn mặc chỉnh tề (chủ lễ mặc áo dài khăn đóng, những người khác mặc lịch sự), đứng theo trật tự nhất định. Khi lễ vật được bày biện xong, chủ lễ bắt đầu thắp nến và đốt nhang, lạy 4 lạy, xong bỏ trầm lên đốt. Lễ ở bàn thờ bên nội xong là đến bàn thờ bên ngoại. Sau đó, mọi người theo thứ tự mà thắp nhang bái lạy tổ tiên. Khi nhang tàn, chủ lễ rót trà và làm lễ bái tạ, coi như bắt đầu có sự hiện diện của ông bà trong gia đình cho đến ngày lễ đưa ông bà… Cách thực hiện nghi lễ này gắn liền với sự nhớ ơn công đức của ông bà, kể cả với những người mà người đang sống không biết mặt, biết tên, trên tinh thần không có tổ tiên thì không có bản thân, đồng thời kính cẩn thưa với ông bà lòng mong mỏi sự phù hộ cho mọi điều tốt lành, bình an, như ý. Có khi, những điều đó được thực hiện một cách máy móc theo lối “xưa bày nay làm” mà không rõ vì sao, hoặc được làm một cách đại khái, thì ý nghĩa cũng ít nhiều phôi phai. Một số người chỉ làm theo thói quen, thấy người khác làm sao thì bắt chước chứ không chú tâm vào tính hợp lý của lễ. Thậm chí, một số nghi thức được thực hiện biến tướng, như bày đồ lễ là những thứ đồ giả (trái cây, hoa giả), đồ không dùng được (chỉ chú ý màu sắc, hình thức mà bỏ qua công dụng)… hoặc không thể hiện sự thành kính (không thi lễ đúng mực, không nhớ ơn mà chỉ đòi hỏi giàu có, thăng quan…).

4. Quan niệm truyền thống của người Việt rất đề cao lòng tôn kính tổ tiên. Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu từng viết: “Thà đui mà giữ đạo nhà/Còn hơn có mắt ông cha chẳng thờ”. Trong cách nghĩ truyền thống của cha ông ta, kẻ không thờ kính ông bà, tổ tiên thì là kẻ hư hỏng, mất gốc, đáng lên án. Và trong giáo dục gia đình trước đây, kính trọng người trên người trước, trong đó có tổ tiên, luôn được đề cao.

Trong điều kiện xã hội hiện đại, một số tập tục truyền thống có thể không còn phù hợp. Tuy nhiên, việc thờ kính tổ tiên, đặc biệt là trong dịp Tết, vẫn cần được gìn giữ và thực hành theo một cách trang trọng và phù hợp với điều kiện của từng gia đình. Điều đó không chỉ để mỗi cá nhân bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà tổ tiên nói riêng, với tiền nhân nói chung mà còn là dịp để giáo dục trẻ nhỏ trong gia đình tinh thần đáng quý đó.

Trnh Minh Giang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)