Mẹ con chị Hiền bán diều ở khu du lịch Biển Đông (bãi sau) |
Từ mờ sáng mùng 1 Tết (14-2), một số gia đình dân tạm cư ở xóm chài tại khu Bến Đá, TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), người lớn, trẻ nhỏ ai cũng hối hả, tất bật. Người chuẩn bị nón lá, người sắp lại từng con diều đủ hình dáng màu sắc… để đem ra bãi trước, bãi sau bán cho khách du Xuân.
Năm mới với hi vọng mới
Xóm chài Bến Đá hình thành cách đây gần 20 năm, đa số người dân ở đây chủ yếu là dân nhập cư. Họ làm đủ nghề, đi biển, nhặt cá thuê, bán dạo… Từ tờ mờ sáng, khắp xóm chài vang lên tiếng gọi í ới của những ông bố, bà mẹ đánh thức những đứa con dậy để chuẩn bị “hàng”. Chị Hiền (45 tuổi, quê Thanh Hóa) cùng đứa con trai mới 14 tuổi đã chuẩn bị tươm tất sớm nhất. Mới 4 giờ sáng chị đã dậy, cậu con trai thì chuẩn bị dây và khung diều để mẹ lắp ghép các con diều bằng vải lên khung tre. Theo chị Hiền: “Năm nay chị quyết định đi sớm hơn vì có đi sớm mới tìm được chỗ đứng bán thuận lợi và hi vọng sẽ bán được nhiều diều cho khách đi tắm biển”. Người tới ngụ cư tại xóm chài sớm nhất là ông Nguyễn Công Tỏi . Năm nay ông Tỏi đã 71 tuổi, hơn 10 năm sống ở xóm chài với biết bao “thăng trầm” nhưng điều ông an tâm nhất là ai cũng chí thú làm ăn. Ông tâm sự: “Thực ra thì nghề nào cũng là nghề, chỉ khác là lao động chân tay hay trí óc mà thôi”. Năm nay ông cùng con trai út xuất hành từ ngày mồng một, theo ông Trí, ở nhà buồn vì nhà nghèo, cúng ông bà cũng chỉ có cặp bánh chưng (ông là dân Hải Hậu – Nam Định), nên ông và con quyết định đi biển sớm hơn mọi năm với hi vọng sẽ được “Ông Nam Hải” phù hộ cho buổi đánh bắt đầu năm. “Nói vậy chứ linh thiêng lắm, chọn ngày mà tốt là cả năm làm ăn mới đủ sống đó chú ạ”, ông Trí bày tỏ. Cả xóm chài có khoảng 17 hộ dân, trong đó vài hộ là có hộ khẩu có đất chứ phần lớn là dân tạm cư, sống trong những ngôi nhà tạm bợ. Ở xóm này cũng có những người vì quá khó khăn mà phải bám trụ lại kiếm sống, nhưng cũng không ít người ở lại vì tình cảm gắn bó với mảnh đất này nơi mà cha ông họ mấy đời đều làm nghề biển rồi truyền lại cho con cháu. Anh Thiêm năm nay 43 tuổi, quê ở An Giang, thất học, nghe người quen nói ngoài này làm ăn cũng được, vậy là anh dắt díu vợ con ra lập nghiệp từ năm 1999. Với những năm tháng bám biển, chắt chiu anh cũng mua được đất và dựng căn nhà tạm để “an cư lạc nghiệp”, vợ và cậu con trai lớn cũng làm biển, riêng hai đứa nhỏ anh Thiêm quyết tâm cho chúng học tới nơi tới chốn. Với hi vọng sau này các con sẽ giúp cả gia đình khá hơn. Mấy ngày Tết, cả nhà chia nhau ra các bãi biển bán đồ ăn nhanh (cá, mực chiên giòn) cho khách thập phương. “Mình khổ rồi nên phải cho con cái nó học hành đàng hoàng, không thể để chúng thất học được”, anh tâm sự với ánh mắt và nụ cười hiền hậu.
Tết này vui lắm
Đứng bán nón lá cho khách du lịch từ sáng tới giờ nhóm chị Hoa, Phương và bé Thoa (15 tuổi) mỗi người cũng bán được trên dưới 20 chiếc, trừ vốn đi còn lời được 50 đến 100 ngàn đồng. Cười thật tươi, chị Hoa cho biết: “Cả nhóm chúng tôi là dân Thanh Hóa vào trong này lập nghiệp, ngày thường thì đi phơi cá thuê ở khu bến Đình, thu nhập cũng được hơn triệu đồng một tháng. Những ngày Tết, thời gian rảnh rỗi mấy chị em bàn nhau mua nón lá ở bên phường Bình Giã, sáng bán bãi sau (khu du lịch Biển Đông) đến đầu giờ chiều người nhà đón về bãi trước. Chịu khó đứng bán ngoài trời nắng, thu nhập một ngày cũng gần 200 ngàn đồng”. Còn mẹ con chị Hiền xuống sát mép nước bán diều. Mẹ bán, con “canh chừng” công an vì đây là khu dành cho khách tắm biển và do công việc thời vụ không có đăng ký kinh doanh. Thấy các chú công an từ xa là hai mẹ con thu nhanh đồ để chạy ra chỗ khác. Với chị Tơ (Nam Định) trước Tết gia đình gặp chuyện không may. Chồng bị tai nạn biển, gãy bánh chè. Hơn mười năm sống ở Vũng Tàu, năm nay cậu con trai lớn đi làm cửa nhôm, con gái bán cá ở chợ, cả nhà dành dụm cũng được một khoản tiền để đến Tết thì ra thăm người thân và thắp hương cho ông bà. Vậy mà… chị Tơ tâm sự: “Khi chồng tôi bị tai nạn sát ngay ngày Tết, cả nhà buồn lắm. Mà cũng may chú ạ, còn có khoản tiền dành dụm trong năm để lo thuốc thang và điều trị cho ông ấy, chứ không thì không biết xoay ở đâu”. Theo mẹ con chị Hiền ra đây bán diều, cực thật đấy nhưng vui lắm vì ai mua diều thả chơi đều không trả giá. Có thể do đây là ngày Tết nên ai cũng cởi mở, mua bán nhanh lắm. Qua mấy ngày Tết này chắc mẹ con chị cũng kiếm được hai triệu đồng.
Với những người như bác Tỏi, anh Thiêm, chị Hoa, chị Hiền, chị Tơ… niềm vui của họ trong những ngày Tết là kiếm được tiền bằng chính sức mình, dù không được vui Tết như những người xung quanh. Điều họ mong muốn nhất là có sức khỏe và gia đình sẽ làm ăn khấm khá trong năm tới.
Bài, ảnh: LÊ QUANG HUY
Bình luận (0)