Lãnh đạo Bộ GD-ĐT kiểm tra các hội đồng thi tại TP.HCM sáng ngày 4-7 |
Tuyển sinh đợt I năm 2009 theo báo cáo của Bộ GD-ĐT có 93 ĐH, học viện và các trường ĐH tổ chức thi với hơn 930.000 hồ sơ đăng ký dự thi. Trong đó số thí sinh (TS) đến làm thủ tục dự thi là 615.619, đạt 66,18% (con số này năm 2008 là 65,27%). Tuy nhiên, năm nay, nhiều trường ĐH phải đối mặt với tỷ lệ ảo rất lớn.
Top dưới ung dung – top trên ảo
Ông Đoàn Văn Vệ, Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết năm nay trường có gần 15.000 hồ sơ đăng ký dự thi. Nhưng chỉ có hơn 7.000 TS đến làm thủ tục thi đạt tỷ lệ 47%, thấp hơn năm 2008 đúng 10%. Thậm chí, so với ngày làm thủ tục dự thi, buổi thi môn toán đầu tiên, tỷ lệ TS đến dự thi cũng đã giảm (ngày đăng ký là 48,3%). Có phòng chỉ có 6 TS đến dự thi. Ông Vệ cho hay, năm nào trường cũng lỗ ở tầm 200 triệu đồng. ĐH Kinh tế quốc dân có hơn 19.000 hồ sơ đăng ký dự thi khối A. Nhưng tỷ lệ TS đến dự thi chỉ đạt 46,31%. thấp hơn 6% so với năm 2008. Trong khi đó, tại ĐH Công đoàn, tỷ lệ đến dự thi của trường đạt 57,2%, ĐH Thủy lợi đạt 64,73%.
Lý giải sự giảm sút tỷ lệ tại các trường top trên, ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên, ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng điểm chuẩn hàng năm của trường tương đối cao. TS nộp hồ sơ, nhưng lúc làm thủ tục dự thi, họ có nhiều lựa chọn khác. Thứ hai do sự gia tăng các trường ĐH theo các năm nên TS cũng có nhiều cơ hội hơn. Họ thường chọn những trường có điểm chuẩn thấp để nâng cơ hội vào ĐH. Trong khi đó, xu hướng hiện nay, các trường đào tạo các ngành na ná như nhau. Cùng đào tạo các ngành kinh tế với ĐH Kinh tế quốc dân còn có ĐH Thương mại, trong khi điểm vào Trường Thương mại lại thấp hơn rất nhiều so với ĐH Kinh tế. Còn theo ông Vệ, ĐH KHTN, ĐH Quốc gia Hà Nội, nguyên nhân do TS nhận thấy tỷ lệ chọi vào các trường của ĐH Quốc gia cao nên TS “sợ”. Tuy nhiên, ông Vệ cho hay, việc TS thi nhiều hay ít không ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào của trường. Năm 2008, điểm thấp nhất vào trường là 18 điểm và cao nhất là 27 điểm (tương đương điểm vào Khoa Bác sĩ đa khoa của ĐH Y Hà Nội).
TS vẫn phải ngồi thi tại trường tiểu học
Thí sinh ở Hà Nội đang làm bài thi môn toán |
Năm nay, một số trường do lượng TS “phình” ra một cách đột biến đã phải thuê thêm trường tiểu học để cho TS dự thi.
ĐH Xây dựng có 1,3 vạn hồ sơ đăng ký dự thi, cao hơn 3.000 so với năm 2008. Do đó, trường đã phải “chạy” lên tận Phúc Xá để thuê điểm thi. Theo ông Ứng Quốc Dũng, Phó hiệu trưởng nhà trường, ĐH Xây dựng nằm trong cụm 3 trường luôn có TS đông và cùng thi vào 1 đợt là ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế quốc dân. Do đó, tìm điểm thi tại khu vực gần trường rất khó. Năm nay, ở Hà Nội, ĐH Xây dựng có 17 điểm thi thì có tới 6 điểm là trường tiểu học. Ông Dũng thừa nhận ở tiểu học, vệ sinh, bàn ghế đều rất sạch và đẹp. “Chỉ mỗi tội hơi thấp đối với học sinh THPT. Nhưng cũng phải khắc phục”. Điều nghịch lý ở chỗ, Trường Lê Văn Tám (Hai Bà Trưng) ở rất gần ĐH Xây dựng nhưng lại được Trường ĐH Công nghiệp (Từ Liêm) thuê.
Tình trạng thuê trường tiểu học ở ĐH Công đoàn còn đạt tỷ lệ trên 50%. Trường có 17 điểm thi thì có tới 11 điểm tại các trường tiểu học. Ông Nguyễn Văn Sao, Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng thi nhà trường cho biết, từ ra tết âm lịch, trường đã phải đi liên hệ địa điểm thi nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn do trường tổ chức thi cả 2 đợt. Điểm thi xa nhất cũng cách trường hơn 10km.
May mắn hơn, các TS của ĐH Bách khoa không phải ngồi thi ở các trường tiểu học. Chỉ tính riêng khuôn viên của trường đã tổ chức được 12/17 điểm thi tại Hà Nội. 5 điểm còn lại trường chỉ phải thuê 1 điểm là Trường THCS Trưng Vương, còn lại đều là trường THPT.
Vừa tổ chức thi vừa lo dịch
Thí sinh ở Hà Nội bị kiểm tra gắt gao trước khi vào phòng thi |
Điểm bất lợi trong kỳ thi ĐH năm nay đó là vào đúng dịp Việt Nam đang nằm trong “vùng” ảnh hưởng của dịch cúm A/H1N1. Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế cũng đã có văn bản phối hợp và chỉ đạo các trường tổ chức thi chú ý vấn đề này. Năm nay, ngoài việc lo tổ chức thi, các trường còn có một nhiệm vụ khác đó là “canh phòng” dịch. Ông Phạm Ngọc Quý, Phó hiệu trưởng ĐH Thủy lợi cho biết, trường có tất cả 22 bác sĩ y tế túc trực tại 15 điểm thi của trường. Trong đó, trường có 5 bác sĩ, 17 bác sĩ khác được trường thuê. Trường cũng đã dự phòng số khẩu trang tại tất cả các điểm thi. ĐH Hà Nội còn có công văn gửi đến Bệnh viện Quân y 103 để đề nghị viện phối hợp chặt chẽ với trường nếu có trường hợp nghi cúm A. ĐH Tự nhiên cũng phối hợp với Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Đống Đa.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo các trường việc phát hiện TS có bị nhiễm cúm A hay không là điều nằm ngoài khả năng của giám thị. Bởi giám thị không được tập huấn vấn đề này. Nên nếu TS không thông báo tình trạng sức khỏe của mình thì giám thị cũng như cán bộ y tế tại các điểm thi cũng đều “bó tay”. Nhưng điều khác cũng khiến các trường tổ chức thi yên tâm đó là TS dự thi đều đến từ các vùng nông thôn. Không có TS đi máy bay từ các nước có dịch về.
Gần 14.000 TS bỏ thi môn vật lý
Tính đến hết ngày thi đầu tiên, Bộ GD-ĐT cho biết có 71 TS vi phạm kỷ luật. Trong đó khiển trách 15 TS, cảnh cáo 2 TS và đình chỉ 54 TS. Những TS bị đình chỉ vẫn do lỗi mang điện thoại di động và tài liệu vào phòng thi. Tại ĐH Công nghiệp Hà Nội, riêng môn toán có tới 12 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và 3 trường hợp bị khiển trách do ngồi không đúng vị trí và nhìn bài của bạn. Trường cũng có 1 TS đến thi muộn môn toán không được thi. Ông Bùi Xuân Nhàn, Phó hiệu trưởng ĐH Thương mại cho biết, trường có 10 trường hợp bị đình chỉ thi, trong đó có 8 trường hợp do mang điện thoại vào phòng thi và 2 trường hợp sử dụng tài liệu, có 2 trường hợp bị khiển trách. ĐH GTVT trong buổi thi môn toán tại cơ sở 2 cũng có 1 TS bị đình chỉ do mang điện thoại di động vào phòng thi.
Năm nay, so với năm 2008, số TS bị xử lý kỷ luật trong ngày thi đầu tiên giảm 8 trường hợp. Nhưng số TS bị đình chỉ lại tăng 3 trường hợp. Nhưng ngày thi đầu tiên của năm 2009 không có thi hộ, trong khi năm 2008 có 1 trường hợp.
Số cán bộ coi thi bị xử lý năm nay cũng đã giảm 16 trường hợp, chỉ có 4 giám thị bị xử lý trong đó có 2 cán bộ bị đình chỉ do làm việc riêng và 2 cán bộ bị khiển trách do ký tên nhầm vào điểm thi.
Theo báo cáo của Bộ, buổi chiều thi môn vật lý có gần 14.000 TS đã bỏ thi.
|
Nghiêm Huê
Bình luận (0)