Sau một thời gian dài lận đận về địa điểm tổ chức ngày thơ, năm nay có vẻ Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM đã tìm được vị trí lý tưởng tại chính trụ sở mới của Liên hiệp Các Hội VHNT (số 81 Trần Quốc Thảo).
Mặt bằng rộng, vị trí đẹp, khuôn viên mang đậm tính nghệ thuật, năm nay ngày thơ tại TPHCM sẽ mang phong cách mới lạ, hấp dẫn nhất từ trước đến nay.
Ấn tượng đêm thơ
Ngày thơ tại TPHCM năm nay sẽ diễn ra trong vòng hai ngày 14 và 15-2 (tức 15 và 16 tháng Giêng âm lịch). Trong đó, chương trình khai mạc biểu diễn đêm 14-2 được đánh giá sẽ mang đậm phần lễ với các tiết mục quen thuộc như đánh trống khai hội, đọc thơ Nguyên Tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phần giới thiệu thơ của các nhà thơ tiêu biểu ở TPHCM.
Nội dung các tác phẩm thơ năm nay tập trung vào chủ đề chính là Từ Điện Biên đến Trường Sa, nhấn mạnh vào trách nhiệm của mỗi cá nhân với chủ quyền đất nước. Bên cạnh đó, đêm thơ còn giới thiệu các tác phẩm viết về TPHCM, từ quá khứ hào hùng đến giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội hôm nay.
Tuy nhiên, trước sự lo lắng của một số người cho rằng liệu đêm thơ khai mạc có đi vào lối mòn như một số năm trước là các nhà thơ thay nhau lên đọc thơ theo kiểu trả bài, nhà văn – nhà biên kịch Nguyễn Thu Phương, người phụ trách phần thể hiện đêm thơ, khẳng định: “Năm nay, sẽ không có chuyện đọc thơ kiểu trả bài”.
Từ mấy ngày nay, các nhà thơ đã có mặt tại trụ sở Hội Nhà văn TPHCM (81 Trần Quốc Thảo) để tập các tiết mục biểu diễn thơ của mình do yêu cầu năm nay không chỉ đọc mà còn phải diễn thơ. Thậm chí, khi tình cờ phát hiện một số bài thơ có sự tương đồng, ban tổ chức đã kết nối các tác phẩm với nhau, tạo thành vở kịch thơ mà trong đó tác giả hóa thân thành nhân vật thơ của chính mình. Ngoài các bài thơ do tác giả tự biểu diễn, một số bài thơ đặc thù, có tính sân khấu cao sẽ có cả phần minh họa như các bài thơ của các nhà thơ gốc Chăm, Tày…
Hy vọng sân thơ trẻ
Nhà thơ – nhà phê bình Lê Tú Lệ cho biết, điểm đáng chú ý nhất của ngày thơ tại TPHCM năm nay chính là yếu tố “trình diễn thơ”. Và sân thơ trình diễn được chú ý nhất năm nay chính là sân thơ trẻ.
Được đánh giá là một TP trẻ đầy năng động nhưng sân thơ trẻ tại Ngày thơ ở TPHCM lại thường bị đánh giá là quá già. Năm nay, hai nhà thơ phụ trách sân thơ trẻ là Phan Hoàng và Ngô Thị Hạnh đều khẳng định: “Thơ trẻ sẽ thật sự trẻ”. Nhà thơ Ngô Thị Hạnh cho biết, chương trình thơ trẻ năm nay sẽ diễn ra trong suốt ngày 15-2, mở đầu là cuộc triển lãm, trưng bày thơ, poster của 15 nhà thơ trẻ. Các nhà thơ được chọn đều sinh từ năm 1975 trở lại, người trẻ nhất sinh năm 1990.
Điểm nhấn đầy hy vọng nhất của thơ trẻ tại ngày thơ năm nay là phần trình diễn của các nhà thơ trẻ vào sáng 15-2. Trình diễn thơ không còn là khái niệm xa lạ với các nhà thơ trẻ Hà Nội nhưng lại khá mới với thơ trẻ TP. Lần đầu thực hiện hình thức này, lại phải tìm những nét mới, đặc sắc hơn các bạn thơ đi trước với nhiều thử thách nặng nề nên không có gì ngạc nhiên khi nhà thơ Ngô Thị Hạnh xin giữ bí mật đến phút cuối chương trình, để như chị nói: “Bất ngờ sẽ là yếu tố quan trọng nhất làm nên thơ trẻ năm nay”.
Ngoài trình diễn, các nhà thơ trẻ TP còn tổ chức các hoạt động thơ khác như: ngai thơ (thơ trình bày trên ghế), chiếu thơ, tranh thơ, quán thơ… Không những thế, vào chiều 15-2, các nhà thơ trẻ còn tổ chức một buổi tọa đàm bàn về thơ văn xuôi, yếu tố thơ trong tản văn.
Không gian sáng tạo cho các CLB thơ
Những năm gần đây, nếu ngày thơ phía Bắc có trình diễn thơ thì thơ phía Nam có sân khấu thơ của các CLB. Có năm, các CLB thơ gây ấn tượng mạnh với khán giả khi tái hiện lại cả cảnh chợ xuân miền Bắc, lễ hội phương Nam, cảnh một thời chiến tranh… và tất cả đều gắn kết với thơ. Thậm chí, có năm, ban tổ chức ấn tượng trước một số CLB biểu diễn quá xuất sắc. Đến khi hỏi lại, ban tổ chức mới biết các CLB thơ quận, huyện đã huy động đội ngũ những người yêu thơ trong địa phương mình, trong đó có cả nghệ sĩ, đạo diễn chuyên nghiệp, thậm chí có lần cả NSƯT cũng tham gia.
Nếu mọi năm, sự nhiệt tình của các nghệ sĩ quận huyện, trường học là không thể phủ nhận nhưng bị giới hạn bởi mặt bằng thì năm nay, với ưu thế khu vực tổ chức đậm tính văn hóa, có sân khấu, cây xanh bóng mát, các đoàn đều nhiệt tình tham gia. Theo nhà thơ Trần Mai Hường, người phụ trách phần biểu diễn của các CLB, đến nay đã có 40 tiết mục của 18 CLB thơ quận huyện và các trường đại học gửi về tham gia.
Biểu diễn thơ sẽ vẫn là chủ yếu nhưng song song đó không thể thiếu phần ca hát, biểu diễn các tiết mục văn nghệ truyền thống như hò, chèo, cải lương… Chủ đề chính là chiến thắng Điện Biên Phủ, về Quân đội Nhân dân Việt Nam, trên nền các bài thơ là minh họa bằng việc sân khấu hóa, tái hiện lại cảnh chiến thắng Điện Biên Phủ, từ kéo pháo vào trận, tấn công đồn giặc đến cảnh phất cờ chiến thắng. Chủ đề biển đảo cũng là chủ đề được nhiều CLB lựa chọn với các bài thơ về biển đảo, về nhà giàn, về Trường Sa…Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM năm nay hứa hẹn sẽ là một ngày thơ sôi động đầy hấp dẫn, xứng tầm một TP lớn đang phát triển từng ngày.
theo SGGP
Bình luận (0)