Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Ngày xuân đi lễ núi Bà

Tạp Chí Giáo Dục

Hội xuân khu di tích văn hóa – lịch sử núi Bà Đen (Tây Ninh) thường kéo dài đến hết tháng giêng âm lịch, thu hút hàng triệu lượt người tham quan.
Theo ban quản lý khu di tích núi Bà, năm 2009 có khoảng 1,2 triệu lượt khách, đến năm 2010 tăng gấp đôi. 90% người đến núi Bà trong dịp này là để  hành hương xin lộc và cũng xấp xỉ ngần ấy người chấp nhận hành… xác đầu năm để lấy hên!   
Thành tâm khấn vái
Dù ban quản lý núi Bà đã tăng cường mở thêm cổng phụ gần khu vực cáp treo để đón khách phương xa từ các tỉnh phụ cận như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Long An… nhưng để được vào núi lúc ban ngày, khách hành hương phải chấp nhận chơi chiêu… "lấn". Theo bà Trần Thị Hương – một khách hành hương: "Phải lấn, lấn từ lúc gửi xe gắn máy, lấn sang bãi giữ nón bảo hiểm; lấn luôn đến cổng mua vé. Tinh thần còn phải chuẩn bị để lấn ở phòng chờ đi cáp treo, lấn thắp nhang, xin quẻ, vay tiền, lấy lộc…". Bà nhẩm tính: "Vượt qua sáu ải, lấn 12 chập vô ra, phải bảo đảm mỗi "chập" bình quân 30 phút, có vậy mới kịp thời gian đi về trong ngày". Chị Trần Thị Nhung, cán bộ ngân hàng Tây Ninh, khi dắt được đứa cháu trai ra khỏi cổng núi sau cả ngày trời ngụp lặn giữa dòng người ken cứng, nghe người nhà gọi điện hỏi thăm tình hình và bày tỏ nguyện vọng lên núi hành hương, cả chị và cháu trai cùng thốt lên chung một lời tư vấn: "Xin đừng!".
Khi đêm xuống, khách hành hương phương xa dắt díu nhau đi tìm chỗ ngủ. Người nhanh chân, thuê được võng treo toòng teng ở cánh rừng sau lưng điện Bà. Người chậm chân, thuê chiếu trải ngay lối đi lên chùa, trải dài theo bậc tam cấp xuống máng trượt, cáp treo. Hết võng, hết chiếu, người ta trải báo lót lưng ngay trên những tảng đá, vừa đủ một người nằm co hình số bốn. Những đứa trẻ chưa tròn thôi nôi được mẹ quấn khăn kín người treo lơ lửng như chiếc tổ chim. Tất cả ngủ tràn lan trên bãi cỏ, dưới cột đèn… Chen nhau tìm chỗ ngả lưng. Chỗ nào ngả được thì ngả "xả láng sáng về sớm". Những người hết chỗ ngủ thì tụm năm tụm ba ngồi đánh bài cho qua ngày hôm sau. Nhìn xa xa, khu văn hóa núi Bà lúc chờ sáng như bãi rác.
Người người chen nhau tìm chỗ ngả lưng
Ba giờ sáng, chùa dưới, chùa trên mở cửa. Người ta chen nhau thắp hương, xin quẻ, vay tiền. Núi Bà lại nghi ngút khói. Chị Lê Thị Phụng, cựu công chức một cơ quan cấp tỉnh Tây Ninh, một trong những người được "đặc cách" (miễn thuế) cho để chiếc ghế bán nhang nho nhỏ trước điện Bà khu lưng chừng núi cho biết, xuân Kỷ Sửu năm 2009, thu nhập từ tiền bán nhang của mẹ con chị lên đến gần 40 triệu đồng! 
Bà Huỳnh Muối, 74 tuổi, đạp xe ba gác bán than dạo khu bến Bình Đông Q.8, TP.HCM, cầm một cành huệ trắng – lộc Bà, ngủ gật trên ghế đá trước sân chùa Trung. Bà Muối có sáu người con, nhưng không muốn phiền con cháu nên dù tuổi cao, bà vẫn chọn con đường sống tự lập bằng nghề bán than. Bà bảo mình sinh năm 1936, nhằm năm Bính Tý âm lịch. Theo sổ sách của… các Ty quan lưu giữ hồ sơ ở… U Minh Giới thì bà còn sống được thêm 5 năm, thọ 79 tuổi. Tuy nhiên, muốn thọ được tuổi này, bà phải trả dứt nợ Tào quan, tức trả nợ cho kho trời(?!). Vì chưa có dịp trả nợ nên năm nào bà cũng lên chùa đầu năm cầu lộc mẹ (Phật bà Quan âm).
Ở bất kỳ chùa nào, không khó để trò chuyện với những người có suy nghĩ như bà Muối. Từ xa xưa, đi chùa đầu năm đã trở thành một nếp văn hóa của người dân, và ngày càng trở nên phổ biến. Tín ngưỡng, niềm tin còn khẳng định rằng, hành hương càng xa, càng chứng tỏ lòng thành. Lòng càng thành thì trời phật càng thương. Có lẽ vì vậy, ngày đầu xuân chùa nào cũng… đông!
Thiện Hồng / Phụ Nữ

Bình luận (0)