Học là việc của cả một đời người. Từ xưa, cha ông ta đã rất coi trọng việc lập thân bằng con đường học vấn, mặc dù quan niệm về việc học vẫn còn phiến diện và cực đoan. Ngày nay, vấn đề học tập được mọi tầng lớp trong xã hội quan tâm. Người có điều kiện sẽ đầu tư cho con cái học tập ở những nơi tốt nhất. Người có hoàn cảnh khó khăn cũng cố gắng chạy ngược chạy xuôi cho con đi học. Tất cả đều đáng quý ở chỗ người dân đã ý thức được tầm quan trọng của việc học.
1. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm ở đây là học như thế nào để có thể “hành” được, có thể “lập thân” được, để không lãng phí thời gian đèn sách? (ở đây chúng tôi muốn nói đến việc học đại học). Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố mục đích, động cơ và sự tự ý thức của mỗi người. Qua sự quan sát của chúng tôi – những người có nhiều năm đứng trên bục giảng, đối tượng đi học ngày nay có thể xếp vào 3 nhóm sau:
Nhóm những người đi học để lấy được bằng này cấp nọ. Đây là những người không coi việc học là cứu cánh, vì cuộc sống của họ đã quá đầy đủ. Họ chỉ cần lấy được tấm bằng cử nhân, lấy được những chứng chỉ tin học, tiếng Anh, thậm chí những bằng cấp mang tính chất quốc tế… để cha mẹ “nở mặt nở mày” với thiên hạ. Khi ra trường, họ đương nhiên làm việc ở những công ty lớn của gia đình với những vị trí xứng đáng. Ở thành phố này, có những cô cậu học trò chỉ coi trường đại học là môi trường để gặp gỡ, giao lưu với bạn bè. Họ hoạt động phong trào rất tốt nhưng học hành thì chẳng ra gì. Vậy mà sau khi ra trường một thời gian ngắn, họ đã là giám đốc của những công ty lớn, chỉ nói toàn chuyện làm ăn hay đi nước này, nước nọ.
Nhóm thứ hai gồm những người đi học để “hợp thức hóa” chuyên môn. Đây là việc học nâng cao trình độ của một số cán bộ, viên chức ở các cơ quan Nhà nước hay giáo viên ở các trường phổ thông. Họ vốn có công ăn việc làm ổn định, nhưng họ cần phải học đại học để được nâng bậc lương hoặc để được “thăng quan tiến chức”. Hiện nay, trong xu hướng xã hội hóa giáo dục, phổ cập giáo dục đại học, nhiều trường đại học đã mở ra những hệ đào tạo như: Vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, liên thông… Học viên những hệ này thường là lớn tuổi (hiện nay, số cán bộ lớn tuổi đi học giảm dần, có lẽ họ đã kịp học ở những khóa trước). Họ là những người đã đi làm nên rất khó khăn trong việc sắp xếp thời gian và công việc, mặc dù đa số họ chỉ học vào buổi tối hoặc ngày thứ bảy, chủ nhật. Hơn nữa, phần lớn, họ đi học như một nghĩa vụ nên chẳng cần “hồng” hay “chuyên”. Có người chỉ có mặt buổi đầu tiên và buổi cuối cùng, có người học xong chuyên đề mới thấy mặt, có người chỉ có mặt lúc thi và chẳng biết giảng viên dạy môn đó là ai…
Nhóm thứ ba gồm những người thật tâm muốn học, học với một khát vọng mãnh liệt là được “đổi đời” hay nói cách khác là để thoát kiếp “con sãi ở chùa”. Phần lớn, đó là những sinh viên có hoàn cảnh sống rất khó khăn, hoặc sinh ra và lớn lên trên gốc rạ, hoặc sống cảnh nghèo khổ, tạm bợ ở những thành phố lớn. Với những người này, sự cần cù, chịu khó, ý thức tự giác trong học tập là điều không thiếu. Nhưng học như thế nào để đạt được mục đích của mình, để có thể sử dụng vốn kiến thức đã học vào công việc và cuộc sống? Bài viết dành sự quan tâm cho đối tượng này.
2. Trước hết, sinh viên phải học đều các môn và nắm thật vững kiến thức chuyên môn. Chúng ta đã biết, ngoài môn chuyên ngành, sinh viên phải học những môn học khác như: Giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học, triết học, tiếng Anh, vi tính… Đây là những môn mà sinh viên thường phải thi lại hay “nợ” học phần. Vì vậy, nếu xác định học tập một cách nghiêm túc, sinh viên phải quan tâm và học tốt các môn này (thường là những môn bắt đầu ở năm thứ nhất). Đó là cơ sở, là động lực để bước vào học các môn chuyên ngành ở những năm sau. Có những sinh viên, học môn chuyên ngành rất tốt nhưng những môn cơ sở, những môn chung lại không quan tâm nên kết quả học tập bị “lệch” và tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến kết quả đánh giá chung. Vì vậy, đôi khi họ bỏ lỡ những cơ hội (xét học bổng chẳng hạn), rất đáng tiếc.
Về môn chuyên ngành, sinh viên phải xác định ngay từ đầu là mình học để “hành nghề” nên phải học cho giỏi. Bất kỳ học ở ngành nào (toán học, văn học, tin học, luật học…), sinh viên phải nắm thật chắc kiến thức cơ bản của ngành học. Kiến thức đó có trong mỗi giờ lên lớp của người thầy, trong giáo trình, trong những tài liệu tham khảo liên quan, có ở bạn bè và có ngay trong thực tế cuộc sống. Nói như vậy là chúng tôi muốn nhấn mạnh bốn điều:
Thứ nhất, sinh viên phải ý thức được tầm quan trọng của mỗi giờ lên lớp. Ở nước ngoài, sinh viên có thể không đến lớp thường xuyên mà vẫn học tốt. Nhưng ở Việt Nam, tôi không hề khuyến khích điều đó. Bởi chúng ta chưa có đủ phương tiện để sinh viên có thể học bất cứ ở đâu như họ và sinh viên của ta cũng không thể học tập và nghiên cứu độc lập như sinh viên nước ngoài (điều này vừa thuộc về ý thức, vừa thuộc về khả năng, muốn có được không phải ngày một ngày hai mà phải được đào luyện từ khi mới đến trường). Vì vậy, máy móc và các phương tiện hiện đại không thể thay thế được vai trò của người thầy. Sinh viên phải đến lớp để lĩnh hội kiến thức và phương pháp từ thầy.
Thứ hai, sinh viên phải tự nghiên cứu giáo trình, tài liệu tham khảo (sách, báo, internet…) và tham gia nghiên cứu khoa học. Đây là cách giúp sinh viên khai thác kho kiến thức khổng lồ của nhân loại để làm giàu trí tuệ và tâm hồn mình. Rất tiếc, nhiều sinh viên còn thụ động, thậm chí còn lười trong việc đọc sách, nghiên cứu. Thực tế, có những sinh viên tốt nghiệp cử nhân văn học nhưng chưa hề đọc những tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới, hay không đọc nổi một đoạn Kiều khi đi phỏng vấn. Có những sinh viên sau bốn năm đại học vẫn không nắm được những bước cơ bản khi thực hiện một đề tài nghiên cứu. Hãy nhớ, những thành tích về nghiên cứu khoa học trong thời gian học đại học sẽ là một trong những “tấm giấy thông hành” giúp các bạn vào đời một cách thuận lợi.
Thứ ba, sinh viên phải học hỏi ở bạn bè. Cha ông ta ngày xưa từng nói: “Học thầy không tày học bạn” mà. Việc học nhóm, nghiên cứu theo nhóm sẽ đem lại những kết quả rất tốt. Những năm qua, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Kinh tế, Đại học KHXH&NV TP.HCM… đã có những nhóm sinh viên đoạt giải thưởng cao trong nghiên cứu khoa học. Say mê nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu theo nhóm sẽ giúp sinh viên tránh được tình trạng “nhàn cư vi bất thiện” hay giết thời gian ở những tiệm internet, những quán cà phê…
Ngoài những điều trên, việc “lăn lộn” kiếm sống ngoài xã hội cũng là môi trường giúp sinh viên trưởng thành hơn. Khi bước vào đời, những sinh viên ấy sẽ có vốn kiến thức phong phú hơn và khả năng giao tiếp cũng tốt hơn. Thực tế cho thấy, không ít những sinh viên đầy đủ điều kiện học tập, không phải băn khoăn về việc làm thêm, học rất giỏi nhưng khi ra đời lại như “nai vàng ngơ ngác” (có người gọi vui là “gà công nghiệp”).
Bên cạnh việc nắm vững kiến thức chuyên môn, sinh viên cần trang bị cho mình một vốn ngoại ngữ và tin học nhất định để tự tin bước vào đời. Vì sống trong thời đại kỹ trị, nếu không sử dụng được ngoại ngữ và tin học, con người sẽ không đáp ứng được yêu cầu của công việc và sẽ bị tụt hậu. Nhưng vấn đề là học để có thể sử dụng thành thạo chứ không phải học để lấy chứng chỉ A,B,C…
Tất nhiên, để đạt được điều đó, mỗi người cần phải có ý chí và nghị lực, thậm chí phải chấp nhận “hy sinh”. Đó là con đường đi đến tương lai một cách chân chính – đến tương lai bằng chính đôi chân của mình. Nếu ai đó, vì một lý do nào đó còn “băn khoăn đứng giữa đôi dòng nước” thì hãy mạnh dạn bước tiếp con đường học vấn đầy chông gai để hái được những quả chín ngọt ngào!
TS. TRần Thị Mai Nhân
Thời còn đi học, có lẽ ai cũng biết câu cách ngôn: “Cuộc đời là chiếc thang không nấc chót. Việc học tập là quyển vở không trang cuối cùng”. Nhưng vì hoàn cảnh riêng, biết bao người đành phải chọn một trang nào đó trong quyển vở cuộc đời để làm trang cuối cho việc học tập của mình. |
Bình luận (0)