1. Bắt đầu viết văn gọi là thi bút (thử bút). Thơ văn, thư họa hay và đẹp đến cực điểm gọi là tuyệt bút. Không cần suy nghĩ, tiện tay viết ra gọi là tín bút. Văn đặc biệt hay như được thần phù trợ, gọi là thần bút. Đoạn văn sửa chữa gọi là cải bút. Văn người khác nhờ viết gọi là thuộc bút. Văn mình viết ra, tự khiêm gọi là chuyết bút (bút vụng về). Văn của người đã chết mà lúc còn sống chưa công bố gọi là di bút. Mô phỏng thư pháp của người khác gọi là phỏng bút. Bắt đầu một bài văn hoặc viết một chữ mở đầu gọi là khởi bút. Kết thúc gọi là thu bút. Tác phẩm của tác giả danh tiếng gọi là đại thủ bút. Tác phẩm văn chương quan trọng hoặc bút lực mạnh mẽ gọi là duyên bút (bút như rui nhà). Trẻ con mới học viết chữ, người lớn giúp chúng cầm bút gọi là bả bút.
Khi viết văn, cách viết có ý xa rời chủ đề, không trực tiếp viết về sự việc ấy gọi là khúc bút. Văn chương chữ viết hoặc tranh vẽ ở dạng bút tích, bản thảo của chính tác giả gọi là thủ bút. Thơ văn thanh thoát hơn hẳn mọi người (thanh dật siêu quần), người thường không nghĩ tới, gọi là tiên bút. Năng lực so sánh trong sáng tác không cao, gọi là thốc bút. Người có tài hoa, khi hết tài không viết được nữa gọi là mộng bút. Nhà văn không sáng tác nữa gọi là đẩu bút (gác bút). Những câu văn sắc bén, giàu sức gợi cảm và có tính triết lý sâu sắc gọi là cảnh bút. Văn chương của những nhà văn nổi tiếng gọi là danh bút.
Những chữ tuyệt diệu gọi là sinh hoa chi bút (bút nở hoa). Văn viết vô cùng lưu loát gọi là tẩu bút. Viết hoặc vẽ trước danh nhân gọi là lộng bút (múa rìu qua mắt thợ). Văn chương không hay hoặc chữ viết không đẹp gọi là đại bút. Văn viết ra được trả thù lao gọi là nhuận bút. Riêng chuyện nhuận bút có rất nhiều giai thoại (và cả trên thực tế xảy ra). Định nghĩa nhuận bút: Là tiền trả cho người đã viết một tài liệu hoặc soạn một bản nhạc.
2. Chuyện kể rằng, có một bạn trẻ làm thơ đến tìm gặp nhà thơ Chế Lan Viên để xin ý kiến về thơ. Nhìn những vật dụng thô sơ, tầm thường trong nhà, anh ta nói: “Bác là nhà thơ nổi tiếng, từng viết ra bao nhiêu là thơ hay, cháu cứ ngỡ bác phải giàu lắm. Vậy mà nhìn khắp nhà bác, cháu chẳng thấy chất thơ ở đâu cả”. Nhà thơ bình thản: “Cũng có thể là “chất thơ” mình đã đưa cả vào trong sáng tác! Nhưng có thể thế này đúng hơn chăng: Cậu đã không hiểu thế nào là thơ, là “chất thơ”. Theo cậu thì cứ “cúc vàng rực rỡ”, “mái ngói đỏ tươi”… mới “nên thơ” chứ gì? Và có thể nguy hơn là cậu đã có động cơ sai lầm về việc làm thơ”. Cậu thanh niên nói: “Nhưng nếu cứ làm thơ hay để rồi sống nghèo, cháu thấy băn khoăn quá!”. Chế Lan Viên cười lớn: “Cậu cứ yên chí, hoàn toàn không phải băn khoăn gì cả. Mình đã đọc bản thảo thơ của cậu. Nhất định cậu sẽ không nghèo mà còn giàu nữa là đằng khác”.
“Nhuận bút” của nhà thơ có khi là những tình cảm của độc giả dành cho họ với sự mến mộ. Một lần giữa trưa hè đổ lửa, nhà thơ Xuân Diệu lang thang ở các phố Tuy Hòa tìm lại những kỷ niệm thời niên thiếu học sinh. Nhà thơ thấy vừa mệt, vừa bức bối lại vừa khát. Đang ước một ly nước mát giải nhiệt thì bên đường xuất hiện một chiếc xe bán nước mía. Nhà thơ ghé vào và uống một lúc hai ly cho đã cơn khát. Khi trả tiền, nhà thơ thấy ông lão chủ hàng sẽ sàng khoát tay từ chối: “Thưa ông, xin cho tôi được vinh dự đãi thi sĩ Xuân Diệu vài ly nước mía gọi là chút tình của một độc giả của thi sĩ mấy chục năm nay”.
Nhà thơ ngạc nhiên: “Nhưng sao bác lại nhận ra tôi là Xuân Diệu?”. Ông chủ hàng đáp: “Dạ, không giấu gì thi sĩ. Tôi mê thơ của thi sĩ từ hồi còn thanh niên, nhưng mãi đêm kia mới được diện kiến trong buổi bình thơ với bà con cô bác ở đây. Lúc nãy, vừa thấy thi sĩ bên đường là tôi nhận ra ngay nhưng mắc cỡ không dám mời. May quá, thi sĩ lại ghé vào dùng nước làm tôi sung sướng quá!”. Và nhà thơ Xuân Diệu cũng thực sự cảm kích trước tâm tình chất phác của một bạn đọc yêu thơ mình từ lúc tóc còn xanh nay đã rung rinh đầu bạc…
Nhưng có thể ít người biết được nhuận bút cuốn “Vượt Côn Đảo” ra đời vào năm 1956 của Phùng Quán (1932-1995), hơn một năm sau, cuốn sách lại được tái bản đến lần thứ tư, được trả bao nhiêu tiền lúc bấy giờ? Ngày ấy, chế độ nhuận bút trả cho tác giả được tính bằng gạo. Cứ 1.000 chữ được lãnh 28 ký gạo nhuận bút. Cuốn “Vượt Côn Đảo” dày gần 300 trang, Phùng Quán được trả thù lao tổng cộng là 18 tấn gạo, quy ra tiền là bốn triệu rưỡi (tiền tài chánh lúc bấy giờ). Dạo ấy, hòa bình mới lập lại ở Đông Dương sau cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm. Thời đó, vàng lá hiệu “Kim Thành” 60 ngàn một lạng (cây). Tính ra, cuốn “Vượt Côn Đảo” có nhuận bút tương đương với 75 cây vàng!
3. Có khi nhuận bút là được ưu tiên mua một chiếc xe đạp cung cấp thời “bao cấp” của nhà thơ Nguyễn Bính. Chuyện kể rằng khi theo cơ quan đi sơ tán nên cách xa gia đình, vợ con. Việc đi lại rất vất vả. Nhà thơ Nguyễn Bính thường nói với anh em là mong ước có chiếc xe đạp để đi. Nhiều đợt cơ quan được phân phối xe đạp giá rẻ mà nhà thơ chưa được.
Một chiều, nhà thơ Nguyễn Bính cùng anh em phòng sáng tác ngồi hóng mát bên bờ sông Châu, có cả hai thủ trưởng Ty văn hóa cũng ngồi đó. Một ông bạn đố nhà thơ Nguyễn Bính: – Ngày xưa Tào Thực, bảy bước thành thơ; nay để bảy phút anh có làm xong một bài thơ không? Đầu bài là “Chồng ở Nhân Nghĩa, vợ Nhân Hậu”. Nguyễn Bính nói: – Có hai thủ trưởng và anh em ở đây, tôi xin đọc luôn thơ, chứ cần gì đến bảy phút. Rồi nhà thơ đọc: “Chồng thì Nhân Nghĩa, vợ Nhân Hậu/ Mười lăm cây số, được độc đạo/ Không tiền, trời nắng lại không xe/ Khổ muốn kêu trời, trời có thấu?”. Khi đọc đến câu cuối, nhà thơ gật gật về phía hai thủ trưởng, như nói với “hai ông trời”: “Khổ muốn kêu trời, trời có thấu?”.
Anh bạn vừa đố nhà thơ Nguyễn Bính nói: – Câu đầu chơi chữ thật hay, đổi một chữ “thì” như lời tự bạch: “Vợ chồng tôi nhân nghĩa, nhân hậu lắm, nên nghèo, không tiền, không xe…”. Nhưng tôi nghĩ là “đạo” lại còn “đường” (đường độc đạo) liệu có thừa chữ không? Nhà thơ Nguyễn Bính hỏi: – Ông bạn ơi, chúng ta đang ngồi ở sông nào đấy? Ông bạn trả lời: – Sông Châu Giang. Nguyễn Bính nói: – À, sông Châu Giang cũng như sông Hồng Hà, thì cũng như “đường độc đạo”, chẳng lẽ gọi là “đường độc” ư?
Mọi người đều cười. Và hai thủ trưởng cơ quan cũng nháy mắt, xem chừng đã “thấu”. Mấy hôm sau, nhà thơ Nguyễn Bính được cấp phiếu mua một xe đạp cung cấp giá rẻ thật!
Bản thân tôi cũng từng lâm vào cảnh nửa cười nửa mếu khi nhận nhuận bút của mình vào năm 1978 (đang học năm thứ 2, Trường ĐH Cần Thơ, ngành văn Khoa Sư phạm). Lúc ấy, tôi được Phòng Giáo vụ chuyển “Giấy mời lĩnh tiền” của Bưu điện thành phố Cần Thơ. Ra đến nơi, làm thủ tục xong, cô nhân viên hỏi một câu rất… vui: “Có năm ngàn đồng mà anh cũng nhận à?”. Tôi chỉ biết gật đầu cười trừ cho qua cơn… bối rối! Thời điểm ấy, năm ngàn đồng mua được 20 tờ báo “Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh”.
Bây giờ nhuận bút của các báo, tạp chí đã được chú ý hơn, được nâng lên rõ rệt. Có tờ báo văn nghệ địa phương trả nhuận bút một triệu đồng một bài thơ hoặc vài triệu cho một truyện ngắn là chuyện bình thường! Những lúc khó khăn, mình cũng hiểu và thông cảm, chia sẻ khó khăn cùng tòa soạn để cùng nhau vươn lên…
Lê Lam Hồng
* Tài liệu tham khảo:
– Giai thoại nhà văn Việt Nam – Thái Doãn Hiểu, Hoàng Liên biên soạn – NXB Khoa học xã hội, 1996.
– Từ điển từ và ngữ Hán Việt – GS. Nguyễn Lân – Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, 2002.
Bình luận (0)