Những khúc gỗ lũa tự nhiên do “thợ trời” tạo tác, mà con người trân trọng gọi là “kỳ mộc” từ lâu đã trở thành một thú chơi thanh nhã mang đầy tính nghệ thuật và hàm chứa nhiều giá trị nhân văn. Việc thưởng ngoạn gỗ lũa có ý nghĩa như là một nỗ lực tìm kiếm cái nhiên tính của trời đất, cốt hòa cái tâm của ta với gỗ.
Tác giả bên bộ sưu tập gỗ lũa
Cốt của cây – Hồn của gỗ
Rừng vốn phong phú các loài hoa, cỏ và hàng vạn các loài cây. Vẻ đẹp của rừng nằm trong cái hoang sơ và bí ẩn của những hàng cây, tán lá. Tưởng chừng không có gì tồn tại mãi với thời gian, với sự bền bỉ vĩnh hằng. Nhưng cái tàn phai lại có một vẻ đẹp riêng khó trộn lẫn. Nó dường như là sự bắt đầu một cái gì mới, thao thức đến vô tận. Nước chảy đá mòn, cây cũng bị mòn theo thời gian. Có một vết thương ở thân cây, lâu ngày, vết thương trở thành sẹo gỗ. Cứ nhìn vào vết thương là biết được tuổi cây. Đó cũng là vết hằn đầu tiên trên thân cây, và có thể từ đó hình thành nên những nét lồi, nét lõm, mà ngày nay người ta quen gọi là gỗ lũa.
Có người ví nôm na rằng, gỗ lũa giống như xương, cốt đã hóa thạch. Vì trải qua sự biến thiên của trời đất, sự phong hóa tự nhiên, khiến cây chỉ bị phân hủy một phần, phần trơ lại chính là phần lõi rất rắn chắc, vô tình tạo nhiều hang hốc, khe rãnh… trên thân gỗ, bất giác trở thành những tác phẩm nghệ thuật, song hành cùng thời gian, mang lại hồn cốt của mình. Bởi lẽ, nó là sự kết hợp bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của tự nhiên và nét tài hoa, tư tưởng, tạo tác của con người. Những người say mê gỗ lũa thường có một triết lý riêng, coi nó là “kỳ mộc”, là phần “sống” duy nhất của cây gỗ đã chết, vì chất của gỗ lũa rất cứng, không mối mọt nào ăn được, không bị cong vênh hay ảnh hưởng mưa nắng, thể hiện một sức sống nội sinh mãnh liệt, trường tồn.
Hiện nay, thú chơi gỗ lũa thường có hai trường phái: giữ nguyên tác phẩm thiên nhiên, mang về rửa sạch, chỉ cắt bỏ những phần thừa đi; hoặc điêu khắc trên gỗ lũa, tức là dùng bàn tay con người điêu khắc tạo thành những hình tượng cụ thể, có ý nghĩa cụ thể trên gỗ lũa.
Những tác phẩm được điêu khắc trên gỗ lũa
Tuy vậy, điêu khắc trên gỗ lũa cũng khác với sự tạo hình của trường phái nghệ thuật điêu khắc gỗ hay tạc tượng gỗ như các nghệ nhân ở làng nghề mộc khác, vì yêu cầu vẻ đẹp sẵn có của cây, gốc, rễ và tạo ra đường nét hài hòa, đồng thời phải giữ nguyên dáng vẻ hình thể của tác phẩm. Thật vậy, vẻ đẹp của gỗ lũa không nằm ở sự bóng bẩy và đường nét hoàn hảo như các tác phẩm gỗ thông thường. Lũa gỗ đẹp là dấu vết còn sót lại trên con đường gọt giũa, tìm kiếm bản ngã riêng: phong trần, hoài cổ, đậm tính cá nhân và hoài niệm, đôi lúc còn mang tính trầm tư man mác, nhưng chẳng hề cũ kĩ, đó là những cảm xúc mà lũa mang lại. Không phải ngẫu nhiên, những tác phẩm của lũa gỗ luôn bật lên nét tinh xảo điêu luyện từ đường cong thớ gỗ, sắc màu của lõi, vân của cây và hình tượng trong thiên nhiên, dễ làm người xem nhận biết ngay chủ đề mà tác giả đã chọn. Người tạo ra tác phẩm gỗ lũa thường hạn chế tối đa sự can thiệp của mình, sẽ làm mất đi dáng vẻ ấy. Do vậy, ngoài đôi tay nhuần nhuyễn, người tạo tác gỗ lũa còn phải có sự nhạy cảm nghệ thuật để nắm bắt được cái đẹp một cách tự nhiên nhất có thể, mới tạo nên tác phẩm sinh động và có hồn.
Nói chung, nguyên tắc cơ bản của thú chơi này là tôn trọng tuyệt đối tính tự nhiên của gỗ, đặc biệt là giữ nguyên hình dạng của gỗ. Sự gia công đục đẽo ở chừng mực nào đó đã làm thay đổi theo ý của mình là ngược với nguyên lý tối hậu của kỳ thú này, bởi lẽ sự dụng công của người sẽ làm mất đi cái nhiên tính, tức là nó đã trở thành sản phẩm nhân tạo. Như vậy, chơi gỗ lũa chủ yếu dựa vào dáng thế của gỗ, một cách tình cờ nên duyên.
Gỗ lũa – sự trường tồn vĩ đại
Thiên nhiên tạo ra gỗ lũa và thổi vào nó một cuộc sống dài lâu, bất tận. Ngoài thiên nhiên, lũa chỉ là những đồ bỏ, vương vãi, vật vã giấu kín mình sau cái nhìn bạc đãi của người đời. Tuy vậy, nếu rửa sạch hết lớp bụi thời gian, chúng ta sẽ choáng ngợp trước hình dáng độc đáo, khác lạ của những khối lũa. Và, đằng sau dáng vẻ xù xì, thô ráp của lũa, là cả những câu chuyện đáng để luận bàn, suy ngẫm. Khi trở thành vật trang trí trong nhà, lũa là đại diện cho rừng, cho cái uy nghi, bề thế, cho vẻ thâm trầm của lá, của cây. Nhiều người thích lũa vì tìm thấy ở lũa những nét nhân văn, tìm thấy cả sự an ủi và sức gợi vô biên ấy. Thật vậy, bước ra từ thế giới của thiên nhiên hoang dã, gỗ lũa lại nhập vào cuộc sống tinh thần của con người. Lũa trường tồn hơn nhiều đời gỗ thường và với sự bảo vệ của con người, nó có thể truyền đời, làm sống dậy những thời khắc thiêng liêng của cuộc đời. Có thể nói rằng, gỗ lũa là mảnh vỡ triết luận cổ kính của rừng.
Vẻ đẹp của lũa được thể hiện ở dáng trầm mặc hoặc thanh cao gợi những liên tưởng về sự trường tồn sự vĩ đại của tâm tưởng, sự khẳng định của tố chất. Một tác phẩm lũa đặt đúng chỗ sẽ gợi ra bức tranh ca ngợi vẻ đẹp cuộc sống. Khiến cho nhìn mỗi góc khác nhau người thưởng thức lại thu được những cảm nhận khác nhau. Cái đẹp của lũa còn ở hương thơm, ở những đường vân độc đáo, không hề có phiên bản. Hình thù của nó độc nhất vô nhị, không thể đi tìm cái thứ hai giống thế. Nét độc đáo không có phiên bản này làm cho lũa thấm đẫm chất nghệ thuật và hấp dẫn các nhà sưu tập.
Mọi cái sẽ qua đi, con người rồi sẽ trở về với cát bụi. Nhưng gỗ lũa lại bền bỉ mãi với thời gian, bởi gỗ lũa là cái cốt lõi quý nhất của cây, là tinh túy của gỗ. Việc thưởng ngoạn những “kỳ mộc” này là một thú tiêu nhàn, một diệu dược và cũng có thể tạm gọi như là một phẩm trợ đạo thân dẫn dắt về với tánh bản nhiên của chúng ta. |
Vẫn là phần cây đó, nhưng đã trải qua thời gian phong sương, ngâm mình với thế thái nhân tình, ngắm đủ mùi vị của thế gian lần lượt vượt qua trước mắt, hóa thành tấm thân dẫu mỏng manh nhưng không hề yếu đuối. Lũa trở mình vượt qua thử thách của mẹ thiên nhiên, thả mình trôi theo dòng nước chờ người hữu duyên tìm thấy và biến lũa thành hình hài mới căng tràn hơi thở hiện đại nhưng vẫn vương tiếng nỉ non của những ngày xưa cũ. Từ những khúc gỗ lũa thân thương, người ta nghe thấy tiếng gọi của rừng, tiếng xào xạc của lá và cảm nhận sâu sắc dấu ấn thời gian trên mặt gỗ.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
Bình luận (0)