Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Ngày Xuân tản mạn về “Đưa con đi thi”

Tạp Chí Giáo Dục

Một mùa thi vừa đi qua và một mùa khai trường sắp sửa đến. Bao nhiêu người đã đưa con đi thi. Bao nhiêu người đã cùng con vượt một quãng đường, vượt qua nỗi lo, chờ đón một hy vọng. Bao nhiêu người đã thắc thỏm đứng ngoài cổng trường, chờ con đang cặm cụi trong phòng thi. Cây kim đồng hồ nhích theo nhịp đập trái tim của người cha người mẹ. Thời gian tâm trạng đồng hành. Tác giả Vũ Trọng Quang viết:

Ba đang đọc báo bên đường và đang cặm cụi trong phòng thi kia

Một phép phân thân chăng? Ba đang đọc báo và ba đang ở trong phòng thi? đúng ra phải là: “Ba đang đọc báo bên đường và… con đang cặm cụi trong phòng thi kia”. Nhưng không, ở đây một hình ảnh thơ đồng hiện. Ba đang đọc báo ngoài này, mà ba như cũng đang ở trong phòng thi kia. Ba ở đây và ba ở đó. Ba đang “theo” con, ngồi bên con, cầm cây bút của con, đeo mắt kiếng của con… Cố nhiên, đây chẳng phải là chuyện… thi hộ; mà là biểu thị một tâm trạng lo lắng cùng con, ở trong con. Nói rằng, ba đang đọc báo và đang cặm cụi trong phòng thi kia, nhưng kỳ thực ba chẳng làm được gì cả:

những con chữ và số nhảy khỏi trang báo ngổn ngang.

Phục hiện một tuổi trẻ:

hồi hộp dài hơn ba mươi năm trước.

Con đi thi mà ba còn hồi hộp hơn con, trái tim còn đập vội hơn con. Hơn cả phút hồi hộp của chính ba ở thời điểm ba mươi năm trước. Câu thơ thú vị:

Chỉ bước một đoạn đường

bao nhiêu nguyện vọng xanh

Đoạn đường nào? Đoạn đường từ hè phố nơi người cha đứng đến ghế ngồi trong phòng thi của con? Là, đoạn đường từ tuổi trẻ cha đến tuổi trẻ con? Hay, đoạn đường từ cây bút đến trang giấy?… Có lẽ là tất cả những đoạn đường ấy. Đoạn đường nào cũng chở những nguyện vọng xanh. Những nguyện vọng xanh “nối mạng” vào nhau. Câu thơ biểu cảm. Rồi:

tiếng chuông hết giờ giật mình tuổi trẻ.

Trong phòng thi, hẳn con vừa giật mình một cái, ngoài đường phố ba cũng giật mình theo. Ba giật mình như ba mươi năm trước ba từng giật mình như vậy. Rồi: “Hết giờ”. Ba đứng bên này đưa tay vẫy vẫy. Đám đông túa ra. Đâu là con? Sao ba không nhận thấy. Trái tim ba hồi hộp vô cùng. Rồi: “Con đứng trước mặt ba”.

hy vọng là bản nháp hoàn chỉnh

Được không? Niềm hy vọng ở phía trước. Được không con? Có khả năng đậu không con? Ba hỏi. Và một người khác nữa, câu hỏi đến dồn dập liên hồi, xô như sóng. Đó là mẹ:

ví dầu cầu ván đóng đinh trường đời tựa cửa

dấu hỏi trong giấc mơ đôi mắt mẹ

được không được không?

Thì ra, cái lo lắng, hồi hộp của ba, cơ hồ cũng không bằng mẹ. Câu hỏi không đến bằng lời mà lặn sâu trong đôi mắt, lặn sâu trong một đời “ví dầu cầu ván đóng đinh”. Được không? Đáp số còn ở phía trước. Có thể là một thất bại. Nhưng, toàn bộ cấu trúc bài thơ của Vũ Trọng Quang lại đặt ở thì hiện tại; là cái đang diễn ra; là sự xáo trộn, cài đặt, đan chéo nhau trong khoảnh khắc. Khoảnh khắc sống “hồi hộp” nhất của người cha, cũng chính là khoảnh khắc thơ thăng hoa, tạo tần số giao cảm. Một bài thơ hay, giản dị, ghi nhớ.

Nhà thơ Vũ Trọng Quang, quê Quảng Nam; đã có thơ in trên nhiều báo và tạp chí. Các tập thơ đã xuất bản: “Đã hết giờ của Lọ Lem”, “Thơ tự do” (in chung), “Thơ hôm nay” (in chung). Bài thơ “Đưa con đi thi” được trích trong tập:  “Hôm qua Hôm nay và Hôm sau” (NXB Đà Nẵng), Vũ Trọng Quang làm thơ chuyên chú, tinh lọc. “Đưa con đi thi” là một trong những bài thơ giản dị nhưng hàm chứa của Vũ Trọng Quang. Một người cả đời chỉ mong:

Tôi kiếm ăn bằng nhiều nghề khác

Làm thơ để được nhẹ lòng mình.

Trần Nhã Thụy

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)