Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ngày xuân trên… chiến trận

Tạp Chí Giáo Dục

Với người lính trong chiến tranh, Tết không phải là để nghỉ ngơi mà là “ngày làm việc chính”, là những trận đánh. Ngày tháng không phải đếm để bao giờ đến Tết mà đếm để chờ chiến thắng. 10 năm biền biệt trong những cánh rừng Tây Nguyên (1965-1975) không một dòng tin về với vợ con, là những cái Tết đánh giặc. Ông nói, Tết là những ngày ta đợi địch sơ hở để… đánh. Và mỗi cái  Tết với người lính Tây Nguyên những năm tháng đó là làm sao một ngày có một bữa no, không sốt rét đã là hạnh phúc… Ông chính là Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

Tết Mậu Thân 1968

Kể về những năm tháng đáng nhớ nhất của người lính thời bom rơi, đạn lạc, mắt vị tướng già 91 tuổi rưng rưng: 10 năm ở chiến trường Tây Nguyên là 10 năm đói khổ, sốt rét triền miên. Sống trong rừng, những người lính như chúng tôi không biết hôm nay là ngày mấy, tháng mấy, chỉ biết, qua một đêm là sang một ngày mới. Rồi thỉnh thoảng hỏi nhau giờ là tháng mấy? Cũng trong suốt 10 năm ấy, những người chỉ huy như tôi không ai nghĩ đến Tết, trong 365 ngày của năm, chỉ cần nghe tin miền Bắc được mùa là phấn khởi lắm. Cũng như những riêng tư, nhớ vợ con, gia đình đều được những người lính dày dặn chiến trường gác lại. Do đó, nói chiến trường Tây Nguyên, cứ mỗi Tết đến, đầu năm mới là làm sao để lập chiến công mới? Làm sao để rút ngắn những năm tháng chiến tranh, nên chẳng có cái Tết nào là không chiến đấu. Tôi thường chỉ động viên chiến sĩ mình bằng tinh thần mà thôi, và phía trước làm sao có chiến thắng, lập thành tích đón xuân mới. Đúng như lời kêu gọi của Bác Hồ: “Năm qua thắng lợi vẻ vang, năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to…”.

PV: Có nghĩa là những người lính trong những năm tháng ấy thường không có Tết?

Có thể nói là như vậy. Tất cả những trận đánh lớn của ta như Mậu Thân năm 1968, cuộc tổng tấn công năm 1972… đều đánh vào đêm giao thừa. Với bộ đội, ngày đầu năm mới không phải là ngày nghỉ ngơi, mà là “ngày làm việc chính”.

Với tôi, kỷ niệm sâu sắc nhất là Tết Mậu Thân 1968, toàn chiến trường miền Nam được lệnh tổng tấn công cùng một giờ vào đêm 30 rạng sáng mùng 1 Tết. Thế nhưng, ở Tây Nguyên có một sự kiện hi hữu, đó là Tây Nguyên theo lịch miền Nam, nghĩa là chậm hơn miền Bắc 1 ngày. Không những thế, năm đó, lịch âm và dương trùng ngày. Do đó, nếu phía ngoài theo lịch Bắc (Bình Trị Thiên, Đà Nẵng) sẽ nổ súng vào đêm 31 rạng sáng mùng 1, thì Tây Nguyên sẽ nổ súng vào đêm 29, rạng ngày 30. Lúc đó, tôi đang là Trưởng ban Tác chiến Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Việc đi lại khó khăn, nên bộ đội Tây Nguyên đã được lệnh di chuyển trước 2 ngày đường, không có thông tin, bộ đàm để đảm bảo an toàn bí mật. Lúc này, ngoài Bắc mới báo vào, chỉ đạo mặt trận Tây Nguyên chậm lại 1 ngày kẻo đánh động, kế hoạch nổ súng cùng một giờ của toàn miền Nam sẽ bị phá sản. Thế nhưng, tất cả đã không kịp, khi mà ngay cả người đi sau cũng không được thông tin, nói chuyện với người đi trước, bộ đàm liên lạc không có, cho người đuổi theo cũng không kịp nữa. Lúc này, Bộ Tư lệnh Tây nguyên vô cùng căng thẳng, và xác định sẽ bị kỷ luật.

Vậy là theo đúng lịch miền Nam, đúng 0 giờ 40 phút Buôn Mê Thuột nổ súng, Pleiku 0 giờ 55 và Kon Tum là 1 giờ 15 nổ súng. Tuy nhiên, với việc nổ súng sớm ở 3 thị xã Tây Nguyên, địch dồn sức vào đối phó nên phía ngoài chậm hơn 1 ngày đỡ bị tổn thất hơn. Kon Tum trụ được ngắn nhất là 3 ngày, Pleiku 7 ngày và Buôn Mê Thuột 12 ngày…

Tết sớm  mùa xuân 1975

Với người lính, mỗi cái Tết tuy không được ở bên gia đình nhưng cũng có dấu ấn riêng. Ông có nghĩ như thế không?

Tôi còn nhớ Tết 1975 là Tết sau 10 năm những người lính được cầm trên tay những hạt gạo nếp miền Bắc còn thơm mùi lúa. Một cái Tết no đủ và đúng nghĩa với những người lính chiến trường. Ngày ấy, tuyến đường 559 đã thông suốt. Lương thực, đạn dược miền Bắc chi viện vào chiến trường miền Nam đã đầy đủ, sẵn sàng. Chúng tôi được ăn Tết sớm 1 tháng. Tết đó, tất cả chiến trường im tiếng súng. Mỗi người được 2 lạng gạo nếp. Mỗi tiểu đội được 1 hộp thịt 1kg, 1 bao thuốc lá. Chỉ huy được thuốc lá Thăng Long, chiến sĩ thuốc lá Điện Biên. Có kẹo cứng và bánh quy miền Bắc. Có rượu sắn của đồng bào Tây Nguyên và gạo được cấp ăn no.

Chưa hết, Đắk Lắk vốn sẵn hoa lan. Nên Tết đó, bộ đội ta kết đầy hoa lan rừng tại các lán trại. Đồng chí Vũ Lăng, Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên ngày đó, trong những khoảng lặng của chiến tranh ấy đã thổ lộ với chiến sĩ, đồng đội mình: “Các cậu cho mình ít hoa. Vợ mình tên Hoa. Mình nhớ Hoa lắm…”. Thế nên, hoa phong lan và hoa mai vàng được treo đầy lán của đồng chí tư lệnh mặt trận. Và năm đó, cả rừng hoa mai bạt ngàn đón Tết cùng bộ đội Tây Nguyên như báo hiệu một chiến thắng vang dội sắp đến.

Thế rồi, chưa đầy một tháng sau, chiến dịch Tây Nguyên mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với chiến thắng đầu tiên ngày 10-3-1975 tại Buôn Mê Thuột. Và các cánh quân từ Tây Nguyên tràn xuống trung du, đồng bằng, ào ạt tiến vào Sài Gòn ngày 30-4 lịch sử.

Với tôi, đó là cái Tết vui nhất, trọn vẹn nhất.

10 năm ở chiến trường Tây Nguyên, ông và vợ bặt tin nhau, ông và vợ đã gặp nhau trong hoàn cảnh nào?

Suốt 10 năm chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, tôi và vợ bặt tin. Vợ tôi, sau 10 năm bặt tin chồng, đã vào Quảng Bình hỏi thăm. Nhưng không nhận được thông tin gì nên đành trở ra. Tình cờ, lúc đó tôi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp triệu tập ra nhận mệnh lệnh giải phóng Tây Nguyên (tầm tháng 9-1974 – PV). Cũng trong ngày hôm đó, tại đất Quảng Bình, vợ tôi đi chuyến xe trước trở ra vì không gặp chồng, tôi đi chuyến xe sau. Trở ra Bắc phải qua phà. Nhà phà phải đợi đủ người mới xuất hành. Vậy là xe của vợ tôi và xe của tôi cùng được lên chuyến phà ngày hôm đó. Một người trở ra vì không tìm được chồng, một người đi 10 năm mới về nhà gặp vợ, con. Tưởng rằng sẽ gặp nhau ở nhà nhưng lại gặp nhau trên chuyến phà lênh đênh sông nước. Nhưng nhận ra tôi trên chuyến phà đó, không phải là vợ, mà là một người bạn. Hai vợ chồng gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Vợ tôi khóc như chưa bao giờ được khóc. Về đến nhà, hai đứa con sợ hãi bỏ chạy vì tự nhiên có ông đen thui, gầy gò, hom hem vào nhà cùng mẹ. Khi tôi ra đi, cháu lớn mới hơn 1 tuổi, một cháu vừa lọt lòng hơn 1 giờ đồng hồ.

Đó là những ký ức mà có lẽ chỉ những người thuộc thế hệ như chúng tôi mới có được. Những ký ức đẹp và không thể nào quên!

Xin cảm ơn ông!

Thiên Lam

Bình luận (0)