Một góc chùa Tây Phương. Ảnh: I.T
|
Tôi hỏi nhà văn Tô Hoài thì được biết từ thị xã Sơn Tây về thăm chùa Sùng Phúc (tên cũ của chùa Tây Phương) chỉ 18 cột cây số. Hai bên đường những hàng xoan qua ngày đông cành lá khẳng khiu như cánh tay gầy của Phật Tuyết Sơn, nay bắt đầu nảy lộc non mới. Nắng trải nhẹ trên những quả đồi đất đỏ trông như đàn ngựa hồng khổng lồ đang đuổi nhau trên thảo nguyên. Đây đỉnh núi Câu Lậu cao cao, kia dòng Tích Giang nước xanh màu chàm. Chùa Tây Phương được dựng xây trong khung cảnh núi sông đậm đà, đẹp tươi ấy.
1. Hơn 200 năm trước, Phan Huy Ích (1750-1822) thời Tây Sơn đã từng qua đây có thơ vịnh.
Cát lệnh dư sa đôi xích nhưỡng(1)
Phạn lâm cô viện ỷ u hoàng
(Thuốc thiên thừa của Viện huyện họ Cát để lại thành đống đất đỏ. Ngôi chùa đứng một mình dưới bóng đám cây trúc xanh tốt).
Theo Hán thư: “Núi Câu Lậu có giống trâu lặn ở dưới nước, thường lên bờ chọi nhau, khi nào sừng mềm thì lại xuống dầm nước”. Nhà thơ Đỗ Phủ đời Đường (712-757) có ghi câu thơ nói về thuốc quý ở nước ta “Giao Chỉ đan sa trọng” (người Giao Chỉ có thuốc tiên quý) và trong bài ký của Đỗ Quang Bình nhà Đường Động Thiên phúc địa còn để lại: “Câu Lậu là động thứ 22 trong 36 động thiên. Núi Câu Lậu chu vi 40 dặm phía tây Thăng Long 30 dặm”. Đủ thấy rằng cách đây hàng nghìn năm sách xưa còn ghi lại tên núi Câu Lậu, nơi dựng ngôi chùa cổ này.
Đi qua cổng chùa kiến trúc rất sơ sài có đề “Tây Phương Cổ Tự” – tên mới đặt từ thời Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản (1793) – chúng ta biết ơn những lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn vì lúc quân Thanh vừa bị quét sạch, đã lo kiến tạo lại các chùa chiền và xây dựng một cuộc sống văn hóa, nghệ thuật đầy tính dân tộc. Xưa kia, Quang Trung là một vị anh quân có ý thức bảo vệ các di sản văn hóa dân tộc và chú ý phát triển nghệ thuật dân gian cổ truyền. Chùa Tây Phương – theo truyền thuyết ghi trong bản giới thiệu của Sở Văn hóa Hà Tây: Chùa dựng vào thế kỷ thứ 3. Đến thế kỷ thứ 9 được xây lại, nhưng lúc đó chỉ là một ngôi chùa nhỏ. Năm Giáp Dần đời vua Trung Tông (1554), chùa mới xây theo quy mô hiện nay. Đời Lê Thần Tông, năm Canh Tý 1666, Trịnh Tạc qua đây thấy chùa trang nghiêm đẹp đẽ nên cho sửa sang lại, rồi đến thời Tây Sơn chùa Sùng Phúc được tu sửa lớn và mang tên Tây Phương.
Đây là một ngôi chùa cổ rất đẹp làm vinh dự cho nền kiến trúc và mỹ thuật xưa của nhân dân ta. Nhiều bạn nước ngoài các đoàn Phật giáo quốc tế đã đến thăm chùa trong đó có các bạn từ Âu, Á, Phi, Mỹ Latinh, các bạn Sérilanka, Nhật Bản, Miến Điện… đất nước của Phật giáo, kể cả các nhà văn, họa sĩ Ấn Độ quên hương của Thích ca Mâu Ni, nhiều ông hoàng bà chúa ở Campuchia, Thái Lan xứ “nghìn chùa” cũng đến thăm và hết lời ca ngợi về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, tạc tượng của Việt Nam ngày trước.
2. Ngày thu gió đủ lùa hương cành ngọc lan phía hậu đường. Đi vòng trên sân rộng lát đá và ngắm cảnh vật trong hương thơm ngào ngạt. Anh bạn cùng đi vẽ cho chúng tôi xem chùa xây dựng theo kiểu “nội tam, ngoại công”. Đây là ba tòa nhà cổ kính bằng gỗ đẹp xếp hình chữ tam, ngoài xây tường theo kiểu chữ công. Giữa ba tòa nhà có hai sân nhỏ xây hai bể nước lớn. Cô bạn nhà thơ soi mình trong bể nước trong, vuốt lại mái tóc rối vì lên chùa mệt. Bể nước làm gương phản chiếu ánh mặt trời để ngôi chùa thêm ánh sáng. Ánh sáng tỏa ra lung linh dìu dịu, phản lên những pho tượng một màu sáng mới, càng nhìn càng ưa, ta có cảm giác hình như chùa rộng rãi, cao hơn thực tế một ít và toát lên sự yên tĩnh thâm nghiêm. Cách đây hàng mấy thế kỷ, tác giả nào đã nghĩ ra lối kiến trúc như vậy thật quả là một kiến trúc sư kỳ tài(2). Mỗi ngôi nhà kiến trúc hai tầng tám mái. Lợp ngói hình lá đề (một loại lá vùng này rất nhiều), ngói cỡ to và dày hơi giống mũi hài. Các mái uốn cong mềm mại gắn tứ linh(3) bằng sành rất thanh thoát. Trên các mái thượng diêm, hạ diêm, ở mỗi đầu đao, con gãy, đầu hồi, giác hương đều chạm rồng phượng, hoa sen, lá mẫu đơn (vua của trăm loài hoa), lá dâu, tia mặt trời, mặt trăng. Các chân cột bằng đá xanh chạm hình cánh sen.
Chùa bố cục phong cách rất cân đối, khéo léo và hài hòa nhưng đơn giản và bao quát, sáng tạo hoàn toàn theo trí tuệ của Việt Nam. Chỗ nào cũng mộng ô vuông, lợp ngói nhiều màu, tưởng chừng mái chùa được choàng tấm áo hoa xuân hay khoác ngoài tấm cà sa nhà Phật vậy!
Lần vào hậu đường, 16 vị La Hán rất bình dân (trong Thiền uyển kế đăng lục 18 vị) với 46 tượng lớn, nhỏ rất hiện thực để ở phía dưới trước bái đường và chính điện, vị chi 62 pho. Người nghệ sĩ Việt Nam thời ấy không biết có phải đã mượn đề tài Phật giáo để miêu tả xã hội đương thời – một xã hội khổ đau và nhiều biến động – mà chốn dương gian chưa tìm thấy đường ra(?). Đấy là bao nhiêu thế giới, bao nhiêu tâm sự, bao nhiêu cuộc đời. Nghệ thuật tạo hình ở các pho tượng tinh xảo và rất điêu luyện. Mỗi pho đều có một nét riêng biệt, càng xem càng hấp dẫn. Chùa Tây Phương là niềm tự hào và tiêu biểu của nền nghệ thuật độc đáo đầy sáng tạo của dân tộc ta. Đại Nam nhất thống chí có ghi: “Chùa Tây Phương trên núi Tây Phương, thuộc huyện Thạch Thất, hàng năm mùa xuân, mùa thu người xa gần đến chùa dâng hương, cũng là thắng cảnh của một phương”.
3. Chiều nay có người mẹ trẻ viếng cảnh thăm chùa, tay chị cầm bó hương châm từng nén đặt dưới chân các vị La Hán và Tôn Giả. Chị dừng lại rất lâu trước ông tổ thứ 10 – Hiếp Tôn Giả – đang cầm quạt, tỳ tay vào thân cây. Bặm môi không nói, chỉ nhìn thôi. Chao ôi, vòm mắt chỉ nhìn vào tương lai mà như xoáy sâu vào tâm hồn chúng ta vậy! Người mẹ trẻ thêm vào cho Hiếp Tôn Giả một nén hương nữa. Vừa là một phật tử vừa là một nhà phê bình nghệ thuật, chị nói: “Thưởng cho nghệ sĩ hay bác thợ cả nào đã tạo bức tượng rất có hồn này!”. Các tượng Mã Linh, Ca-tỳ-ma-la, Long Thụ Đơn Giả… mỗi người một sắc thái riêng, một tinh thần riêng, nhưng tiếng tăm nhất vẫn là tượng La-hầu-la-đa và Tuyết Sơn, đó là những pho tượng tuyệt vời! Theo nhà văn Nguyễn Tuân, đó là những con người rất thật, những người khổ hạnh, bàn tay gầy gò trơ ra từng đốt xương. Ở La-hầu-la-đa đó là một ông già Việt Nam, rất Việt Nam của thời đó, tay cầm gậy, tay để trên gối dáng điệu rất thoải mái. Còn kia là Tuyết Sơn, một vị thiền sư má hóp, mắt sâu, khuôn mặt gầy gò, da bọc xương đang tập trung tinh thần trầm tư mặc tưởng. Khi đứng trước những pho tượng La Hán, nhiều người đến đây đều nhớ lại những câu thơ dễ thuộc: “Trán như nổi sóng biển luân hồi” và “Gân vặn bàn tay mạch máu sôi”. Các vị khác cũng vậy, tên phiên âm tiếng Phạn rất dài, phải lên tận nơi nhìn thì mới thích, vì “mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười”, rất sống, rất thực, hấp dẫn và khó quên.
Ngày xuân thăm Tây Phương Cổ Tự, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, một công trình kiến trúc mang tính chất dân tộc gợi lên trong ta vẻ đẹp dịu dàng, tươi mát. Tổ tiên mình đã để lại một công trình nghệ thuật điêu khắc, tạc tượng rất quý giá của kho tàng nghệ thuật cổ của nước ta.
Đoàn Minh Tuấn
(1) Theo Phan Huy Chú (con Phan Huy Ích): Khi xưa Cát Hồng thời Tấn làm chúc lệnh Giao Chỉ luyện thuốc tiên ở núi Câu Lậu.
(2) Những kiến trúc sư giỏi này bị quân Nhà Minh xâm lược bắt về xây cổ cung – theo Nguyễn Huy Tưởng.
(3) Rồng, lân, rùa, phượng, bốn vật được thờ gọi là tứ linh.
(4) Người tu hành đắc đạo.
Bình luận (0)