Tiếp nối thành công tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 14 năm học 2021-2022 tiếp tục diễn ra tại nhiều trường THPT thuộc tỉnh Nghệ An: Trường THPT Quỳ Châu; THPT Quỳ Hợp 1; THPT Quỳ Hợp 2; THPT Quỳ Hợp 3; THPT Nam Đàn 1, THPT Nam Đàn 2, THPT Kim Liên, THPT Quỳnh Lưu 1; THPT Quỳnh Lưu 2; THPT Bắc Quỳnh Lưu…
Ban tư vấn
Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng ĐHQG TP.HCM, Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, Trung tâm Phát triển Giáo dục và Đào tạo phía Nam, Bộ GD-ĐT tổ chức với sự đồng hành của nhiều trường ĐH, CĐ trên cả nước.
Đa dạng ngành nghề
Nghệ An là vùng đất được mệnh danh “địa linh, nhân kiệt”. Cùng với diện tích lớn nhất cả nước, dân số đông, điều kiện địa lý, kinh tế đa dạng giúp Nghệ An ngày càng phát triển, thu hút được nhiều đầu tư để phát triển kinh tế. Những năm gần đây, Nghệ An rất chú trọng phát triển giáo dục, góp phần tạo nên nguồn nhân lực cho địa phương. Nếu học sinh chọn đúng ngành, đúng nghề sẽ có nhiều cơ hội phát triển bản thân, đóng góp cho tỉnh nhà.
Theo ThS. Nguyễn Công Kỳ (Trưởng phòng nghiệp vụ, Trung tâm Phát triển Giáo dục và Đào tạo phía Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện nay hệ thống giáo dục có nhiều bậc học giúp học sinh Nghệ An có thể lựa chọn một ngành nghề và bậc học phù hợp. Cụ thể, bậc trung cấp có khoảng 820 ngành; cao đẳng khoảng 550 ngành và đại học khoảng 367 ngành thuộc 23 nhóm lĩnh vực khác nhau. Riêng hệ đại học có các chương trình đào tạo như: hệ đại trà; chất lượng cao; hệ quốc tế. Ngoài ra, học sinh tỉnh Nghệ An còn có hướng đi khác là xuất khẩu lao động nước ngoài. “Tuy nhiên, trước khi đi lao động nước ngoài, các em phải trải qua quá trình học tập, đào tạo từ nhà trường. Có thể trường trung cấp, cao đẳng hoặc đại học để có kiến thức, chuyên môn. Như vậy, khi làm việc ở nước ngoài, các em mới được bảo vệ tốt, tạo ra được nhiều giá trị”, ThS. Kỳ cho hay.
Chuyên gia tư vấn cho học sinh tỉnh Nghệ An
Trước nhu cầu của tỉnh Nghệ An về nhân lực ngành xây dựng, PGS.TS Trần Ngọc Long (Trường ĐH Vinh) cho biết, để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, nhà trường có hệ thống ngành nghề đa dạng, trải dài ở tất cả lĩnh vực. Từ lĩnh vực kinh tế; kinh doanh; kỹ thuật cho tới môi trường; sức khỏe; sư phạm… trong đó có ngành xây dựng. Ngành xây dựng gồm các chuyên ngành: kỹ thuật xây dựng; kỹ thuật xây dựng công trình thủy; kỹ thuật xây dựng công trình giao thông. Năm 2022, ngành xây dựng tuyển dụng 4 phương thức: tuyển thẳng; dựa vào học bạ; kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và phương thức kết hợp của trường. Trong xu thế phát triển của tỉnh Nghệ An, ngành xây dựng được xem là yếu tố then chốt, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Học sinh lựa chọn ngành này là hướng đúng đắn, giàu tiềm năng.
Để học sinh có thêm sự lựa chọn, TS. Võ Tiến Trung (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh) thông tin, năm 2022 nhà trường tuyển sinh 12 ngành thuộc các khối ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật máy tính, công nghệ điện tử viễn thông… Trong quá trình học, sinh viên có nhiều cơ hội trải nghiệm trau dồi kỹ năng tại doanh nghiệp. “Theo đó, nhà trường kết nối cho sinh viên thực tập tại doanh nghiệp có trả lương. Việc này giúp cho sinh viên ra trường có việc làm, không lo thất nghiệp”, TS. Trung khẳng định.
Ngoại ngữ nâng mức thu nhập
Chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 14 năm học 2021-2022 diễn ra tại tỉnh Nghệ An từ ngày 23-3. Chương trình dự kiến đi qua khoảng 90 trường THPT trên địa bàn giúp học sinh nắm được thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT; các phương thức xét tuyển ĐH, CĐ; những ngành nghề phù hợp với xu thế cũng như nhu cầu lao động trong tương lai. |
Để học sinh Nghệ An có cơ hội tìm được việc làm tốt, thu nhập cao sau khi tốt nghiệp đại học, ông Lại Hồng Anh (Trưởng Ban tuyển sinh Trường ĐH Swinburne Việt Nam) cho rằng, trong thời đại hội nhập, ngoài việc vững chuyên môn thì kỹ năng tiếng Anh là cơ hội để người học tìm được việc làm tốt, thu nhập cao. Ví dụ, sinh viên học ngành công nghệ thông tin mới ra trường có mức thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng. Nhưng nếu các em có nhiều kinh nghiệm cộng thêm ngoại ngữ mức lương có thể tăng gấp đôi, lên tới hàng ngàn đô la/tháng. “Ngành công nghệ thông tin tại Trường ĐH Swinburne Việt Nam có 2 chuyên ngành: công nghệ phần mềm và quản trị hệ thống. Khi học, sinh viên được đào tạo thiết kế website; phần mềm, hệ thống thông tin. Ngành này đòi hỏi người học phải nhạy bén, có tư duy logic, trí nhớ tốt và chịu được áp lực”, ông Hồng Anh cho biết.
Trả lời câu hỏi cho học sinh về chương trình học chuyển tiếp tại Việt Nam và Mỹ, bà Lê Phương Uyên (Trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Broward Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định, đây là nhu cầu của nhiều học sinh. Học chuyển tiếp có nghĩa là sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh có thể xét tuyển vào trường ĐH có chương trình đào tạo chuyển tiếp để có thể học tại Việt Nam sau đó chuyển tiếp học tại nước ngoài như Trường ĐH Broward Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trường đào tạo chương trình của Mỹ, 100% bằng tiếng Anh. Khi xét tuyển vào đây, sinh viên có thể học 2 năm tại Việt Nam sau đó chuyển tiếp học tại Mỹ hoặc bất kỳ quốc gia nào có trụ sở Trường ĐH Broward Hoa Kỳ. Việc chuyển tiếp rất dễ. Nhà trường có bộ phận tư vấn du học miễn phí cho sinh viên. Sau khi hoàn thành chương trình học, sinh viên được nhận bằng cử nhân do Trường ĐH Broward Hoa Kỳ cấp.
Bên cạnh những ngành nghề trên, học sinh tỉnh Nghệ An cũng bày tỏ quan tâm đến ngành luật, tài chính ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh… Các chuyên gia đã giải đáp cụ thể, giúp các em khai phá tiềm năng chọn ngành nghề phù hợp.
Hồ Trinh
Bình luận (0)