Sau 6 năm thực hiện xây dựng trường chuẩn quốc gia – tính từ năm học 2002-2003 (thực ra, nói cho đầy đủ là 11 năm – vì cấp tiểu học đã triển khai trước đó 5 năm và cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông triển khai trước đó 1 năm), toàn tỉnh đã có 30,02% số trường học đạt chuẩn quốc gia. Nhưng để hai năm nữa – đến cuối năm 2010, tỷ lệ này tăng lên mức 60%, đây quả là điều không dễ chút nào!
Theo quy định hiện hành, một trường đạt chuẩn quốc gia phải đạt 5 tiêu chuẩn về tổ chức quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; cơ sở vật chất và thiết bị; chất lượng giáo dục; công tác xã hội hoá giáo dục. Nhìn lại giai đoạn vừa qua, có hai tiêu chuẩn mà các trường khó đạt là cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục.
Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục có nhiều nội dung, trong đó có nội dung: trường tiểu học phải có ít nhất 10% học sinh đạt Học sinh giỏi, 40% học sinh đạt Học sinh tiên tiến; trường trung học phải có ít nhất 03% học sinh được xếp loại giỏi và 30% học sinh được xếp loại khá về học lực. Để đạt được những yêu cầu này một cách thực chất, không phải chỉ có sự nỗ lực của thầy và trò là đủ, mà đòi hỏi phải có sự cố gắng bền bỉ, liên tục của cả hệ thống giáo dục trong địa phương. Chúng tôi biết hiện nay, một số trường đã đạt bốn tiêu chuẩn, duy chỉ còn tiêu chuẩn về chất lượng là chưa với tới. Hiệu trưởng các trường này cho biết, không thể nâng thêm điểm cho học sinh để có tỷ lệ theo quy định mà phải làm thực chất; mà muốn có thực chất, ít ra cũng phải phấn đấu cật lực ba bốn năm mới được – dạy cho học sinh đạt trung bình thì không khó, nhưng dạy cho học sinh đạt khá và giỏi một cách toàn diện là một việc làm hết sức gian nan!
Khác với cái khó về chất lượng giáo dục, để đạt yêu cầu về cơ sở vật chất, không phải chỉ bằng sức người mà phải có đủ diện tích đất, phải có tiền (không có tiền thì làm sao có phòng thiết bị, phòng đọc sách, phòng truyền thống, phòng giáo dục nghệ thuật, phòng y tế học đường,…). Điều này thì một mình nhà trường không thể làm được. Chúng tôi biết, để có trường đạt chuẩn quốc gia, nhiều xã đã phải bổ sung thêm diện tích đất cho trường; rồi ngoài công sức của mọi người, còn phải bỏ ra khá nhiều tiền. Với điều kiện là đã có đủ phòng học, mỗi trường mầm non và tiểu học còn phải bỏ ra trên dưới một tỷ đồng; còn trường trung học, ít nhất cũng phải tốn thêm vài ba tỷ. Nhiều hiệu trưởng cho biết, trường họ chưa đạt chuẩn vì kinh tế địa phương còn quá nhiều khó khăn; bây giờ lại không thu tiền xây dựng trường, đã khó lại càng khó thêm; tỉnh nói tăng đầu tư ngân sách, nhưng có lẽ cũng vì nghèo nên có thấy tỉnh đầu tư gì đâu!
Bài toán về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia hiện nay là giải quyết vấn đề cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục. Về chất lượng giáo dục, từng nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục phải lo và có thể lo được. Nhưng về cơ sở vật chất, nếu tỉnh không có đầu tư, không có cơ chế "huy động các nguồn lực của toàn xã hội" như Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 đã ghi thì việc 60% số trường học đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm 2010 là chỉ tiêu rất khó đạt.
Minh Đức (Giáo dục & thời đại)
Bình luận (0)