Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Nghệ An: Voi rừng lại về bản, người dân lo âu khiếp đảm

Tạp Chí Giáo Dục

Căn nhà ọp ẹp này của chị Bình không thể chống đỡ nổi nếu đàn voi tấn công.

Đêm không dám ngủ…

Chúng tôi có mặt tại Cầu Ván lúc ánh nắng chiều vàng vọt dưới tán rừng… Căn nhà xiêu vẹo của chị Nguyễn Thị Bình lạc lõng giữa bốn bề núi rừng. Chị Bình là công nhân lâm trường Anh Sơn nét mặt vẫn chưa hết lo lắng, đôi mắt đỏ hoe vì nhiều ngày liền phải thức để xua voi rừng “đại náo” khu vực chị đang sinh sống.

“Khoảng 23 giờ tối 16/7/2008, hai mẹ con tôi đang ngủ thì bỗng nghe tiếng gầm rú của voi từ trên đỉnh đồi, một lát sau tiếng nó đã gần cạnh nhà. Hoảng quá tôi gọi con dậy và bảo cháu chạy đi trốn, lỡ nó quật chết. Cùng lúc đó, tôi đi đánh thức mấy nhà hàng xóm dậy, người thì dùng đuốc, giẻ tẩm dầu hoả bắt đầu đốt và xua đuổi đàn voi. Đêm đó hơn 2 giờ sáng thì chúng bắt đầu ngược lên rừng. Nhưng kể từ giờ đó tôi và nhiều người nơi đây đêm nào cũng ngủ không ngon giấc vì nơm nớp lo sợ… đàn voi quay trở lại”, chị Bình nói.

Một số người khác cũng cho hay, ngày hôm đó trong lúc đang hái măng, họ có nghe tiếng voi thét từ trong rừng sâu và biết nhiều khả năng nó sẽ về trong tối nay nhưng không đoán được nó đi hướng nào. Đến đêm đàn voi gồm 4 con đã xuống xóm Cầu Ván quậy phá nhưng đã bị người dân xua đuổi kịp thời nên không có thiệt hại về người và của.

Chị Nguyễn Thị Bình cho biết thêm, đàn voi này có 4 con, trong đó có một con đực đầu đàn với đôi ngà rất dài và cũng đã xuất hiện những năm trước đây đúng vào dịp măng rừng nhú. Những năm trước khi đàn voi kéo về, nơi đây trở thành “bãi chiến trường” tan tành, nhưng năm nay rất may chúng không phá phách mấy.

Chị Bình nhớ lại, hai năm trước khi đàn voi về đã phá tan căn nhà của chị, thấy hai cái chum đựng gạo và muối cả đàn kéo lại đưa vòi hút ăn sạch bong. Cũng dạo ấy chị và đứa con phải nhịn đói gần một tuần đến lả người. “Còn năm nay thì may lắm các chú ạ, nếu nó cứ quậy phá như những lần trước thì hai mẹ con tôi thà chết cho rồi vì biết lấy đâu ra tiền để sửa lại nhà. Tôi chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng đã bị buộc phải nghỉ trước vì sức khoẻ của tôi không đảm bảo và họ nói phải chờ 10 năm nữa mới có lương hưu”.

Theo người dân ở xóm Cầu Ván cho biết, trước đó khoảng 22 giờ ngày 10/7 cũng đã có hai con voi (hai mẹ con) xuất hiện tại xóm Cồi (xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn) phá hoại một số hoa màu, chè và một số cây keo. Đêm hôm đó người dân xóm Cồi đã đốt lửa khắp quanh làng nên hai mẹ con voi đã ngược vào rừng.

Một số cán bộ địa phương khẳng định, đàn voi 4 con vừa mới về vừa qua là trong đàn 10 – 15 con ở rừng quốc gia Pù Mát thường xuyên xuất hiện tại khu vực xã Long Sơn, Phúc Sơn của huyện Anh Sơn và xã Thanh Thủy của huyện Thanh Chương. Và mỗi năm đàn voi này thường xuống núi 2 đến 3 lần chủ yếu để tìm thức ăn và tìm muối.

Ám ảnh “ông” voi

Nhớ lại hai năm trước, vào khoảng tháng 12/2006, tại xóm Bãi Lim (xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn) một đàn voi xuất hiện phá phách vườn tược. Trong xóm có anh Nguyễn Hữu Thân mạnh dạn cầm sào xua đuổi đàn voi ra khỏi khu vực vườn của mình bất ngờ đã bị voi quay lại tấn công. Sau trận “chiến” anh Thân 2 chân gãy, sụp 4 xương sườn… Mặc dầu thoát chết nhưng anh Thân trở thành người tàn phế, đến tận bây giờ chỉ nằm một chỗ.

Dấu chân của voi rừng để lại.Cũng trong năm đó, khi nghe tin đàn voi “tái xuất” ở Bãi Lim khoảng 20 giờ tối có mấy phóng viên Đài Truyền hình huyện Anh Sơn vác máy vào rừng để quay cảnh đàn voi bẻ măng, nhưng khi vừa tia máy quay điện phát sáng lập tức bị voi rượt đuổi khiến mấy phóng viên bỏ chạy thục mạng.

Càng ngày đàn voi vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát càng trở nên hung dữ, chúng sẵn sàng tấn công người nếu bị xua đuổi.

Người dân sở tại cho biết thêm, hiện đàn voi này vẫn đang quanh quẩn ở rừng nứa, luồng khu vực lâm trường Anh Sơn để bẻ măng, có thể tràn xuống làng bất cứ lúc nào. Nếu chúng quay trở lại, tính mạng hàng trăm người dân, hàng chục căn nhà trong khu vực lâm trường này sẽ luôn trong tình trạng rất nguy hiểm. Cần nói thêm, nhà dân ở khu vực này sống rải rác, nhỏ lẻ bìa rừng. Nhiều gia đình điện không có, điện thoại cũng không, nơi đây giống như trong một thung lũng hoang vắng.

Chúng tôi đem vấn đề trên trao đổi với lãnh đạo huyện Anh Sơn, thì được bà Võ Thị Hồng Lam, Chủ tịch huyện cho hay: “Chúng tôi biết thế là nguy hiểm đến tính mạng người dân, nhưng phải nói rằng trách nhiệm trước hết là thuộc về Khu bảo tồn thiên nhiên vườn quốc gia Pù Mát. Còn chúng tôi với khả năng tài chính quá kém nên chỉ biết phối hợp với chính quyền sở tại và dân quân tự vệ để đuổi đàn voi mà thôi”.

Trong khi người dân đang sống trong sự lo âu khiếp đảm, thì các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra biện pháp thật sự hữu hiệu nào để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho họ trước sự đe dọa của voi rừng, cũng như tìm cách bảo vệ đàn voi quý này.

Nguyễn Phê (dantri.com.vn)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)