Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nghề bán máu

Tạp Chí Giáo Dục

Tranh nhau lấy số thứ tự làm thủ tục bán tiểu cầu tại Ngân hàng máu Bệnh viện Chợ Rẫy

Buổi trưa tại Bệnh viện Chợ Rẫy, mặc dù chưa đến giờ làm việc nhưng đã có hơn 10 người ngồi đợi trước cửa khu vực Ngân hàng máu nằm trong góc khuất của bệnh viện. Mỗi người chọn cho mình một góc ngồi lặng lẽ và không ai nói với ai một lời nào. Tất cả đang đợi đến giờ lấy số thứ tự, điền vào phiếu thông tin để mở đầu cho hành trình bán máu.
Hội tụ bao hoàn cảnh
Thâm nhập vào thế giới của những người bán máu mưu sinh, trong vai một sinh viên cần tiền, tôi bắt chuyện với một người đàn ông chừng 50 tuổi: “Giá ở đây sao chú?”. Người đàn ông có gương mặt sạm đen, khắc khổ nhìn tôi một lượt từ đầu đến chân, vẻ dò xét: “Đi lần đầu phải không? Giá ở đâu cũng vậy, thống nhất rồi, 250 ngàn đồng nếu bán máu còn rút tiểu cầu thì được 450 ngàn đồng”. Tôi hỏi tiếp: “Chú đi được mấy lần rồi?”, ông đáp: “Lần này nữa là 25”, rồi bật mí cho tôi biết tháng nào ông cũng đến đây rút tiểu cầu mặc dù theo quy định phải cách nhau ít nhất là 3 tháng mới được đi một lần.
Người đàn ông ấy tên Vinh, nhà ở đường Cao Thắng, Q.3 làm nghề chạy xe ôm trước cổng chợ Bến Thành, Q.1. Ông Vinh kể: “Vợ tôi bán hàng rong. Thu nhập cả hai vợ chồng không đủ trang trải cho cuộc sống và nuôi con ăn học. Con tôi một đứa học cấp 3, một đứa giờ đã năm hai Trường Đại học Văn Hiến, năm trước nó nhập học cần một khoản học phí nhưng biết lấy đâu ra nên tôi theo mấy người bạn cũng chạy xe ôm đi bán máu. Riết rồi quen, giờ lúc nào cần tiền tôi lại vô bệnh viện”. Nói đoạn ông rút trong túi áo đưa tôi xem hai tấm thẻ hiến máu, một của Bệnh viện Chợ Rẫy và một của Bệnh viện Truyền máu huyết học. Ông Vinh nói: “Có tháng tôi đi bán máu đến 2, 3 lần nên làm thẻ ở hai bệnh viện để không bị bác sĩ phát hiện”. Ông Vinh cho biết thêm, những người đến đây để bán máu, tuy thuộc đủ mọi thành phần lứa tuổi nhưng dường như ai cũng có chung một hoàn cảnh khốn khó.
Còn Uyên, làm ở Khu công nghiệp Tân Bình tâm sự: “Mình ở tận Hải Dương vào đây lập nghiệp, nhưng lương công nhân thấp quá nên mỗi tháng muốn gửi ít tiền cho gia đình mình phải đi bán thêm tiểu cầu mới có thể xoay xở được”. Uyên nói thêm: “Công nhân bọn mình, có đứa sống chủ yếu bằng “nghề” này chứ không phải bằng lương đâu”. Tôi nhìn Uyên, để ý trên gương mặt cô vẻ hao gầy, nhợt nhạt của một người ốm yếu, thường xuyên bán đi những giọt máu từ chính cơ thể của mình, đổi lại là những bữa cơm công nhân đạm bạc và niềm vui cho bố mẹ nơi quê nhà, nghĩ đến sự thành đạt của đứa con tha phương lập nghiệp… Hay như Hân, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật dù tốt nghiệp đã hơn năm rồi nhưng chưa có việc làm ổn định. Nói dối với bố mẹ là đang làm một công việc tốt nhưng thực chất, Hân vẫn còn chạy đôn đáo với tập hồ sơ xin việc, những lúc túng quẫn phải bước chân vô bệnh viện bán tiểu cầu mưu sinh…
Lách luật hành nghề
Mặc dù ngành y tế có quy định mỗi người 3 tháng không tiến hành hiến máu hai lần, người hiến máu phải cân nặng trên 45kg, từ 18 tuổi trở lên và không mắc các loại bệnh, nhưng rất nhiều người vì hoàn cảnh khó khăn, cần gấp một khoản tiền đã phớt lờ quy định. Một bạn trẻ tên Tân, có thâm niên 6 năm hành nghề cho biết: “Mình đi rút máu từ lúc còn học THPT. Hồi đó chưa có chứng minh thư nên mượn tạm của ông anh rồi thay tấm ảnh của mình vào, phí cho dịch vụ này không tốn lắm! Còn các thông tin lưu lại cho bệnh viện khi bán máu thực ra chỉ là thủ tục pháp lý chứ không ai kiểm tra mình bệnh gì trước đó hay sức khỏe như thế nào đâu”. Tân nói thêm, muốn thu nhập “sống được” bằng nghề này phải chịu khó đổi “cửa”, từ Bệnh viện Chợ Rẫy qua Truyền máu huyết học, 115 hoặc các bệnh viện khác…
Khi tôi hỏi vậy rồi có đủ sức cho việc học tập, Tân bật mí: “Chỉ cần mua hộp thuốc sắt giá chỉ mấy ngàn đồng về uống hay bồi bổ thêm thịt cá, cà rốt là được mà, mỗi tháng mình bán đến ba lần có sao đâu”. Thấy tôi trầm ngâm, giọng Tân chùng lại: “Làm cái nghề này sức khỏe cũng xuống rất nhanh. Có lần rút máu xong, vừa ra khỏi cửa là mình ngã gục xuống. Người nào hành nghề chuyên nghiệp thì sớm muộn cũng làm bạn với đau tim, còn đau đầu hay chóng mặt chỉ là chuyện lặt vặt”. Tân cho tôi hay, hiện có rất nhiều người chỉ sống bằng nghề bán máu, thậm chí họ chọn bệnh viện làm nơi cư ngụ trong suốt quãng thời gian hành nghề. Những người này sống trong vòng luẩn quẩn, bán đi những giọt máu của mình để duy trì sự sống rồi lại cho đi chính sự sống của mình…
Bác sĩ Trần Văn Bảo – Phó trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Đối với những người thường xuyên phải rút máu, lượng tiểu cầu có trong máu rất ít bởi lúc này máu đã loãng và tỷ lệ huyết tương nhiều, điều này ảnh hưởng rất nhiều cho sức khỏe”.
 
Ngân Du

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)