Học sinh tìm hiểu về nghề bếp tại “Ngày hội tư vấn hướng nghiệp” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức năm 2014
|
Hiện nay một số nhân viên ngân hàng đang chuyển hướng sang học nghề bếp để tìm cách tiếp cận thị trường lao động quốc tế.
Thông tin này được ThS. Nguyễn Quốc Y (Hiệu trưởng Trường Dạy nghề ẩm thực NetSpace) cho biết tại chương trình tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển vào trường nghề, TCCN chủ đề “ĐH không phải con đường duy nhất” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức mới đây. Mặc dù đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận nhưng nghề bếp hiện không chỉ thu hút giới nữ mà cả nam giới cũng đăng ký học.
Hai lý do mà nghề bếp nhận được nhiều quan tâm, theo ThS. Nguyễn Quốc Y, là học viên sau khi hoàn thành khóa học có thể làm cho các nhà hàng, khách sạn trong nước lẫn quốc tế hoặc có thể nấu ăn… tại gia đình. Không thích làm bên ngoài, người có tay nghề làm bếp có thể mở quán phục vụ đối tượng khách riêng của mình. Nếu tay nghề thành thạo, người làm đầu bếp sẽ có nguồn thu nhập hấp dẫn. “Ngay cả trong trường hợp chọn… không đúng lĩnh vực yêu thích thì kiến thức đầu bếp được trang bị cũng có ý nghĩa đối với người học trong việc phục vụ cuộc sống gia đình”, ThS. Nguyễn Quốc Y nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng theo ThS. Nguyễn Quốc Y, muốn học và thành công trong nghề bếp, người học cần có đam mê để không ngừng tìm hiểu, sáng tạo. Sâu xa hơn, các món ăn còn liên quan đến vấn đề dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, chính vì vậy, đạo đức nghề nghiệp và cái tâm của người làm bếp cũng cần được đặt lên hàng đầu.
Ở khía cạnh khác, bà Trần Thị Hạnh (Phó phòng Khảo thí Trường TC Nghề Việt Giao) ví von: “Công việc của người làm bếp còn đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhiều kỹ năng, thậm chí sáng tạo như một… nghệ sĩ”. Bà Trần Thị Hạnh khẳng định, từ trước đến nay không có quy định nghề bếp chỉ dành cho nữ. Đã có nam giới, thậm chí rất nhiều học viên nam theo học và đã tạo được chỗ đứng. Vì vậy, người học nếu đã quan tâm, yêu thích thì nên mạnh dạn theo đuổi.
Và dĩ nhiên, không chỉ riêng nghề bếp, người lao động có nhu cầu tham gia thị trường lao động quốc tế đều cần có vốn ngoại ngữ tốt. Học viên trong quá trình học nghề bếp, nếu chịu khó đầu tư trang bị ngoại ngữ sẽ có cơ hội làm việc tại các nhà hàng, khách sạn phục vụ khách quốc tế với mức thu nhập hấp dẫn.
Thực tế, nhu cầu nhân lực nghề bếp tại nước ta thời gian qua khá đáng kể, tuy nhiên số lượng đáp ứng được xem là chưa thấm tháp. Thậm chí, một số khu du lịch, nhà hàng hạng sang phải tuyển đầu bếp nước ngoài ngay cả trong việc nấu các món… Việt. Bên cạnh đó, nhiều kiều bào hiện có nhu cầu mở các quán ăn Việt tại nước ngoài cũng gặp khó khăn trong tuyển dụng đầu bếp. Hiện nay không ít trung tâm giới thiệu việc làm liên tục thông báo tuyển dụng nhưng lại thưa thớt hồ sơ. Trong khi đó, nhiều bạn trẻ lại ngại lựa chọn và theo đuổi nghề bếp do nghĩ công việc này không… sang, làm trong môi trường lấm lem dầu mỡ. Đặc biệt, phải làm việc cường độ cao, làm ca đêm trong những dịp lễ, tết cũng là lý do khiến người học còn do dự.
Bài, ảnh: M.Tâm
“Từ trước đến nay không có quy định nghề bếp chỉ dành cho nữ. Đã có nam giới, thậm chí rất nhiều học viên nam theo học và đã tạo được chỗ đứng. Vì vậy, người học nếu đã quan tâm, yêu thích thì nên mạnh dạn theo đuổi”, bà Trần Thị Hạnh (Phó phòng Khảo thí Trường TC Nghề Việt Giao) nói. |
Bình luận (0)