Học sinh chuyên ngành bếp trường TH Nghiệp vụ du lịch và khách sạn TP.HCM đang thực hành – Ảnh: Mỹ Quyên |
Không sợ thất nghiệp
Với tốc độ phát triển chóng mặt của hệ thống nhà hàng, khách sạn tại các thành phố như hiện nay, nhu cầu tuyển dụng nhân lực của nghề bếp luôn luôn tăng mạnh. Hằng năm, trường CĐ Công nghiệp thực phẩm TP.HCM có đào tạo hệ trung cấp ngành Kỹ thuật nấu ăn, ngoài ra còn tuyển sinh các lớp dạy nghề ngắn hạn từ sơ cấp đến nâng cao và các lớp bồi dưỡng kỹ năng quản lý dành cho các chuyên ngành bếp, khách sạn, nhà hàng… với cả ngàn học sinh theo học. Tuy vậy, ông Khương Đại Thắng, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết số lượng đó vẫn không thấm gì so với nhu cầu nhân lực ngành bếp hiện nay. Ông Thắng khẳng định học ngành bếp ra không sợ bị thất nghiệp.
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Trợ lý hiệu trưởng trường ĐH Hồng Bàng, nhiều nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp hiện nay phải thuê các đầu bếp của nước ngoài với mức lương phải trả hằng tháng lên tới cả ngàn USD, đó là chưa kể các khoản ăn, ở, vé máy bay cho họ. “Nếu như Việt Nam đào tạo bài bản và chất lượng thì dần dần đầu bếp Việt Nam sẽ thay thế các đầu bếp nước ngoài tại các khách sạn 4, 5 sao. Sinh viên ngành này ở trường chúng tôi sau khi tốt nghiệp đều có việc làm ngay. Chỉ sau 2, 3 năm là các em đã có thể phấn đấu để trở thành phó trưởng bếp với mức lương tối thiểu khoảng 200 – 300 USD”. Hiện tại, có khoảng 500 sinh viên đang theo học ngành bếp tại trường ĐH Hồng Bàng.
Đầu bếp cũng là nghệ sĩ
Một món ăn hấp dẫn phải hội đủ “3 ngon”: ngon mắt, ngon mũi, ngon miệng. Vì thế người đầu bếp phải tinh tế, khéo léo và sáng tạo không khác gì người nghệ sĩ của màu sắc và hương vị để mang đến cho khách cảm giác hài lòng. Trong chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành Quản lý nhà bếp và chế biến thực phẩm, sinh viên được học tất cả những kiến thức liên quan đến các món ăn của Việt Nam, món ăn đặc trưng từng vùng, miền; cách chế biến món ăn Âu, Á; cách bảo quản thực phẩm trong mọi điều kiện – đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; cách quản lý trang thiết bị nhà bếp. Rồi cách trang trí món ăn, bố trí tiệc như thế nào, giao tiếp với khách hàng ra sao, pha chế rượu, thức uống và cách làm các loại bánh…
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, để trở thành đầu bếp, bạn phải trang bị đầy đủ kiến thức về ẩm thực, dày dạn kinh nghiệm trong việc chế biến món ăn, có khả năng quản lý, tổ chức một bếp ăn. Hàng loạt kỹ năng cần phải rèn luyện như kỹ năng quản lý nhân sự trong bếp, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng tổ chức và cả kỹ năng… đi chợ (để thương lượng giá cả).
Ông Lê Hồng Duyên, đầu bếp của nhà hàng Mexico Al Frescos đưa ra lời khuyên cho bạn trẻ thích học nghề đầu bếp: “Mới đầu các bạn cũng sẽ phải làm phụ bếp khá vất vả, phải làm hết các việc từ rửa chén cho tới rửa rau, bị sai vặt… Quá trình này các bạn phải thật kiên nhẫn và chịu khó học hỏi. Nếu bạn có năng khiếu thì sau khi ra trường chừng 4 năm là có thể trở thành đầu bếp giỏi. Kinh nghiệm cho tôi thấy đầu bếp ngoài việc giỏi quản lý, nấu ăn ra còn phải biết ngoại ngữ. Đây là lợi thế để bạn có thể học nấu món ăn nước ngoài được nhanh và chính xác hơn. Và hiện nay lương của bạn cao hay thấp cũng còn phụ thuộc vào trình độ ngoại ngữ”.
Một số nơi đào tạo nghề bếp (ngắn hạn và dài hạn) Trường ĐH Hồng Bàng (xét tuyển khối A, D), trường CĐ Công nghiệp thực phẩm TP.HCM (xét tuyển), trường TH Nghiệp vụ du lịch và khách sạn TP.HCM (xét tuyển), trường Trung học Công nghiệp TP.HCM (xét tuyển), trường Quản lý khách sạn Việt Úc (VAAC) (xét tuyển), trường TC Nghề du lịch và ngoại ngữ Khôi Việt (xét tuyển), Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM… |
Mỹ Quyên (TNO)
Bình luận (0)