Bản thảo và cây bút – đồ nghề quen thuộc của biên tập viên sách – Ảnh: Ngọc Bi |
Ngày nay, cùng với nhu cầu phát triển văn hóa đọc, đặc biệt với sự mở rộng của các đơn vị xuất bản, có đến hàng trăm đầu sách mới được phát hành mỗi ngày tại nước ta với đủ mọi đề tài, thể loại… Điều đó đồng nghĩa với khối lượng công việc biên tập sách và số lượng biên tập viên ngày một tăng. Nếu lướt qua các nhà xuất bản, chúng ta sẽ thấy các gương mặt biên tập viên trẻ ở lứa tuổi từ 25-30 đã xuất hiện ngày một nhiều so với trước kia, tạo nên một bức tranh nhân lực mới đầy sống động.
Tùy vào năng lực làm việc và chuyên môn, các biên tập viên trẻ này đã được giao những công việc tương ứng, cùng trải nghiệm với nghề biên tập sách qua vô số kinh nghiệm từ những ngày đầu bỡ ngỡ đến những tai nạn nghề nghiệp… Minh Hoa – biên tập viên 26 tuổi ở một đơn vị xuất bản tư nhân, tâm sự: "Hồi đầu mới làm biên tập sách, tôi cũng run lắm. Mình mới ra trường, kinh nghiệm không có gì, chỉ có mỗi chuyên môn tiếng Anh. Cũng may giám đốc hiểu rõ, đã giao một bác biên tập viên cứng tuổi cùng hỗ trợ, kèm cặp cho tôi. Thời gian đầu, tôi được giao biên tập những cuốn truyện tranh đơn giản, ít chữ. Rồi sau đó mới dần đến các thể loại khác, phức tạp hơn".
Việc nghiền ngẫm, tìm tòi câu chữ và rút kinh nghiệm từ chính các đồng nghiệp xung quanh, từ các biên tập viên đi trước là cách học hỏi thiết thực nhất cho các biên tập viên trẻ. Hoa còn tiết lộ, cô thường đọc lại các bản thảo đã được trưởng ban biên tập sửa lại, rồi so sánh với bản thảo gốc, để từ đó tự tìm hiểu và suy nghĩ tại sao lại sử dụng cách dùng từ, ngữ hoặc ngắt câu, thêm đoạn… như vậy. Chỗ nào khó hiểu, cô lại mang bản thảo đi hỏi lại sếp, không ngại giấu dốt. "Ở trường các thầy cô không thể nào dạy trực tiếp cho mình như vậy. Thôi thì nghề dạy nghề. Chịu khó quan sát và tự học mới có thể đeo đuổi được", cô nói.
Tuy nhiên nếu chỉ cần cù, hiếu học thôi thì vẫn chưa đủ. Để trở thành một biên tập viên sách, các bạn trẻ còn cần có những yếu tố khác như: vốn tiếng Việt phong phú, ngữ pháp chuẩn, cách diễn đạt lưu loát, dễ hiểu, thuyết phục, thông thạo ít nhất một ngoại ngữ, có kiến thức tốt hoặc sâu rộng (thì càng tốt) về một mảng xã hội nào đó, và quan trọng nhất là phải thực sự đam mê sách vở, có tính kiên nhẫn, ưa những công việc thầm lặng, nhũn nhặn, hòa nhã khi tiếp xúc với tác giả hoặc dịch giả… Nhưng nói vậy không có nghĩa là biên tập viên sách phải là người mềm yếu, biết điều, mà phải là người "trong nhu có cương, trong cương có nhu", có bản lĩnh, phải biết mình cần sửa cái gì, tại sao phải sửa và sửa như thế nào.
Một biên tập viên bản lĩnh còn là người không e ngại bất cứ tên tuổi người viết nào để có thể làm tròn nhiệm vụ mà không làm biến dạng tác phẩm của người viết. Ông Nguyễn Đức Bình – Giám đốc NXB Văn Nghệ – còn đùa vui rằng nghề biên tập sách ví như làm dâu trăm họ với đặc trưng: "thối tai, chai đít, công ít, tội nhiều". Bởi do đặc tính nghề nghiệp, các biên tập viên sách thường phải ngồi lỳ hàng tiếng đồng hồ, mắt dán vào bản thảo hoặc màn hình vi tính, thường bị tác giả hoặc dịch giả kêu ca, không hài lòng nếu bản thảo bị sửa nhiều…
Nguyễn Lệ Chi (TNO)
Bình luận (0)