Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Nghề câu cá ngừ đại dương

Tạp Chí Giáo Dục

Ngư dân Nguyễn Văn Tập (thứ hai từ phải sang) cùng bạn biển đang nhổ neo xuất bến

Phương pháp câu cá ngừ đại dương được ngư dân Phú Yên phát hiện và sau đó nhân rộng ở một số tỉnh duyên hải Nam Trung bộ. Nghề đã làm thay đổi diện mạo làng biển và góp phần đáng kể cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Trời hừng đông. Cảng cá Tuy Hòa ồn ào, náo nhiệt. Dọc theo bờ kè Bạch Đằng, bạn biển hối hả vận chuyển nhu yếu phẩm, đá lạnh… xuống ghe chuẩn bị cho chuyến ra khơi dài ngày. Tiếng động cơ của những chiếc ghe mã lực lớn lúc ầm ầm, lúc nhẹ nhàng êm tai như những đợt sóng xô bờ.
Quyết định táo bạo
P.6, TP.Tuy Hòa được xem là địa phương có nhiều ghe câu cá ngừ đại dương nhất tỉnh Phú Yên. Trước đây, ngư dân chủ yếu sống bằng nghề giã cào, mành bắt cá cơm, lưới cảng, lưới ni lông… Khoảng 15 năm trở lại đây, phần lớn ngư dân đã chuyển sang câu cá ngừ đại dương. Việc chuyển đổi mô hình đánh bắt đồng nghĩa với việc ngư dân phải bỏ ra số tiền lớn cho nghề. Ngư dân đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư đóng mới những chiếc ghe lớn trị giá hàng tỷ đồng. Chỉ tay về phía có hơn chục bạn biển đang chuyển nước ngọt xuống ghe, ngư dân Nguyễn Văn Tập (P.6, TP.Tuy Hòa) hồ hởi cho biết: “Chiếc đó đóng mới vào năm 2000, trị giá gần 3 tỷ đồng. Chỉ sau ba năm đưa vào khai thác, tôi đã trả cả nợ gốc lẫn lãi cho ngân hàng”. Chuyến cập cảng gần đây nhất của hai chiếc ghe ông Tập là đầu tháng 7-2011. Sau khi trừ chi phí, chia bạn, ông Tập thu được gần 200 triệu đồng. Theo ông Tập, 200 triệu đồng thu được là quá ít so với những chuyến đầu năm 2011. Thời gian ấy, ghe nào vô bờ cũng thu gần 250 triệu, ngư dân phấn khởi lắm.
Chi phí cho mỗi chuyến ra khơi câu cá ngừ đại dương không dưới 70 triệu đồng. Ghe lớn có thể trên 100 triệu đồng. Ông Tập tính: “Trung bình mỗi chuyến đi về phải mang theo 5.000 lít dầu và 700 cây đá lạnh để ướp cá. Chuyến trước cập cảng không đủ tổn (tức chi phí) thì khó có thể ra khơi nữa bởi tiền dầu, tiền đá đại lý chỉ cho gối đầu một lần với 1/2 chi phí”. Hiện nay, giá cá ngừ đại dương mà các đại lý trong tỉnh thu mua lên đến 180 ngàn đồng/kg (cao hơn những ngày đầu năm 2011 khoảng 20 ngàn đồng), trong khi đó tiền dầu cao nên tiền lãi cũng không đáng kể. Sau mỗi chuyến cập cảng cân được khoảng 1 tấn cá ngừ đại dương thì mỗi bạn biển chia được không dưới 5 triệu đồng.
Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nhà ngư dân Nguyễn Bảy thuộc P.7, TP.Tuy Hòa. Trước mặt tôi là ngôi nhà ba tầng, phía bên hông là nơi cất giữ dàn câu lớn còn mới toanh. Nghe có khách đến nhà, chị Thu vợ anh Bảy đang làm bếp, giọng oang oang xứ Nẫu: “Ổng mới đi biển hôm qua rồi. Mấy nay gió Nam ngừng thổi nè, đi chứ ở nhà miết mai mốt tìm bạn không có”. Biết tôi là nhà báo, chị Thu cởi mở hơn. Chị Thu tâm sự: “Hơn 20 năm nay, tức kể từ khi lập gia đình ra riêng, hai bên gia đình gom góp cho chỉ đủ sắm chiếc xuồng lưới nhỏ đánh bắt khu vực bên trong cửa Đà Rằng. Bao năm làm lụng tích cóp, vợ chồng tui mua lại chiếc ghe nhỏ đi mành bắt cá cơm. Đầu năm 2001, chương trình cho ngư dân vay vốn lãi suất thấp được triển khai, thế là vợ chồng tui quyết định bán chiếc ghe cũ, vay thêm 400 triệu đồng để đóng mới chiếc ghe dưới 160 mã lực. Trong thời gian chờ ngày tốt để xuống nước, ổng theo ghe câu cá ngừ đại dương bên Đông Tác (P.Phú Lâm) để học nghề. Nhờ trời thương, chuyến đầu tiên câu cá ngừ cập cảng cân được 1,3 tấn, trừ hao tổn còn lãi gần 100 triệu đồng”. Chưa đầy bốn năm, vợ chồng anh Bảy đã trả được số nợ lớn mà ngày nào chị Thu lo lắng, nói với anh Bảy: “Chiếc ghe này mà làm ăn không được thì tui với ông phải đi trốn nợ”. Những năm kế tiếp, dù không lãi cao sau mỗi chuyến nhưng cũng đủ để anh Bảy thay đổi căn nhà tạm thành căn nhà mới khang trang bậc nhất trong khu phố.
Bám ngư trường
Người dân làng biển thường có câu: “Tài sản của chúng tôi không cất giữ ở nhà, cũng không gửi ngân hàng mà ở trên bọt nước”. Những năm gần đây mới có loại hình bảo hiểm ghe tàu nên ngư dân phần nào yên tâm chứ trước kia, mỗi lần ghe ra khơi gặp gió lớn thì nơm nớp lo sợ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng trôi theo bọt sóng.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa là những yếu tố góp phần quan trọng trong những chuyến ra khơi. Tuy nhiên, kinh nghiệm về hướng đi của cá theo tháng, theo mùa vẫn là số một. Theo ngư dân Trần Ngọc Phùng (P.Phú Lâm), người có trên 30 năm kinh nghiệm đi biển, trong đó có trên 10 năm với nghề câu cá ngừ đại dương thì ghe câu cá ngừ đại dương có thể chống chọi với khí hậu, thời tiết khắc nghiệt trên biển (gió giật cấp 6 trở xuống) phải là ghe lớn, từ 160 mã lực trở lên. “Cá ngừ đại dương không bao giờ ăn mồi vào những ngày giông gió. Gió bao nhiêu ngày thì cá nhịn đói bấy nhiêu ngày. Nếu phát hiện nơi đó có cá nhiều nhưng gặp sóng to gió lớn, ghe nào lớn, đủ sức chống chọi với áp thấp nhiệt đới hay gió mùa nhẹ thì neo đậu lại chờ bớt gió mới thả mồi. Lúc đó, chỉ cần một lượt thả câu thì ghe có thể quay vào bờ (cá đói ăn mồi dính câu). Thêm lượt thứ hai chắc chắn sẽ gọi ghe khác đến ứng cứu vì ghe khẳm”.
Anh Phùng tâm sự: “Ngư dân thường giấu nhẹm khu vực nào có cá nhưng luôn đoàn kết với nhau. Hễ ghe nào gặp nạn, nhận được tin báo thì ngay lập tức bỏ lưới bỏ câu chạy đến ứng cứu. Họ có thể chấp nhận lỗ tổn để đưa ngư dân gặp nạn vào bờ. Đó là “quy luật” của người làm nghề biển. Tình người trên biển là thế”.
Mỗi ghe có cách chọn mồi câu riêng. Theo kinh nghiệm lâu năm của ngư dân, mồi câu hiệu quả nhất thường là tôm, mực sống. Anh Tập chia sẻ kinh nghiệm câu cá ngừ đại dương: “Những năm gần đây, việc đánh bắt khơi xa hiện đại hơn nhờ vào máy định vị. Mùa này năm nay ghe trúng lớn ở tọa độ nào trên máy định vị thì năm sau cũng sẽ trúng đậm ở điểm ấy. Có thể xê dịch tọa độ nhưng không đáng kể bởi cá ngừ đại dương luôn luôn đi ăn theo vòng xoáy hình lò xo”. Ngư dân Phùng mất đến ba lần ra khơi về tay không, lỗ tổn gần 300 triệu đồng. Sau những lần thất bại ấy, anh Phùng rút tỉa kinh nghiệm chọn mồi câu. Anh Phùng nói thật như đùa: “300 triệu ấy là tiền học phí học nghề đấy”.
Ngư trường đánh bắt của dân câu cá ngừ đại dương là Trường Sa và Côn Đảo. Ngư dân Tập cho biết, ngày tàu cá Trung Quốc đuổi tàu cá của ngư dân Việt Nam anh cũng có mặt trên vùng biển Trường Sa. Ngay hôm sau, một số tàu cá của ta lập tức quay vào bờ nhưng chiếc ghe mang số hiệu PY 90341 TS do anh Tập làm tài công (thuyền trưởng) vẫn bám ngư trường. “Lần đó anh em bạn biển lo sợ, tôi khuyên bạn cứ bình tĩnh làm việc của mình. Mình đánh bắt trên vùng biển của Việt Nam, không xâm phạm lãnh hải của quốc gia khác nên không có gì phải sợ”, ngư dân Tập nói.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Nghề câu cá ngừ đại dương (ngư dân Phú Yên thường gọi là cá bò gù) ở Việt Nam xuất hiện vào năm 1994 do ngư dân tỉnh này phát hiện phương pháp câu độc đáo. Thịt cá thơm ngon, có giá trị xuất khẩu cao, mắt cá rất bổ. Nghề câu cá ngừ đại dương là thế mạnh của vùng duyên hải Nam Trung bộ nói chung và của tỉnh Phú Yên nói riêng.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)