Trên thế giới, nghề công tác xã hội (CTXH) đã đưa vào đào tạo từ rất lâu và trở thành một nghề chuyên nghiệp. Ở Việt Nam, nghề CTXH còn khá mới mẻ, hạn chế người học, mặc dù Chính phủ đã có đề án phát triển nghề này.
ThS. Lê Chí An (Phó Viện trưởng Viện An sinh xã hội và Phát triển cộng đồng) phát biểu tại một hội thảo phát triển nghề công tác xã hội
Cần khai thông nhận thức xã hội
TS. Huỳnh Văn Chẩn (Trưởng khoa CTXH Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia TP.HCM – Chủ tịch Hội đồng Khoa CTXH Trường CĐ Kinh tế TP.HCM) nhìn nhận, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, người trẻ có xu hướng đi theo các ngành kinh tế. Mặt khác, do nghề CTXH còn khá mới mẻ, nhận thức xã hội còn hạn chế nên rất ít người theo học. Theo TS. Chẩn, học nghề CTXH ra trường có thể làm việc tại trường học, bệnh viện, tòa án; các dự án trợ giúp người yếu thế; tham vấn, tư vấn về các lĩnh vực khác nhau tại những cơ quan nghiên cứu về xã hội; làm CTXH chuyên nghiệp trong các lĩnh vực sức khỏe, giáo dục, pháp luật, kinh tế, văn hóa – xã hội, hôn nhân gia đình…
ThS. Lê Chí An (Phó Viện trưởng Viện An sinh xã hội và Phát triển cộng đồng, nguyên Chủ nhiệm CLB CTXH chuyên nghiệp TP.HCM) cho rằng, thế giới đang đương đầu trước nhiều vấn nạn, trong đó có dịch bệnh và các vấn đề xã hội khác. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Để giải quyết các vấn đề này, đặc biệt là các vấn đề người yếu thế đang gặp phải thì cần một lực lượng nhân viên CTXH được đào tạo bài bản, có đầy đủ các kỹ năng từ cơ bản đến chuyên sâu. “Người được đào tạo nghề CTXH không chỉ tập trung giải quyết các vấn đề cho người yếu thế mà có thể làm việc ở các lĩnh vực khác. Để đảm bảo nguồn cung nhân lực cho xã hội giảm thiểu các tác động tiêu cực cho cá nhân, gia đình và cộng đồng thì không thể thiếu vai trò của CTXH. Vì vậy, việc cần làm ngay là tuyên truyền mạnh để lan tỏa, khai thông nhận thức xã hội về nghề CTXH để học sinh vào học như các ngành nghề khác”, ThS. An đề xuất.
Sinh viên ngành công tác xã hội Trường CĐ Kinh tế TP.HCM tham gia một hoạt độngxã hội
Bà Lê Thị Mỹ Hiền (Trưởng ban Tư vấn phát triển CTXH, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) cho biết, so với khu vực và thế giới, nghề CTXH ở Việt Nam ra đời khá muộn. Tuy nhiên, với Đề án phát triển CTXH giai đoạn 2021-2030 cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với nghề này. Trong thời gian tới, ban sẽ đẩy mạnh gắn kết với các sở/ngành/đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là các trường có đào tạo nghề CTXH để tham mưu, phản biện chính sách phát triển nghề này.
Thiếu cả lượng và chất
Hiện cả nước có trên 420 cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc xã hội và gần 100 cơ sở cung cấp dịch vụ trong bệnh viện, chưa kể các lĩnh vực có liên quan cũng cần nhân lực CTXH. Trong khi đó, có khoảng 60 trường ĐH-CĐ-TC đào tạo chuyên ngành CTXH nhưng con số trường tuyển sinh được ở ngành này còn hạn chế, điều này dẫn đến cung không đủ cầu. |
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1, Phó ban Tư vấn phát triển CTXH, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) thừa nhận, lực lượng CTXH tại các bệnh viện hiện nay đang thiếu cả lượng và chất, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển chung. Vì vậy, bên cạnh việc đào tạo mới nhân lực CTXH cần bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ tình nguyện viên, nhân viên đang làm việc tại các cơ sở bảo trợ xã hội, bệnh viện… Ở góc độ chuyên gia việc làm, ông Trần Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho biết, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng phát triển sẽ kéo theo các vấn đề xã hội. Từ đó các nhu cầu cung cấp dịch vụ xã hội ngày càng tăng, như trợ giúp người khuyết tật, người già, trẻ em mồ côi, trẻ em lang thang cơ nhỡ… (các nhóm yếu thế); trợ giúp cộng đồng LGBT, thanh niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần, bạo lực học đường, bạo lực gia đình… (các nhóm cần thay đổi hành vi); trợ giúp công nhân, người lao động di cư, nhóm thiểu số… (các nhóm cần trợ giúp chính sách pháp lý); người nghiện, người liên quan các tệ nạn xã hội… (các nhóm cần can thiệp và trị liệu hành vi). “CTXH là một ngành nghề chuyên nghiệp và ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong danh mục đào tạo, cũng như vị trí việc làm ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Điều này được khẳng định từ Đề án 32 (Đề án phát triển CTXH giai đoạn 2010-2020) và tiếp tục là Quyết định 112 (Ban hành chương trình phát triển CTXH giai đoạn 2021-2030) của Chính phủ”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, ở nhiều quốc gia trên thế giới, CTXH đã phát triển trở thành một nghề chuyên nghiệp. Riêng Việt Nam mới chỉ ở bước đầu hình thành, chưa được phát triển theo đúng ý nghĩa trên tất cả các khía cạnh. Đa phần nhân viên làm CTXH chưa được đào tạo cơ bản. Đội ngũ này phát triển có tính tự phát, chủ yếu là của các tổ chức đoàn thể và đôi khi là những người dân tự nguyện. Họ làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo kỹ năng khoa học xã hội, kỹ năng nghề cần thiết về CTXH. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng dân cư không cao, thiếu tính bền vững. Đáng nói là trong số đó, do thiếu chuyên môn cũng như kỹ năng không chịu được áp lực công việc nên không ít người phải bỏ nghề.
Từ thực tế trên, ông Tuấn kiến nghị cần hỗ trợ các biện pháp và hình thức nâng cao hiệu quả tuyển sinh, đào tạo và việc làm tại các trường có đào tạo nghề CTXH; nội dung, chương trình đào tạo cần thích ứng với nhu cầu xã hội và bồi dưỡng, đào tạo thường xuyên cho nhân viên CTXH tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, bệnh viện. Đồng thời tăng cường kiểm định chất lượng đào tạo CTXH theo tiêu chuẩn nghề nghiệp…
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri
Bình luận (0)