Gia nhập làng báo chưa lâu nhưng tôi đã thấm phần nào hai chữ “nghề nghiệp”. Khi còn đang học phổ thông, trong tôi nghề báo là một nghề rất “oai” và được mọi người ngưỡng mộ. Nhưng sau bốn năm mài quần trên ghế nhà trường, ra đi làm tôi mới thấy mọi thứ tôi nghĩ ngày xưa chỉ là tưởng tượng. Nó quá xa vời với thực tế. Vì chẳng có gì là “oai”, chẳng có ai “ngưỡng mộ”. Mỗi lần đi hội thảo, hội nghị, thấy lố nhố phóng viên, lần nào chúng tôi cũng nhận được câu hỏi khá “duyên” từ ban tổ chức: “Sao nhiều báo thế?”. Lúc đầu còn thấy tự ái nhưng sau vài lần thấy quen và lại thấy câu hỏi đó không có mới lạ?!? Bởi chúng tôi vẫn nói đùa với nhau nếu tính riêng phóng viên của Thông tấn xã, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam thì mỗi cơ quan này cũng đủ “một mâm” tròn trịa. Thế thì làm sao mà ban tổ chức không hoảng khi mà lượng tài liệu, kinh phí, giấy mời có hạn?
Nhưng đó chưa phải là những vấn đề “không màu hồng” mà người làm báo như tôi gặp phải. Khi “dấn thân” vào các vấn đề mang tính phản ánh mặt trái của ngành giáo dục, tôi thường phải tự hỏi mình sẽ phải “đối mặt” với vấn đề này như thế nào? Bởi bài học “xương máu” là tôi đã bị nhốt từ 17h30 đến 22h tại Trường Tiểu học Lê Lợi, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội khi đến phản ảnh những khoản thu trái quy định của trường. Và điều khiến tôi nhớ mãi đó là một nhóm phụ huynh được “sắp xếp” để lên án kịch liệt chúng tôi. Không có gì khó khăn để nhận thấy điều này, nhưng điều cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu được là người hiệu trưởng của trường tiểu học này làm thế nào mà họ có thể “trụ” được ở vị trí đó bởi không có cái tâm với nghề. Và đôi khi làm những “mảng tối” đâu đó trong ngành, tôi thấy buồn. Xét cho cùng, môi trường học đường là “thành lũy” cuối cùng để che chắn cho con người khỏi tiêu cực của xã hội, thì ngay trong môi trường đó, đôi khi cũng không trong sạch?
Hàng ngày, tôi vẫn mải miết với công việc viết lách của mình. Đôi khi thấy sợ màn hình máy tính, sợ bàn phím. Nhưng nếu xa nó, có lẽ tôi sẽ không chịu được. Công việc của một phóng viên khiến tôi cảm thấy lúc nào mình cũng đang trong tình trạng “trên bệ phóng”. Nếu không đi ra đường, tôi sẽ bị “mù” thông tin, tôi sẽ trở nên “lạc hậu”. Và hơn ai hết, tôi vẫn cảm thấy mảng giáo dục là mảng “hiền” nhất, hợp với “gu” của tôi hơn cả.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)