Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nghề dẫn chương trình không chỉ là những “máy nói”

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu chỉ là người cầm kịch bản, học và đọc một cách trôi chảy, có lẽ nghề dẫn chương trình (MC) sẽ được thay thế bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Thế nhưng, ai cũng hiểu, MC cần nhiều hơn thế, bởi họ là người cầm trịch, kết nối chương trình.

Ca sĩ Bạch Công Khanh khá thành công khi lấn sân làm MC

Ca sĩ Bạch Công Khanh khá thành công khi lấn sân làm MC

Yêu cầu cao

“Trải qua gần 20 năm trong nghề, quan niệm của tôi vẫn không thay đổi, MC là sự kết hợp giữa một nghệ sĩ và một nhà báo. Vì nó đòi hỏi sử dụng ngôn từ một cách chính xác theo đúng tính chất của chương trình và sự linh hoạt của diễn viên để truyền tải cảm xúc đến khán giả”, MC Quốc Bình chia sẻ.

Theo nhìn nhận của Quốc Bình, những MC như Lại Văn Sâm, Tạ Bích Loan, Diễm Quỳnh, Anh Tuấn (phía Bắc), hay Thanh Bạch, Quỳnh Hương, Quỳnh Hoa (phía Nam)… không chỉ là những người dẫn dắt mà họ còn có tư duy biên tập để có thể chủ động trong công việc, đúng tính chất của người điều khiển toàn bộ chương trình, tạo ra sự cuốn hút với khán giả.

Đứng ở góc độ một nhà sản xuất, đạo diễn các chương trình, chị Lê Quỳnh Thư – CEO Apex Multimedia, cho rằng, hiện yếu tố quan trọng nhất của người dẫn chương trình là khả năng kết nối. Chị phân tích: “Họ không phải là “máy nói” đơn thuần mà là kết nối toàn bộ thông tin. Dù ý tưởng chương trình, kịch bản có hay đến đâu nhưng người dẫn dắt không đủ chất lượng vẫn khiến chương trình bị phá sản. Theo tôi, họ chiếm đến 80%-90% trong việc chuyển tải thông điệp của chương trình. Do đó, chúng tôi luôn cần MC có trình độ cao, am hiểu nhiều lĩnh vực, sâu sắc trong kiến thức và sự thấu hiểu”.

Trên sóng truyền hình hiện nay với các chương trình chính luận…, các gương mặt MC được yêu thích đa phần có nghề, được đào tạo bài bản, trui rèn bản lĩnh qua nhiều năm. Trong khi đó, ở mảng các chương trình giải trí, gameshow, các đơn vị sản xuất có thiên hướng mời MC là những gương mặt nổi tiếng, gồm các ca sĩ, diễn viên, người mẫu, hoa hậu… Tuy nhiên, “bài toán” muôn thuở vẫn là chuyện thiếu – thừa, bởi quanh đi quẩn lại cũng chỉ có từng đó cái tên “nhẵn mặt” trên sóng.

Nếu chỉ là một MC chuyên làm các chương trình quay hình thì áp lực không nhiều. Nhưng nếu bạn làm một chương trình trực tiếp với sự tham gia của hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí vài chục ngàn người, đòi hỏi người dẫn chương trình không chỉ có kiến thức trong lĩnh vực của sự kiện mình đang dẫn, mà còn cần có bản lĩnh để dẫn dắt tâm lý của toàn bộ đám đông nhằm đạt được thành công cho chương trình”, MC Quốc Bình cho biết.

Thay đổi tư duy

Trong tập phát sóng thứ 2 có chủ đề Kỹ năng nghề dẫn của chương trình The TV Face – Gương mặt truyền hình 2022, ứng viên Bá Tăng Minh Hiếu đặt ra một câu hỏi: “Em vốn là diễn viên kịch sân khấu. Khi dẫn chương trình đôi khi giọng diễn cảm quá mức. Em cần làm cách nào để tiết chế mà vẫn nhấn nhá, cảm xúc rõ ràng?”. Trong khi đó, ứng viên Mỹ Duyên lại đặt câu hỏi liên quan đến hơi thở: “Vấn đề nền tảng của giọng nói là hơi thở. Vậy cần phải vận dụng nó như thế nào vì năng lượng từ hơi thở mà ra?”.

Đó chỉ là 2 trong số những thắc mắc của rất nhiều người mới bước vào nghề MC hiện nay. Giải đáp những thắc mắc đó, nhà báo Đông Quân – MC, đồng thời là một trong những diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp, cho rằng, dẫn chương trình là nghề khó, hội tụ nhiều yếu tố nên luôn cần phải chỉn chu. Theo ông, vì công cụ lao động quan trọng nhất là giọng nói nên cần phải có sự rõ ràng, chính xác, tròn vành rõ chữ, tin cậy và thân thiện. Đó là lý do ông đưa ra lời khuyên với những bạn trẻ có ý định theo nghề, luôn phải lắng nghe chính mình và tự điều chỉnh. Ông đặc biệt lưu ý, vì hơi thở là yếu tố để nuôi giọng nói nên đầu tiên cần phải biết cách hít thở đúng cách.

Theo MC Quốc Bình, hiện có rất nhiều trung tâm đào tạo MC được mở ra, nhưng hầu như chưa nơi nào có giáo trình một cách bài bản, đầy đủ và chuyên sâu. Theo anh, các bạn trẻ hiện nay rất có tiềm năng vì khá chủ động, nền kiến thức cơ bản phong phú do có cơ hội tiếp thu từ nhiều nguồn khác nhau. “Sự mạnh dạn và linh hoạt đã là một ưu điểm của các bạn trẻ. Tuy nhiên, ngôn từ và văn phong của các bạn chưa có sự kiểm soát nên khiến người nghe đôi lúc chưa hài lòng”, anh phân tích. Anh cũng cho rằng, MC là một nghề khá đặc biệt, không phải đi học 1 hay 2 khóa là có thể đi dẫn chương trình.

Thực tế cũng chứng minh, từ khởi đầu chỉ có một cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình (Én vàng), sau này đã có rất nhiều format khác nhau ra đời như Đường tới cầu vồng, Én vàng nghệ sĩ, Én xuân (cuộc thi MC dành cho lứa tuổi trung niên), Micro vàng… Thậm chí, nhiều trường đại học có chuyên ngành về báo chí, truyền thông cũng tổ chức cuộc thi MC cho riêng mình. Tuy nhiên, không phải ai đoạt ngôi vị quán quân cũng tạo dựng được tên tuổi. Thậm chí, ngay tại Én vàng, chỉ số ít những cái tên như Kiều Hải Chuyên, Hồng Phượng, Hạnh Phúc, Bùi Đức Bảo, Liêu Hà Trinh… được đông đảo khán giả yêu thích. Đối với các nghệ sĩ lấn sân làm MC, dù không ít người sở hữu khả năng hoạt ngôn, diễn xuất tốt, nhưng không phải ai cũng đắt show.

Cũng như bất kỳ ngành nghề nào trong xã hội, việc tạo thị trường cung ứng và xây dựng cộng đồng MC là điều cần thiết. Không chỉ lĩnh vực truyền hình, mảng MC sự kiện, đặc biệt là MC song ngữ chất lượng cao, luôn rất cần thiết. Thiết nghĩ, điều quan trọng nhất vẫn nằm ở chính người trong cuộc. Bởi trước hết, họ vừa phải hiểu và yêu nghề của mình, trau dồi kỹ năng không ngừng nghỉ, cọ xát với thực tế và có con đường đi riêng để tạo cá tính, bản sắc của những nghệ sĩ sân khấu đích thực.

Theo Văn Tuấn/SGGPO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)