Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Nghề đáy giữa biển khơi

Tạp Chí Giáo Dục

Tay vịn dây, chân đi như chạy trên sợi dây thừng giăng ngang mặt biển, những người làm nghề đóng đáy chấp nhận cuộc sống biệt lập trên chòi nhỏ chơi vơi giữa sóng gió để mưu sinh.
Bạn đáy đu dây, đánh vật với sóng gió giữa biển /// Ảnh: Tiểu Thiên

Bạn đáy đu dây, đánh vật với sóng gió giữa biển. ẢNH: TIỂU THIÊN
Sống theo con nước
0 giờ, từ làng chài Bến Đá (TP.Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu), tôi lên thuyền của ngư dân Nguyễn Văn Yên (26 tuổi, TP.Vũng Tàu), đi đổ đáy. Cùng đi có anh Tư, người phụ việc trên thuyền.
Tay đánh lái, đầu ngó nghiêng dò đường, anh Yên cho hay mỗi ngày đi đổ đáy bốn lần: nửa đêm, rạng sáng, buổi trưa và chiều tối. Phụ thuộc vào con nước nên thời điểm đi đổ đáy mỗi ngày cũng khác nhau. Hôm nay đi đổ lúc 0 giờ thì ngày mai đi lúc 1 giờ sáng. Ngày kia thì tới 2 giờ sáng mới đi, cứ tiến lên như vậy.
Nơi đóng đáy cách bờ khoảng 4 hải lý, nước sâu hơn 20 m. Thuyền tiến sát vào hàng dây chăng giữa giàn đáy thì cột và chòi đáy dần hiện ra. Những cây gỗ to như cột nhà, được chằng chéo cả chục sợi dây, ghim chặt xuống đáy biển. Nối các cột là những hàng dây thừng căng cứng, ở giữa có ghép lưới vây kín khẩu đáy. Con nước lên xuống sẽ tạo ra dòng chảy dẫn tôm, cá chui vào miệng và dồn vào túi đáy. Cuối giàn đáy, một cái chòi quây bằng bạt bám cheo leo trên cột gỗ, cách mặt biển tầm 3 m. Đó là “nhà” của bạn đáy.
Dàn đèn được bật sáng, anh Yên cho thuyền cặp sát giàn đáy và bắc tay làm loa gọi lớn. Tiếng kêu vừa dứt, từ căn chòi bé như “tổ chim”, một người đàn ông dáng nhỏ thó chui ra, tay xách ấm nhôm, tay bám dây đu ra giữa biển. Chân ông bước thoăn thoắt như chạy trên hàng dây thừng. Trong nháy mắt, ông buông dây thả người xuống thuyền.
Nghề đáy giữa biển khơi - ảnh 1
Chòi nhỏ cheo leo giữa biển mênh mông
Ông là Phạm Văn Mít (59 tuổi, quê An Giang). Lên thuyền, ông vơ lấy cuộn dây thừng đầu có buộc móc, lựa thế ném mạnh xuống biển. Móc vừa đụng vào dây buộc túi đáy, đôi tay rắn rỏi thoăn thoắt kéo mạnh lên. Lúc này, anh Tư liền ghì sát mạn thuyền phụ kéo lưới, còn anh Yên nhanh chóng bắt sợi dây buộc túi đáy quấn vào ròng rọc để kéo lên thuyền. Từ dưới biển, túi lưới to như bao tải dần nổi lên. Phải chật vật lắm, cả ba người mới kéo được túi đáy chứa đầy hải sản dốc đổ vào khoang thuyền. Đổ xong, ông Mít giũ lưới, buộc miệng đáy ném lại biển.
Xong miệng đáy thứ nhất, thuyền tiến tới miệng đáy thứ hai. Những động tác kéo và đổ đáy thành thục lặp đi lặp lại giữa biển đêm lộng gió. Xong việc, ông Mít nhặt hai con cá bỏ vào ấm nhôm rồi với tay nắm dây đu lên chạy thoăn thoắt như con sóc trên giàn dây thừng giữa biển để về chòi.
Thuyền nổ máy tiến về giàn đáy thứ hai cách đó chừng nửa hải lý. Giàn này có tới bốn miệng đáy nên có hai bạn đáy trông coi. Chòi đáy cũng “xịn” hơn khi được làm bằng tôn. Thuyền vừa tới, hai người đàn ông ló đầu ra cửa chòi nhìn. Anh Yên đánh lái cho thuyền cặp sát vào chòi để tiếp tế nước và lương thực. Xếp ba can nước và bao gạo lên chòi, hai bạn đáy cùng nhảy xuống thuyền để đổ đáy. Gần 40 phút, bốn miệng đáy đổ ào ào vào khoang thuyền. Hai bạn đáy nhặt ít cá, tôm bỏ vào can nhựa rồi nhanh chóng bám dây thừng đu ra giàn đáy. Gặp cơn gió, hai người quặt bên này quẹo bên kia. Vật lộn với dây thừng mãi mới lên được chòi.
Thuyền rẽ sóng quay về. Trong khoang, anh Tư vừa phân loại hải sản vừa dùng móc kéo những con sứa to như cái rổ con vứt xuống biển. Với sáu miệng đáy, thuyền anh Yên thu gần bốn tạ tôm, cá. “Đổ đáy cũng tùy, hôm được tấn, lúc hơn chục tấn”, anh Yên nói và tiết lộ thêm: “Nước ròng ban đêm khác nước ròng ban ngày. Theo con nước nên bốn lần đổ đáy thì được những loại hải sản khác nhau. Đổ lúc nửa đêm thường được cá lặt vặt, sâu biển. Chuyến rạng sáng thường nhiều cá, tôm nhất. Buổi trưa lại trúng nhuốt và chiều tối thường là ghẹ, mực và bạch tuộc”.
Nghề đáy giữa biển khơi - ảnh 2
Chòi nhỏ là “nhà” của bạn đáy
Nghệ sĩ xiếc trên mặt biển
Bạn đáy sống và làm việc ở giàn đáy được ví như là diễn viên xiếc của biển khơi. Họ luyện được “tuyệt kỹ” đi trên dây thừng giăng ngang giữa biển, bất chấp gió quật sóng gào để kéo, thả đáy. Hàng cọc gỗ trơ trọi, dây thừng chằng chịt và cả những con sóng oàm oạp suốt đêm ngày khiến ai cũng khiếp sợ. Bởi sơ sẩy là rớt xuống biển, nhẹ thì bị thương, nặng thì mất mạng. Những lúc mưa gió, biển động, giàn đáy rung bần bật khiến việc kéo đáy càng thêm nguy hiểm.
Ông Mít kể theo nghề làm đáy từ lúc 17 tuổi, đến nay đã hơn 40 năm. Làm nghề mấy chục năm nên ông quen với cảnh sống một mình giữa biển. Nhiều thanh niên ra được vài hôm, nhìn xung quanh toàn nước, buồn chịu không thấu bỏ về hết. “Làm nghề đáy cực khổ và nặng nề quá. Thức đêm thức hôm, giông gió nên nhiều bạn đáy đành bỏ nghề lên bờ kiếm việc làm. Đợt bão ngày trước, có sáu bạn đáy bị sập giàn, may ôm được can bơi về thấu Cần Giờ”, ông Mít tâm sự và cho hay: “Những lúc giông gió, đáy chuyển có dám ngủ đâu. Dây yếu, nước chảy mạnh khiến giàn đáy sập xuống. Người rơi xuống biển may thì có thuyền vớt, không thì trôi tự do, phó mặc số phận. Chòi tôi ở bị gãy nọc cả chục lần, phải lội nước hàng tiếng đồng hồ mới vào được bờ”.
Nghề đáy giữa biển khơi - ảnh 3
Thuyền cập bờ sau một chuyến đổ đáy
Theo ông Mít, ở một mình nên hằng ngày ông thường nấu cơm ăn rồi ngủ. Ông hẹn chuông đồng hồ, treo ở góc chòi để biết giờ thức dậy ra dồn lưới, kéo đáy. “Ở giàn đáy lớn, bạn chòi nhiều thì bày ra nhậu cho đỡ buồn. Cá, tôm sẵn có, còn rau và thịt thì ba ngày chủ đáy tiếp tế một lần. Đau ốm lặt vặt thì nhờ mua thuốc, nặng thì gọi điện thoại báo để chủ đáy cho thuyền ra rước”, ông Mít nói.
 
“Tôi ở trên chòi đến mãn con nước thì đóng đồ, treo đáy lên, vô bờ lấy tiền công. Mỗi con nước 5 triệu đồng, một tháng được 10 triệu đồng. Mỗi tháng nghỉ được 7 ngày giữa hai con nước lớn nước ròng, về Bình Dương thăm vợ con xong tôi lại xuống biển. Cứ làm miết như vậy”, ông Mít tâm sự. “Chú tính làm đến bao giờ?”, tôi hỏi. “Giờ còn sức còn làm thôi, chứ lên bờ cũng không biết làm nghề gì. Mình lớn tuổi rồi, lại không được học hành…”, ông Mít buông lời, châm điếu thuốc rít một hơi dài nhìn về cửa chòi bé xíu. Phía xa, những giàn đáy vẫn chấp chới trong gió biển, đó là nguồn sống, là niềm hy vọng của những người như ông…
Nói về nguy hiểm của nghề đóng đáy, ông Nguyễn Văn Bằng (49 tuổi, ngụ TP.Vũng Tàu), chủ đáy hàng khơi, cho biết: “Ghe nhỏ đụng vào giàn đáy thì không sao, chứ thuyền lớn đụng là sập ngay. Bạn đáy ai cũng làm nghề lâu năm nên bơi giỏi. Đáy sập họ đều chủ động nhảy xuống biển bơi vào bờ”. Tuy nhiên, ông Bằng cũng nhìn nhận: “Vùng biển từ Vũng Tàu, Cần Giờ (TP.HCM), Tiền Giang đến tận Cà Mau có hàng trăm giàn đáy hàng khơi. Tai nạn do ngã xuống biển hoặc bị sập giàn đáy cũng đã cướp đi không ít sinh mạng của bạn đáy”.
Ông Bằng kể, gia đình có truyền thống nghề biển. Năm 1968, thấy người dân địa phương làm nghề đóng đáy nhiều nên ông cũng làm theo. Hiện ông có ba giàn đáy với 9 miệng, 18 nhân công và 2 thuyền chuyên nghề đóng đáy. Giàn đáy nhỏ nhất cũng gần 200 triệu đồng. “Nghề đóng đáy làm được quanh năm. 6 miệng đáy của tôi mỗi tháng thu được khoảng 100 triệu đồng. Trừ chi phí, nhân công cũng lãi được vài chục triệu đồng. Tuy vất vả nhưng nghề này đã nuôi sống mấy thế hệ trong gia đình tôi”, ông Bằng nói và cho biết thêm: “Giàn đáy ba miệng vừa rồi bị tàu đâm sập. Tôi mới cho dựng lại, sắp tới lại tiếp tục căng đáy lên để đánh bắt”.

Tiểu Thiên/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)