Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Nghề “đi xuyên” khủng hoảng

Tạp Chí Giáo Dục

Tuyển người làm bảo hộ lao động (BHLĐ) với mức lương khởi điểm hấp dẫn 300 – 400 USD, nhưng gần 1 năm qua, Công ty TNHH Comin Việt Nam vẫn không tuyển được ứng viên nào. Dù nhu cầu đang tăng cao, nhưng hiện nay, đây vẫn là ngành đào tạo hiếm. 
Cán bộ BHLĐ phải định biên. Tức là nhân sự ở vị trí này đã được “phích” cứng. Vì thế, trong cơn khủng hoảng kinh tế, nhu cầu nhân lực ngành này vẫn ổn định.
Cán bộ BHLĐ sẽ hướng dẫn công nhân phòng ngừa tai nạn lao động.
Ảnh minh họa: Lưu Vân
Hiểu một cách chung nhất, người làm BHLĐ sẽ giúp doanh nghiệp (DN) đề ra những biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Ngay từ đầu năm 2008, khoa BHLĐ (ĐH Công đoàn) đã liên tục nhận được điện thoại từ các công ty, DN, người quen… nhờ giới thiệu SV tốt nghiệp.
Chẳng hạn, Công ty TNHH Comin Việt Nam vừa thông qua khoa, vừa đăng tuyển trên các trang tuyển dụng, rồi nhờ các công ty "săn đầu người" tìm kiếm… nhưng từ giữa năm 2008 đến nay, vẫn chưa tìm được ứng viên nào.
Cũng cần nói thêm là mức lương khởi điểm ở đây khá hấp dẫn: 300-400 USD, kèm phụ cấp công trình 5-10 USD/ ngày.
Bà Trần Thị Thanh Hằng (Trưởng Phòng Nhân sự, Công ty TNHH Comin Việt Nam) cho biết: “Nguồn cán bộ BHLĐ rất hiếm. Chúng tôi đã làm hết cách mà chưa tuyển được người ưng ý”.
Có thể thấy, với những doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thì công tác BHLĐ có vai trò rất quan trọng. Bởi, thực hiện những quy tắc về BHLĐ sẽ tăng uy tín và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Hiện nay, các DN trong nước vẫn chưa mấy mặn mà với nhân lực ngành BHLĐ. Tuy nhiên, trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, Th.S Nguyễn Thị Xuân Hương (Phó Trưởng khoa BHLĐ, ĐH Công đoàn Hà Nội) cho rằng: “Nếu quy định mới của Nhà nước nêu cụ thể về việc bố trí cán bộ BHLĐ đã qua đào tạo trong các DN thì cơ hội việc làm cho SV tốt nghiệp ngành BHLĐ sẽ rất nhiều”.
SV khó "với"?
Có thể thấy, xã hội ít biết đến ngành BHLĐ. Có người đã đùa rằng, mỗi  khi có tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động (đầu tháng 3 hàng năm) thì ngành này mới được nhắc “khẽ” đến.
Cả nước có hàng trăm nghìn DN nhưng chỉ có 2 cơ sở là: ĐH Tôn Đức Thắng TP.HCM và ĐH Công đoàn đào tạo chuyên ngành này.
Từ khóa 1 đến khóa 16, mỗi khóa ĐH Công đoàn chỉ tuyển sinh 1 lớp về BHLĐ với khoảng 50 SV. Mùa tuyển sinh 2008, mặc dù điểm chuẩn vào khoa này chỉ là 15 điểm (hơn điểm sàn 2 điểm) nhưng cũng không tuyển đủ 2 lớp.
Mặc khác, các nhà tuyển dụng thường “chuộng” nam, nhưng lượng nữ SV theo học chuyên ngành này lại khá nhiều. Theo thống kê của khoa, từ khóa 3 đến giờ, bình quân 1 lớp có khoảng 1/2 là nữ.
Tổng Công ty lắp máy Việt Nam Lilama có tới 16 công ty con rải rác ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Nhưng chỉ có 1 cán bộ BHLĐ là nữ.
“Năm 2008, có cán bộ của Công ty Vinaconex gọi điện nhờ tôi giới thiệu cho SV nam tốt nghiệp bằng khá. Đến khi họ hạ điều kiện, chỉ cần tốt nghiệp bằng trung bình khá hay thấp hơn, nhưng vẫn không tìm được” – Cô Hương kể lại.
Số lượng SV học ngành BHLĐ đã ít, nhưng SV hiện tại đang theo học cũng thiếu hụt kiến thức, kỹ năng cần thiết. Vì thế, nguồn “cung” càng “hẻo”.
Bà Trần Thị Thanh Hằng (Trưởng Phòng Nhân sự, Công ty TNHH Comin VN) cho biết: Công ty yêu cầu các ứng viên phải có 3 năm kinh nghiệm vì sợ: "SV mới ra trường lơ ngơ, không biết gì".
Sau khi gặp vài sinh viên hiện nay của khoa, anh Phan Sỹ Nhân, cựu SV lớp B1A1, khoá 1 cũng chung nhận xét: “SV không chắc kiến thức”.
Để "cung" tiệm cận "cầu"
Phụ trách mảng quản lý lao động tại một công ty viễn thông hàng đầu với mức lương hơn 1000 USD/tháng, anh Phan Sỹ Nhân chia sẻ: "Muốn trở thành cán bộ BHLĐ cần có kiến thức sâu và chắc chắn về quy định pháp luật, chế độ chính sách và kỹ thuật cơ bản về BHLĐ".
Về phía doanh nghiệp, bà Trần Thị Thanh Hằng cho biết: DN luôn sẵn sàng tiếp nhận, thậm chí trả lương cho SV thực tập để họ có thể thử sức. Mặt khác, để kết nối DN với SV, bà Hằng kiến nghị: Cơ sở đào tạo cần giữ liên lạc thường xuyên với các SV đã tốt nghiệp.
Còn ông Nguyễn Trung Hiếu (Chuyên viên phụ trách An toàn lao động, Tổng Công ty lắp máy Lilama) thì nêu yêu cầu: "Ở công ty, hầu như các dự án phải làm việc với đối tác nước ngoài. Trong hồ sơ dự thầu, giao dịch với các đối tác…, cán bộ BHLĐ  phải sử dụng  thành thạo tiếng Anh chuyên ngành".
Theo Th.S Nguyễn Thị Xuân Hương, để rút ngắn khoảng cách "cung" – "cầu", khoa đã đề xuất chính sách: "Cán bộ làm công tác BHLĐ phải qua đào tạo về BHLĐ". Ngoài ra, đến hết năm 2009, sẽ xây dựng xong đề án đào tạo Thạc sỹ BHLĐ. Đồng thời,rà soát, bổ sung, cập nhật chương trình đào tạo kỹ sư BHLĐ.
Công việc của kỹ sư BHLĐ: Lập kế hoạch BHLĐ cho doanh nghiệp, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc người lao động thực hiện vệ sinh an toàn lao động.
Cán bộ chuyên trách BHLĐ phải có hiểu biết về khoa học kỹ thuật về BHLĐ, từ đó đề ra những biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Đồng thời, tư vấn cho công nhân và doanh nghiệp thực hiện quy định pháp luật về BHLĐ.

 Lưu Vân (Vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)