“Những người mặc áo xanh dương, với những bước đi vội vã, đẩy chiếc xe từ phòng này sang phòng khác để mang từng viên thuốc đến cho người bệnh. Hình ảnh đó đã ghi dấu ấn sâu đậm trong đầu tôi. Học hết THPT tôi quyết định trở thành người điều dưỡng. Đến nay tôi đã làm trong nghề gần 30 năm, giờ đây tôi rất tự hào vì được giúp đỡ những người bệnh”, chị Trần Thu Hà, điều dưỡng khoa Nội, Bệnh viện Thủ Đức chia sẻ.
“Cháy” nguồn nhân lực
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế: Đến năm 2010 nước ta cần 187.000 điều dưỡng, gấp 3 lần so với số lượng điều dưỡng hiện nay. Mặt khác, đội ngũ điều dưỡng không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Cụ thể chúng ta có 61.189 điều dưỡng (2005) nhưng trình độ đại học và sau đại học chỉ chiếm 737 người (chiếm 1,2%); cao đẳng 1.185 người (chiếm 1,9%) còn lại là trình độ trung cấp và sơ cấp. Qua số liệu nêu trên cho thấy số lượng điều dưỡng quá thấp so với dân số 89 triệu dân vào năm 2010 ở nước ta. Hiện nay chuẩn của Bộ Y tế quy định, mỗi bác sĩ phải cần 2 điều dưỡng, với chuẩn này tính ra hầu hết các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đều thiếu trầm trọng. Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành (Q.4, TP.HCM) mỗi năm đào tạo gần 200 điều dưỡng, hầu hết các học viên tốt nghiệp đều được các cơ sở y tế nhận vào làm việc với mức lương 3 – 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên với nguồn khan hiếm nhân lực thì số lượng này cũng như “muối bỏ biển”. Với xu hướng xã hội hóa y tế, nhiều bệnh viện quốc tế chất lượng cao được thành lập, thu hút một số lượng lớn điều dưỡng vào làm việc. Rất nhiều điều dưỡng từ các bệnh viện công chạy ra bệnh viện tư nhân làm việc với mức lương hậu hĩnh hơn.
Hiện nay nguồn nhân lực điều dưỡng phục vụ cho xuất khẩu lao động có một tiềm năng rất lớn nhưng dường như vẫn còn bỏ ngỏ. Anh Trương Công Danh, Phó giám đốc Công ty Xuất khẩu Lao động Việt Work cho biết: “Mỗi năm chúng tôi cần khoảng 1.000 lao động có chuyên môn về điều dưỡng đi làm việc ở nước ngoài với mức lương 5.000 USD/tháng. Tuy nhiên, mỗi năm chúng tôi chỉ đưa được hơn chục lao động nghề này sang làm việc tại Nhật Bản”.
Ít người theo nghề
Tâm lý xã hội hiện nay vẫn chưa xem nghề điều dưỡng là một nghề có tầm quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe người dân, nên ít định hướng học sinh tham gia vào đội ngũ điều dưỡng. Bác sĩ Đinh Ngọc Đệ lý giải: “Nhiều người lầm tưởng nghề điều dưỡng là “osin” nên hạ thấp công việc điều dưỡng. Trong khi đó các trường có đào tạo thì chưa hiệu quả vì hình thức đào tạo hiện nay của chúng ta chủ yếu là lấy bác sĩ dạy điều dưỡng”. Mặt khác nghề này cũng có nhiều yêu cầu khắt khe, phù hợp với nữ giới. “Yêu cầu cần thiết nhất với người theo nghề này là tấm lòng nhân hậu, biết chia sẻ nỗi đau người bệnh. Người điều dưỡng phải siêng năng, cần cù và luôn học hỏi; phải có sự hi sinh vì không phải tất cả người bệnh đều hiểu biết giống nhau”…, chị Thu Hà cho biết.
Học sinh muốn theo nghề điều dưỡng hệ trung cấp có thể tham khảo một số địa chỉ trên địa bàn TP.HCM: Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành, khoa Dược Trường Đại học Y dược TP.HCM, Trường Trung học Quân y II (Q.9), Sở Y tế TP.HCM.
Trần Văn
Bình luận (0)