Bài cuối: Bắt gián trong đêm
Anh Tuấn đang thả mồi nhử gián |
Bắt gián, cái nghề khá mới lại kén người làm là công việc mưu sinh của số ít người lao động. Lấy đêm làm ngày, nơi làm việc của họ hết sức dơ bẩn như: bãi rác, hố ga và cả ở những nhà vệ sinh ẩm thấp.
Một đêm đầu tháng 7, trời vừa tạnh mưa. Anh Tuấn đã đồng ý cho chúng tôi tháp tùng chuyến đi bắt gián trong đêm sau nhiều lần hẹn.
Lấy đêm làm ngày
Chính vì cầm cây đứng hàng giờ mà không ít người hiếu kỳ ùn ùn kéo đến xem rồi buông ra một câu rất dễ tự ái: “Thằng cha này khùng, đêm nào cũng ra đứng ở miệng cống để bắt gián”. |
Anh Tuấn quê ở Vị Thủy, Hậu Giang. Năm 2001, anh Tuấn giã từ nghề bốc vác gạo vì sức khỏe yếu. Từ đó đến nay, anh sống bằng nhiều nghề như bẫy chuột, bắt gián… Như đã hẹn, tôi đợi anh Tuấn ở đầu đường dẫn vào bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh. Đã quá giờ hẹn gần 45 phút, tôi không thể nào chịu nổi cái mùi hôi luôn chực chờ xộc vào mũi cũng như muỗi ngo ngoe bên tai. Rồi anh Tuấn cũng đã đến với mớ đồ nghề lỉnh kỉnh. Quất đèn pin về hướng tôi, anh Tuấn nói vọng: “Chú đợi tôi có lâu không? Tôi tranh thủ ghé mấy cống gần nhà kiếm vài con chứ sợ lát nữa về không còn”. Với thâm niên gần 7 năm sống bằng nghề bắt gián, anh Tuấn không còn lạ gì giờ giấc đi kiếm mồi của lũ côn trùng kia. Anh Tuấn bảo: “Coi vậy chứ nó tinh lắm, bị động là trốn ngay chứ không phải dễ bắt như nhiều người nghĩ đâu”.
Thời gian bắt gián bắt đầu từ 20 giờ mỗi đêm và kết thúc vào khoảng 4 giờ sáng. Về đến nhà tắm rửa xong là phải đi giao hàng. Nói là bắt gián nhưng không phải bắt bằng tay như mò cua, bắt cá ngoài đồng. Đồ nghề cũng do người bắt tự chế ra theo kinh nghiệm. Đó là những cây tre, cây mía hoặc cây sậy nhỏ, dài gần 2 mét. Chiếc lồng sắt cũng do anh Tuấn đan bằng dây kẽm với những lỗ nhỏ chi chít. Còn mồi để bắt gián, theo anh Tuấn trước đây là dùng nước mật (mía), còn bây giờ thì dùng đường đen pha đặc với nước cho đỡ cực. “Thỉnh thoảng tôi đến mấy chỗ bán nước mía xin bã mía đã nghiền hoặc mua mía chưa róc vỏ mang theo làm mồi nhử, có khi phải mua thêm nước mía để trộn với nước đường cho đậm đà”. Anh Tuấn nói.
Anh Tuấn bắt đầu công việc của mình. Anh mở nắp hũ nước đường đặc quánh, dùng cây cọ quét nước đường đều lên cây mía, sau đó đặt cây mía nằm trên rác. Cứ thế anh đặt khoảng chục cây theo lối đi thẳng. Đặt xong, anh Tuấn đến một vũng nước đọng gần đó để rửa tay. Trở lại chỗ tôi, anh Tuấn bảo: “Coi như đã xong, giờ chỉ chờ chút là đến bắt”. Giữa màn đêm tĩnh mịch, càng về khuya, âm thanh của dàn nhạc giao hưởng mà các nghệ sĩ trình diễn là ếch, nhái và ễnh ương đang đến lúc cao trào nghe càng chát tai. Bỗng một vật gì đó bám vào chân, nghe lành lạnh, nhột nhột khó tả khiến tôi giật bắn người. Theo luồng ánh sáng đèn pin, thì ra đó là một con gián. Anh Tuấn giải thích: “Chúng bắt được mùi nước đường trong giỏ và tìm tới đấy”.
Đồng hồ đã chỉ đúng 11 giờ 30, tức sau một giờ thả mồi, anh Tuấn lại đi bắt gián. Việc bắt gián cũng khá đơn giản. Những chú gián đang say mồi, vểnh cặp râu dài bám chặt vào que tre cứ như sợ ai đó cướp mất miếng mồi ngon của nó vậy. Anh Tuấn nhẹ nhàng cầm cây lên, dựng đứng cây vào trong lồng và dùng một tấm vải vuốt nhẹ từ trên xuống để gián rớt vào lồng. Vào lồng, chúng loi nhoi lúc nhúc chỉ đến khi anh Tuấn bỏ vào một khúc bã mía thì chúng mới chịu nằm yên.
Trên đường về, phát hiện bên đường có một đống ván ép cũ, rệu rã nằm sát nhà dân, anh Tuấn liền tấp xe vào. Anh cầm cây mía cắm xuống đất, tay vịn đầu còn lại, người không nhúc nhích.
Gian nan nghề bắt gián
Khi mới vào nghề, anh Tuấn chỉ bắt gián ở các cống gần chợ nhưng gần đây, nhu cầu tiêu thụ gián càng tăng nên gián ở cống không đủ đáp ứng, anh Tuấn phải tìm ra đến bãi rác lớn. Mỗi kg gián bán cho những người làm mồi câu cá với giá từ 60 đến 70 ngàn đồng tùy vào thời điểm. Bắt được một kg gián đâu phải chuyện dễ, có khi cả đêm làm bạn với mùi rác thối cũng chỉ kiếm được nửa kg.
Kinh qua đủ thứ nghề, từ bắt trùn chỉ đến bán trái cây dạo, bao nhiêu năm nay cuộc sống gia đình anh Dũng (tên thường gọi là Dũng Cá) ở khu phố 4, đường Âu Dương Lân, Q.8 cũng đã khá yên ổn với cái nghề bắt gián đêm. Anh Dũng quả quyết: “Nghề gì thì tôi không biết chứ cái nghề bắt gián này không nhiều người làm. Lý do là quá cực nhọc, độc hại và nguy hiểm thì không nghề nào bằng. Có hôm mưa gió lạnh lẽo cũng phải đội mưa mà đi, đâu có dám nghỉ”. Hỏi đến thu nhập, anh Dũng cười, miệng méo xệch: “Có đêm không dưới 100 ngàn nhưng cũng có đêm dầm mưa không đủ tiền mua thuốc”.
Trước đây anh Dũng làm nghề đãi trùn chỉ ở kênh Tàu Hủ để bỏ mối cho các điểm bán mồi câu cá. Những lúc đi giao hàng, anh thấy dân đi câu thường hỏi người bán về mồi gián nhưng ở đó không có. Thế là anh đến đó để tìm đầu ra. Ban đầu họ chỉ đặt anh mỗi kg gián/ ngày, sau này tăng gấp 3, 4 lần mà vẫn không đủ gián để giao. Anh Dũng kể: “Tôi bắt đầu công việc bắt gián tại cống và bô rác ở chợ Phạm Thế Hiển. Lúc đó chưa có kinh nghiệm nhiều, bắt gián cực lắm. Cầm cây đứng ở miệng cống hàng giờ, đâu dám động đậy. Chừng nào thấy có vài con mới nhấc lên cho vào lồng”. Chỗ nào bẩn thỉu nhất là chỗ đó có gián nhiều nhất. Đó là kinh nghiệm của dân trong nghề. Vào ban ngày, anh Tuấn cũng có thể bắt gián ở những khu nhà trọ ẩm thấp. “Nhiều người không biết, họ sợ mình vào nhà làm điều xấu nhưng khi biết rồi, mình bắt được nhiều gián họ còn khoái chí, cho tiền nữa là khác”. Anh Tuấn nói.
Nghe thì đơn giản, song không phải ai cũng có thể đến được với nghề lấy đêm làm ngày để mưu sinh. Nghề bắt gián cũng đáng được tôn vinh đấy chứ, chí ít họ cũng đã đổ mồ hôi, thức trắng đêm để kiếm những đồng tiền lương thiện. Hơn nữa, họ cũng đã và đang âm thầm góp công sức trừ diệt một loại côn trùng nguy hại đối với sức khỏe con người.
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri
Bình luận (0)