Anh Hồ Xuân Minh đang chế biến mồi câu |
Câu cá, quan trọng nhất ở khâu chế biến mồi. Nhiều cần thủ đi câu cá kiểu “cơm gạo” thường phải cầu cạnh người có kinh nghiệm về chế biến mồi câu. Đây là nghề mới xuất hiện ở Sài thành.
Cần thủ ở ao cá Ngọc Loan (quận 8) và Minh Tuyết (quận 7) thường gọi anh Hồ Xuân Minh (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) là khắc tinh của cá. Anh Minh không những nổi tiếng là sát cá mà làm mồi câu cũng số một.
Khắc tinh của cá
Sáng anh Minh xách cần câu đi, thế nào chiều về cũng có cá, nhiều nữa là đằng khác. Lúc còn đi câu nhiều, điểm câu của anh Minh là ở hai hồ cá nói trên. Mỗi ngày anh bỏ ra 70 ngàn (tiền giờ) và khoảng ngần ấy tiền để chế biến mồi. Mồi câu của anh Minh khá đặc biệt. Hàng chục cần thủ cả ngày chỉ câu được vài con chứ riêng anh thì đã hơn chục con – ngoài 20kg cá. Anh còn là mối cung cấp cá cho hàng cá của chợ Rạch Đỉa. Anh câu nhiều đến nỗi mà chủ ao “nóng mặt”. Một lần đang câu, chủ ao gọi anh vào uống cà phê để nói chuyện. Thế là họ không cho anh đến ao câu nữa.
Cứ tưởng anh Minh rảnh rang sau lần bị chủ các ao “điểm mặt”. Nhưng không, anh lại bận bịu hơn với công việc chế biến mồi câu. Có thể nói, chế biến mồi câu là nghề chỉ có một mình anh làm, thu nhập khá. Anh Minh nói: “Tôi tức chủ ao không cho tôi câu nên đã làm mồi cho một, hai người bạn thân đi câu. Về sau, nhiều người biết và đến nhờ tôi chỉ. Nghĩ đó là bí quyết, không thể truyền cho ai nữa, tôi chỉ đồng ý làm cho họ khi họ trả thù lao xứng đáng”. Tất nhiên, để thỏa mãn thú vui mà lại có thu nhập thì chẳng ai mà tiếc vài chục ngàn tiền mồi cho một ngày đi câu.
Theo đó, cứ mỗi kg mồi chế biến xong, anh lấy 100 ngàn đồng. Tùy vào người câu loại cá nào, gọi điện báo là anh làm ngay. Theo kinh nghiệm của anh Minh, mỗi loại cá thích ăn mỗi loại mồi khác nhau. Có loại mồi phải chế biến rồi ủ cả tuần nhưng cũng có loại chế biến chỉ để sử dụng trong ngày. Nguyên liệu để chế biến mồi câu cũng đa dạng, đó là cơm nấu từ gạo ngon, đắt tiền. Để thu hút cá, nhiều loại mồi phải cần đến sữa ngoại (sữa người lớn hoặc em bé). Không chỉ bấy nhiêu đó là đủ, mồi câu cá cũng không thiếu gia vị, dầu ăn, đường, bột ngọt… Cũng có nhiều loại mồi nghe cái mùi đã buồn nôn. Đó là thịt bò, thịt heo, đầu tôm… để ươn, thối lên. Chỉ vào keo đựng mồi câu, anh Minh nói đó là mồi để câu cá tra. Anh hỏi tôi: Đố chú mày nó được làm từ những gì? Tôi nói đại thì bằng cám, cơm nguội và một ít sữa chứ gì. Anh Minh cười khà như chọc quê tôi: “Chú mày biết cá tra thích ăn gì không?”. Phân, tôi trả lời. “Đúng, vậy tại sao mình không cho vào tí phân?”. Anh hỏi lại. Thế người câu phát hiện thì sao? Anh lại quả quyết: “Ai phát hiện tôi tặng không cả tháng tiền mồi câu. Mình bỏ chút xíu, mùi sữa át hết rồi. Nói vậy chứ nhiều người cũng biết nhưng câu được nhiều cá thì mê tít”.
Nghề không đụng hàng
Hôm ấy anh Minh đến ao câu cá Huyền Trân (huyện Nhà Bè) là để dò xem ở đó người ta câu bằng mồi gì để chế biến khác hơn cho hai khách hàng mới. Anh Minh nói: “Một chỗ có nhiều người câu nhưng không ai câu được cá. Một cần khác thả xuống cũng chỗ ấy nhưng cá lại dính câu nhiều là do mồi câu lạ, cá thích ăn. Thông thường người câu thường làm mồi bằng cám trộn với cơm nguội hoặc câu bằng tôm, tép… Cũng như mình, cá ăn hoài một thứ cũng ngán”.
Nhiều người đi câu rỉ tai nhau và tìm đến anh Minh đặt làm mồi câu ngày một đông. Những ngày cuối tuần, họ đặt anh làm lên đến 100kg mồi. Với những người đi câu “cơm gạo”, đến ao từ sáng sớm, tối mịt mới về nhà thì có khi 4kg mồi vẫn không đủ. Để làm được những loại mồi câu được cá thì người chế biến phải đến ao của các cần thủ đặt hàng xem thử ở đó họ thường câu mồi gì để nghiên cứu ra mồi đặc biệt hơn. “Tôi làm mồi mà câu không được cá thì chỉ tại người câu hết thời”. Anh Minh tự tin nói vậy. Cũng tùy vào mùa nắng hay mưa, mồi câu được chế biến có độ mặn, lạt khác nhau. Chế biến mồi câu không chỉ đơn thuần theo kinh nghiệm đi câu mà anh Minh còn đọc qua nhiều tài liệu, tạp chí để tìm hiểu thức ăn của từng loại cá tra, cá trắm, cá chẽm…
Công việc chế biến mồi câu được anh Minh thực hiện tại nhà. Người câu có thể đến nhà lấy mồi hoặc anh Minh mang đến giao cho họ với giá cao hơn gọi là tính chi phí đi lại. Làm tại nhà với mục đích không để ai biết cách chế biến như thế nào. Cũng chính vì vậy mà vợ con anh Minh bực mình, luôn càu nhàu bởi cái mùi hôi, thối của tôm, mực đến buồn nôn.n
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri
Anh Nguyễn Văn Bảo, bạn câu thân thiết của anh Minh bảo: “Tin tưởng lắm tôi mới được anh Minh cho xem cách chế biến mồi câu. Nơi anh Minh làm việc cứ như một phòng thí nghiệm với nhiều chai, lọ, lon… đựng nguyên liệu và gia vị chế biến mồi. |
Bình luận (0)