Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nghề “độc”: Bài 4: Sống “cậy” tuổi người chết

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Ba Điếc (đứng) đã nhiều năm rồi sống “cậy” tuổi người chết

Họ là ai? Không phải những người chuyên tẩm liệm hay canh giữ nhà xác. Cũng chẳng phải người chăm sóc mộ, càng không đúng khi nói họ làm nghề bốc mộ. Họ là những người bán vé số, điều đặc biệt là họ chuyên bán số theo tuổi của người đã khuất.
Bán… tuổi người đã khuất
Những người bán vé số bình thường thì cứ sáng sớm đến đại lý lấy số đi bán. Còn người bán… tuổi người đã khuất thì cực hơn nhiều. Họ nghe ngóng ở đâu có người chết là tìm đến bất kể giờ giấc, nắng hay mưa, xa hay gần. Công việc đầu tiên của họ là thu thập tuổi của người chết, sau đó đi đến các đại lý tìm vé số có số đuôi đúng với số tuổi. Địa điểm bán vé số là tại đám tang và nghĩa trang.
Nhà có một người bán vé số nhưng khi cần thiết thì huy động cả nhà đi tìm số. Việc tìm số không đơn giản, cũng như một số người hành nghề này nói, tìm số… tuổi khó hơn trúng đề. Ông Ba, tên thường gọi là Ba Điếc đã có thâm niên gần 7 năm sống “cậy” tuổi người chết. Cái ngày mẹ ông mất, không chỉ có người trúng lô đề mà cả xóm đều trúng số đầu (hai con) đúng như số tuổi của mẹ ông. Ông nảy sinh ý định hành nghề bán… tuổi người chết từ đó. Ông Ba Điếc kể: “Lần đầu tiên, nghe ông cụ ở quận 8 mất ở tuổi 91. Tôi tất tả đạp xe đi tìm số. Thật may là có số, vé số của nhiều tỉnh, thành nữa là khác. Không biết có phải tổ đãi hay không mà ngày đầu bán đã có người trúng. Cả đám tang hơn 20 người may mắn, có người trúng đến 3, 4 tờ. Lúc đó vé số chỉ có 2.000 đồng/ tờ, tôi nhớ hoài, có người cho tôi 20 ngàn”.
Là đồng nghiệp của ông Ba Điếc, ông Thắng (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè) không chỉ dò la tin tức, hỏi tuổi người mất mà còn đến nghĩa trang gần nhà để tìm những ngôi mộ có ngày, tháng, năm mất gần nhất. Ông Thắng ghi chép cẩn thận thông tin vào sổ tay, canh những ngày làm tuần, chậm nữa là ngày giỗ thì lấy vé số ra nghĩa trang hoặc tìm đến nhà người mất để bán. Kiểu bán vé số của ông mất nhiều thời gian và công sức nhưng xem ra hiệu quả hơn ông Ba Điếc gấp nhiều lần. “Chú có tin ở một đám tang mà tôi bán hết 500 tờ không? Nếu không có số đúng như số tuổi người chết thì dễ gì phải không? Giỏi như cha Ba Điếc mà còn phục tôi sát đất nữa là”. Ông Thắng quả quyết.
Hành nghề có dễ?
Ông Ba Điếc và ông Thắng thừa nhận với chúng tôi, bao năm nay họ sống được là nhờ tuổi người chết. Hành nghề lâu năm, xem ra việc nắm thông tin về người mất không khó. Cái khó là làm sao tạo quan hệ tốt với chủ đại lý vé số để khi gọi điện hỏi số thì họ ưu tiên cho. Nếu không có thì họ sẵn lòng liên hệ với các đại lý khác để san sẻ.
Không ít người tỏ ra khó chịu, bực dọc khi “bị” mời mua vé số. Bán vé số ở đám tang cần phải khéo hơn, không quá lộ liễu dễ gây phản cảm, nhất là đối với người thân của người xấu số. Để vào được đám tang bán vé số cũng là một quá trình. Ông Thắng chia sẻ kinh nghiệm: “Đến đám tang phải trong tâm trạng u sầu, bộ dạng càng thảm thương càng tốt. Cứ như mình đến để chia sẻ nỗi mất mát với gia đình. Điều tối kỵ là không được mở miệng nói “có tuổi của anh, chị, ông, bà…”, không chừng bị ăn đòn. Cứ mời họ, ai không nhìn thì đọc số mình có, như em có 91 đài Sóc Trăng, 55 đài Cần Thơ, 80 đài TP.HCM… Ở đó, chắc chắn ai cũng biết người mất bao nhiêu tuổi, trong số ấy có không ít người chơi vé số, nghe mình đọc số là họ quan tâm liền”.
Có kinh nghiệm đầy mình nhưng người sống “cậy” tuổi người chết cũng không tài nào tránh khỏi những tình huống dở khóc dở cười. Chuyện xảy ra cách đây hai năm nhưng nhắc lại ông Chí còn nổi da gà. Lần đến bán vé số ở một đám tang tại quận 4, ông Chí lỡ miệng “quảng cáo” số 81, số tuổi của người mất. Anh con cả của người quá cố nổi tiếng chơi bời, nhậu nhẹt ra mua làm xốn mắt đứa em trai. Không chỉ có người em mà nhiều người dự đám tang không hài lòng hành động cầm xấp vé số đứng trước quan tài cha khấn vái, cầu xin của người anh. Không nói lời nào, người em đẩy anh ra sân, dùng chiếc ghế nhựa đập vào đầu anh phải đưa đi cấp cứu. Chưa hả giận, kẻ nổi máu điên còn rượt ông Chí chạy thục mạng. Thế là không chỉ bán được vé số mà còn mất tiền, mất cả đôi dép Lào mới mua chỉ vì con số 81. Ông Chí cũng không quên kể câu chuyện, tôi nghe mà không biết nên gọi là chuyện vui hay chuyện buồn. “Lúc 8 giờ tối tôi đi bán về ghé vào quán cơm ăn thì nghe mọi người bàn tán chuyện ông cụ ở nhà kế bên bị bệnh và mất tại bệnh viện, xe cứu thương đang đưa xác bệnh nhân về. Nắm chắc thông tin, tôi liền chạy đi tìm số tuổi. Sáng hôm sau đến thì mới vỡ lẽ, bệnh nhân còn sống chứ không như những lời đồn đại thiếu căn cứ”.
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri
Không chỉ người mua số tuổi người chết mê tín dị đoan mà người bán cũng bị dư luận lên án. Bán số trúng thì không nói gì, không trúng thì bị “kết tội” oan, không ít lần bị chửi mắng, thậm chí bị xua đuổi. Tuy nhiên, đối với người hành nghề này những chuyện như thế không có gì đáng ngại, họ đã quá quen rồi.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)