Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Nghề gì cũng thích thì chọn thế nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề, quan tâm lớn nhất của học sinh là làm thế nào chọn được một ngành nghề phù hợp năng lực và sở thích của bản thân. Tuy nhiên, nếu bản thân không biết mình thích gì, không có năng lực gì nổi trội thì lựa chọn thế nào để phù hợp?

ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) tư vấn cho học sinh Trường THPT Tây Thạnh (TP.HCM)

Bên cạnh đó, trước sự đa dạng về phương thức xét tuyển, mặc dù mở rộng cửa vào ĐH, CĐ nhưng lại khiến học sinh băn khoăn trong việc lựa chọn phương thức sao cho phù hợp.

Học bình thường thì lựa chọn làm sao?

“Em chỉ học bình thường, không có môn nào xuất sắc thì nên chọn ngành nghề như thế nào?”. Đây là câu hỏi được các em học sinh đặt ra nhiều nhất trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM và ĐH Công nghệ TP.HCM.

Với băn khoăn này, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) cho rằng lựa chọn một ngành nghề đôi khi không nhất thiết phải đến từ môn học mình xuất sắc mà có thể đến từ môn học mình yêu thích nhất. Môn học không phải là yếu tố quyết định đến ngành nghề các em có ý định theo đuổi trong tương lai mà chỉ là một “viên gạch nhỏ” trong muôn vàn những viên gạch khác để các em xây dựng nên ước mơ của mình.

“Trong trường hợp các em không xuất sắc môn học nào thì hãy lựa chọn xem mình thích điều gì nhất, thích làm công việc gì và bản thân muốn trở thành người như thế nào. Khi đã xác định được mong muốn của bản thân, tùy vào từng điều kiện để lựa chọn cho mình một môi trường học phù hợp”, ThS. Nguyên chia sẻ.

Cùng chung nhận định, ThS. Nguyễn Đình Đương (Phó ban Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết việc học giỏi một số môn ở bậc phổ thông chỉ là tiền đề để các em bước vào ĐH chứ không đồng nghĩa với việc các em sẽ học giỏi ở bậc ĐH. “Các môn học ở bậc phổ thông và ĐH là hoàn toàn khác nhau. Nếu các môn đều học bình thường như nhau thì hãy lựa chọn ngành nghề theo sở thích, dựa vào những tố chất, năng lực để chọn một môi trường học bởi ở mỗi ngành nghề lại có rất nhiều trường đào tạo”, ThS. Đương khuyên.

Đánh giá cao vai trò của “tố chất và năng lực” trong lựa chọn ngành nghề, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo nhận định tố chất là những tính cách của bản thân sao cho “khớp” với nghề, còn năng lực là khả năng mà bản thân có thể “với” được đến nghề hay không. “Ở mỗi ngành nghề đều đòi hỏi những tố chất cốt lõi riêng. Chỉ khi các em có những tố chất đó thì mới được coi là hợp với nghề và mới có thể làm nghề một cách tốt nhất. Ví dụ như muốn làm bác sĩ nhất định các em phải không sợ máu, biết phán đoán và phải quyết đoán, khả năng chịu cường độ làm việc cao. Còn muốn làm giáo viên, các em phải biết mềm mỏng, kiên trì, nhẫn nại. Trong khi đó, muốn làm kỹ sư xây dựng nhất định không được sợ độ cao…”, bà Thảo phân tích.

Về vấn đề năng lực, theo bà Thảo, không chỉ là sức học của bản thân ở đâu mà còn là năng lực tài chính của gia đình, năng lực sức khỏe… “Một ngành nghề phù hợp với mình phải đảm bảo rằng bản thân phải yêu thích nó, phải có sức để học, để theo đuổi và để làm được nó”, bà Thảo nhấn mạnh.

Ngành nghề nào cũng thích thì chọn thế nào?

Ở ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề, không phải học sinh nào cũng biết mình thích gì để lựa chọn. Thậm chí, nhiều học sinh cho hay ngành nghề gì cũng thích. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chọn lựa được một ngành nghề phù hợp riêng với bản thân mình?

Đưa ra lời khuyên trong những trường hợp này, chuyên gia tâm lý Vũ Thiện Toàn cho rằng khi các em chưa có sự trải nghiệm thì việc rơi vào hai thái cực “ngành nghề nào cũng thấy thích hoặc ngược lại, không biết mình thích ngành nghề nào” là điều tất yếu, dễ hiểu nên không có gì phải hoang mang cả.

Học sinh Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM) đặt câu hỏi với các chuyên gia trong chương trình hướng nghiệp

“Các em hãy tìm đến sự trải nghiệm ở những ngành nghề mà bản thân quan tâm để nhận ra rằng mình phù hợp với ngành nghề nào nhất. Nếu thích nghề sư phạm thì hãy quan sát thầy cô mình hàng ngày, thử chỉ bài cho bạn; nếu thích nghề kỹ sư thì hãy tìm đến những nhà máy; nếu thích thiết kế thời trang thì thử tài may quần áo cho mình… Có rất nhiều cách để các em trải nghiệm, quan trọng là các em có chịu chủ động và mạnh dạn”, ông Toàn nhắn nhủ.

Ngoài những trải nghiệm trực tiếp với công việc, ông Toàn cũng khuyên rằng việc trải nghiệm ngay trong môi trường học đường cũng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc lựa chọn ngành nghề và theo đuổi nghề sau này. “Đừng ngần ngại tham gia vào những câu lạc bộ, các hoạt động Đoàn – Đội, những hoạt động mang tính cộng đồng… Nó không chỉ giúp các em trưởng thành hơn mà còn giúp các em tích lũy được các kinh nghiệm và rất nhiều kỹ năng sống”, ông Toàn khuyên.

Nên lựa chọn phương thức xét tuyển nào?

Bên cạnh những lo lắng về ngành nghề thì các em học sinh cũng lúng túng trong việc tìm một phương thức xét tuyển phù hợp giữa những cơ hội được các trường mở ra. Đặc biệt, nhiều học sinh bày tỏ sự băn khoăn trước việc “vào ĐH bằng điểm thi THPT quốc gia có khác với vào ĐH bằng điểm học bạ”.

Về điều này, ThS. Nguyễn Đình Đương khẳng định việc vào ĐH bằng phương thức xét tuyển nào thì trong một môi trường đào tạo cũng đều có chương trình học và môi trường học như nhau. Đa dạng về phương thức xét tuyển sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội học tập cho học sinh nếu các em biết tận dụng. Theo đó, các em cân nhắc xem mình phù hợp với phương thức nào trong ngành nghề mình yêu thích để lựa chọn. Tuy nhiên, lựa chọn phương thức xét tuyển nào cũng phải dựa vào thế mạnh của bản thân.

Trong khi đó, ThS. Phạm Doãn Nguyên đưa ra nhận định dù lựa chọn phương thức xét tuyển nào cũng đừng theo kiểu “chọn đại cho xong”. Quy trình lựa chọn ngành nghề là chọn nghề trước đến chọn ngành, chọn bậc học, chọn phương thức xét tuyển và chọn trường học. Mỗi trường, mỗi ngành sẽ có những phương thức xét tuyển khác nhau. Tìm hiểu kỹ về điều này sẽ giúp các em tăng cơ hội được học tập trong những ngành mình yêu thích.

Ở góc độ khác, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho hay thời đại ngày nay là thời đại của nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy, khi đã xác định theo học một ngành nghề nào cần phải có sự đầu tư cả về kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm đến các kỹ năng ngoại ngữ, tin học để đủ sức cạnh tranh với lao động nước ngoài. “Không nhất thiết cứ phải học ĐH, CĐ hay TC cũng đều thành công, tỏa sáng. Chỉ cần các em quyết tâm, yêu thích công việc mình lựa chọn và hết lòng với nó thì thành công sẽ đến”, ông Tuấn nhắn nhủ.

Yến Hoa

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)