Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Nghề giáo – “được” nhiều hơn “mất”…

Tạp Chí Giáo Dục

Như “duyên tiền định” thầy Trương Ngọc Dũng đến với nghề “gõ đầu trẻ” mà lòng biết bao trắc ẩn. Nhưng đến bây giơ, sau 27 năm đứng trên bục giảng, thầy thấy mình thật may mắn và hạnh phúc với bước “sang ngang” này. Bởi nghề giáo đã “cho” thầy nhiều hơn “mất”. Thầy đã vinh dự nhận nhiều phần thưởng: Khánh vàng Hội giảng cấp tỉnh bậc phổ thông, 4 bằng khen của UBND tỉnh Đồng Nai, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục của Bộ GD-ĐT, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 2005…
1. Trong lúc đang thất vọng vì không đủ điểm đậu vào Đại học Bách Khoa Hà Nội, thì có giấy gọi nhập học Khoa Toán, Đại học Sư phạm Vinh, Nghệ An. Vậy là thầy Dũng “thử” đi học để biết học sư phạm như thế nào? Tới năm 1982, tốt nghiệp ra trường, dù luôn đạt thành tích tốt trong khi học và được giữ lại trường nhưng bản thân lại muốn được khám phá những vùng đất mới. Thầy chấp nhận từ bỏ cơ hội được ở lại trường và vào tỉnh Đồng Nai dạy học tại Trường THPT Thống Nhất A. Khi dạy lứa học trò đầu tiên (1983-1985), chính từ những em học sinh nghèo nhưng hiếu học này đã làm thay đổi quan điểm của thầy về nghề giáo. Dù có những khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp thiếu thốn… nhưng các em vẫn cho thấy khát khao được học và tiếp thu tri thức mới. Điều này dường như đã trở thành động lực, niềm vui khám phá, tạo sự hứng khởi trong giảng dạy cho thầy. Từ đó, khi dạy học thầy luôn tự nhủ lòng mình là phải đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết. Làm việc nghiêm túc để tìm ra những kiến thức, phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với năng lực thực tế của các em. Thầy Dũng luôn nhắc nhở học trò: Thầy dạy kiến thức toán học cho các con chỉ dựa trên cơ sở là sự khám phá của các con và chính các con hãy mạnh dạn trong cách học của mình. Không thụ động trông chờ ở thầy, vì khi thầy dạy mà các con luôn thụ động thì dù thầy có dạy giỏi đến mấy cũng sẽ thất bại. Từ những chia sẻ tâm huyết và gần gũi đó, thầy Dũng đã giúp các em học trò tự tin hơn và phát huy được kỹ năng sáng tạo của mình.
2. Học trò đến rồi đi, tóc thầy ngày một bạc thêm với bụi phấn. Có em trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo… cũng có em không học nữa sau khi ra trường, ở nhà lấy vợ, cưới chồng, sinh con. Dù ở cương vị nào thì ở những thế hệ học sinh đó luôn dành cho thầy sự biết ơn và lòng kính trọng. Khoảng hơn chục năm về trước, sau tiết dạy cuối, lúc đó đã gần 12 giờ trưa, đang rất mệt nên thầy Dũng không về ngay mà ngồi nghỉ dưới phòng hội đồng thì bảo vệ nói có mấy người xin gặp, ra đón nhưng cũng không biết khách là ai? Bất chợt trong nhóm khoảng gần chục người đó có tiếng nói cất lên nhẹ nhàng nhưng nghe rất xúc động. “Thưa thầy! Chắc thầy đã quên chúng em. Em là Tuấn Anh, lớp trưởng 10A1, niên khóa 1983-1985 đây ạ”. Hơi khựng lại trong giây lát và khi đã nhớ ra cũng là lúc thầy trò nước mắt lăn tròn trong hạnh phúc. Anh Tuấn Anh – Việt kiều, một doanh nhân thành đạt tại Mỹ, chia sẻ: “Tôi có được thành công như ngày hôm nay là nhờ công ơn thầy. Sau năm 1985 tôi cùng gia đình sang định cư bên Mỹ, gần 20 năm mới có đủ điều kiện trở về Việt Nam thăm thầy. Được nhìn thấy thầy khỏe mạnh lòng chúng tôi thêm ấm lại. Như đã thành thông lệ, hàng năm đúng vào ngày Giỗ tổ vua Hùng, tôi và các bạn cùng lớp, dù bận công việc đến mấy cũng sắp xếp thời gian để về thăm thầy, cũng như là dịp để nhớ về nguồn cội ông cha”. Chị Võ Thị Vân Anh, hiện là giảng viên Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho biết: “Nhà có 4 anh chị em, tất cả chúng tôi đều là học sinh của thầy. Ở thầy chúng tôi nhận được sự chỉ bảo ân cần và tình thương yêu vô bờ. Chưa khi nào thầy to tiếng hay cáu gắt với chúng tôi, kể cả khi chúng tôi làm sai một bài toán hay chểnh mảng trong việc học. Ở bên thầy, chúng tôi như được sống trong tình thương yêu của một người cha nhân từ”. Chị nhớ lại: “Một lần tôi cùng mấy nhỏ bạn trong đội tuyển toán của trường tới thăm thầy đúng lúc gia đình thầy đang chuẩn bị ăn trưa. Chúng tôi xót xa khi nhìn mâm cơm của gia đình thầy: chỉ có một nồi cơm, một đĩa rau muống luộc và một bát nước mắm có dầm thêm quả trứng gà. Tại sao thầy lại bỏ những cơ hội đến với những ngôi trường khác, có nhiều điều kiện hơn trong dạy và học, cũng như có thu nhập ổn định hơn để ở lại với bọn học sinh nghèo chúng tôi? Sau này khi đã đi học CĐ, ĐH, được đứng trên bục giảng, tôi mới hiểu hết tấm lòng của thầy dành cho lũ học trò nghèo chúng tôi. Bây giờ, vào ngày 20-11 hàng năm được trở về thăm thầy, thấy gia đình thầy đã khá giả hơn trước chúng tôi rất mừng và an tâm”. Vân Anh ngày xưa là người học trò được thầy Dũng quý mến bởi ở cô học trò nghèo này là một nghị lực vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống. Do bản thân sức khỏe kém, mọi hoạt động nặng Vân Anh phải có người trợ giúp, nhưng không vì thế mà em ỷ lại vào người khác. Cả ba năm học phổ thông, học kỳ nào em cũng đạt điểm 10/10. Năm học lớp 11 em đoạt giải nhì toán cấp tỉnh.
3. Năm 1987, thầy Dũng được điều chuyển về giảng dạy tại Trường THPT Nguyễn Trãi, thành phố Biên Hòa. Là Tổ trưởng Tổ Toán Trường THPT Nguyễn Trãi, thầy Dũng luôn là con chim đầu đàn của bộ môn toán trong trường. Thầy luôn được học sinh và đồng nghiệp tin yêu, mến phục. Với niềm đam mê toán học đến “cháy bỏng”, năm 2007 hưởng ứng cuộc thi viết sách bài tập và sách tham khảo của Bộ GD- ĐT, thầy Dũng đã cho ra “lò” liền 2 tác phẩm đầu tay: Giải toán hình học 11, Giải toán hình học 12 với tổng số trên 350 trang, được Hội đồng khoa học quốc gia đánh giá cao, tác phẩm có chất lượng tốt. Các cuốn sách này được NXB Giáo Dục giữ bản quyền, cho ấn hành năm 2008. Năm 2009, thầy hoàn thành thêm cuốn sách Giải toán giải tích 12. Riêng quyển Giải toán hình học 12 đã được tái bản lần 2. Trong suốt 27 năm “gõ đầu trẻ” thầy Dũng luôn tâm đắc với quan điểm “tôn sư trọng đạo” và nó trở thành “nguồn” sống, thấm vào da vào thịt của thầy. Thầy tâm niệm làm nghề này, dù bản thân không giàu vật chất nhưng giàu tình cảm, giàu tinh thần. Suy nghĩ về nghề giáo, thầy Dũng bộc bạch: “Sẽ rất sung sướng khi dạy một em bình thường thành học sinh giỏi. Gian nan hơn để rèn một em cá biệt thành người tốt, học sinh ngoan. Trong đời tôi gặp rất nhiều như vậy. Trước đây có em N.V.H nghịch phá đến nỗi xé vở của bạn nữ ngay trong lớp, kéo nhau tụ tập uống rượu, chơi game. Với em này, tôi tìm những mặt hay mặt tốt để khen, giao những việc cụ thể có ích để em làm bằng sự nỗ lực của mình. Em có tiến bộ, ngoan hơn và sau này trở thành người tốt. Theo tôi, trường học không phải là nơi la mắng, mà để vui chơi, thoải mái tự tin mà học tập”. Kể đến đây thầy im lặng, nét mặt trầm ngâm. Có lẽ thầy đang nhớ về những gương mặt cô cậu học trò đã để lại cho mình quá nhiều kỷ niệm vui buồn trong cuộc đời này.
 
“Người thầy giáo cần hội đủ ba yếu tố: Cuộc sống trong sạch, tinh thần bất vụ lợi và lòng yêu nghề mến trẻ. Muốn học sinh kính trọng, bản thân thầy phải gương mẫu, phải trung thực trước đã. Bởi nghề giáo vốn là nghề thanh bạch, bản chất người thầy giáo vốn giản dị, sáng trong”, thầy Dũng chia sẻ.
 
Lê Quang huy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)