Các em học sinh rất thích được ngồi quây quần nghe cô Ngân đọc truyện
|
“Cô ơi, chúng con mời cô nghỉ trưa ạ!”. Lời mời vang lên từ phía cuối lớp 3/2. Ở đó các em học sinh đã trải chiếu sẵn trên nền gạch để cô trò cùng nghỉ trưa. Niềm hạnh phúc trong cô dâng trào, mọi mệt mỏi như tan biến.
“Sự quan tâm này khiến tôi yêu cuộc sống, yêu trò của mình hơn. Đó là niềm vui, hạnh phúc to lớn của những người làm nghề giáo như chúng tôi”, cô Cao Thiên Ngân – chủ nhiệm lớp 3/2 Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) chia sẻ.
1. Hàng ngày công việc của cô Ngân đến lớp là dạy từng nét chữ, con số cho học trò mình một cách cẩn thận. Các em đã quen với hình ảnh cô giáo cầm tay mình rèn từng nét chữ, hướng dẫn từ cách ngồi, sinh hoạt vui chơi đến cách cư xử với bạn bè, người lớn tuổi.
Cô Ngân chia sẻ, ở lứa tuổi này mọihành động, việc làm của các em rất vụng về; hồn nhiên, ngây thơ nên nghĩ gì nói nấy. Do đó mọi tình huống đều có thể xảy ra. Lúc này, không ai khác, giáo viên đứng lớp phải đứng ra “giải quyết”, hướng dẫn. Lúc mới vào lớp, học trò của cô có nhiều em chưa biết cách rửa mặt sao cho không ướt áo, chưa biết đánh răng cho đúng cách, chải tóc sao cho gọn gàng… Tuy nhiên, sau một thời gian được cô hướng dẫn các em đều làm được và thực hiện một cách khéo léo.
Có thể nói, cô Ngân như một người bạn, người chị và có lúc cô còn được ví như người mẹ. Bởi lẽ có những em luôn rụt rè vì mặc cảm gia đình khó khăn, cho đến những em không biết làm gì khi cây bút chì bị gẫy ngòi liền khóc… Lúc này cô Ngân không ngại đứng ra hướng dẫn, động viên an ủi một cách nhẹ nhàng, và luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các em.
Kể đến công việc này, cô cười nói: “Hạnh phúc là đây! Đối với học trò nhỏ, các em luôn noi gương và thần tượng mọi việc làm của người lớn. Hay nói đúng hơn, các em chịu sự tác động nhiều từ người lớn, đây cũng là thời kỳ hình thành nên nhân cách con người trong các em. Vì lẽ đó, công việc truyền đạt kiến thức còn phải kết hợp với việc dạy kỹ năng sống cho các em”.
Cô Ngân còn chia sẻ rằng, trong quá trình giảng dạy, đôi khi bản thân cô cứ nghĩ rằng việc hiểu, nắm bắt tâm lý trẻ nhỏ sẽ rất dễ dàng, có thể dạy các em theo kinh nghiệm sống của bản thân. Nhưng thực ra, việc giảng dạy các em còn đòi hỏi người giáo viên phải suy xét, lựa chọn những phương pháp dạy sao cho phù hợp với tâm sinh lý trẻ nhỏ. Vì thế, việc giáo viên lắng nghe tâm sự của trẻ để biết các em nghĩ gì, mong muốn gì là điều rất cần thiết. Điều này cũng tránh được việc giáo viên sử dụng phương pháp giảng dạy áp đặt “người lớn nói, trẻ phải nghe theo”. Đây chính là những phương pháp cô đã vận dụng để rồi học trò ngày một lớn lên thành những con ngoan trò giỏi.
2. Cô Ngân đến với nghề “gõ đầu trẻ” như mộtlẽ tự nhiên. Ngày còn cắp sách đến trường, hình ảnh thầy cô giáo truyền đạt kiến thức cho học trò đã in đậm trong cô: Tận tụy với trang sách, giáo án; miệt mài tìm các phương pháp giảng dạy mới mà không thấy mệt mỏi. Đó là lí do khiến cô từ chối thi vào ngành kinh tế mà theo nghề “gõ đầu trẻ”.
Đến nay, cô đã gắn bó với nghề gần 10 năm. Cũng như bao giáo viên khác, nhiều lúc cô không tránh khỏi mệt mỏi, bởi một lớp hơn 30 em, mỗi em một tính cách khác nhau đòi hỏi cô cũng cần phải phân vai quan tâm đến từng em. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa cô chọn sai nghề và cũng chưa một lần cô hối tiếc khi đứng trước trò nhỏ. Cô Ngân chia sẻ: “Xa các em một ngày là mình nhớ vô cùng. Mình không thể quên những câu hỏi thăm như: Cô ơi, cô mệt lắm à? Cô buồn chúng con cũng buồn như cô. Để con mua nước cô uống nha… Chỉ bấy nhiêu thôi, đủ để thấy các em đáng yêu ngần nào. Cuộc sống rất cần đến sự cân bằng bởi không ai có thể trọn vẹn hạnh phúc. Và chính những lời hỏi thăm thân thương của học trò là một niềm vui xua tan mệt mỏi, muộn phiền mà mình gặp phải”.
Giờ đây, mỗi năm đi qua còn là một kỷ niệm đáng nhớ trong cô. Trong ngày tổng kết học kỳ, phụ huynh luôn kể tội trò với cô, đại loại như: Ở nhà, cháu không nghe lời ai cả, nhưng nhắc đến cô Ngân là cháu lại nghe lời và dần dần cháu hiểu, nghe lời mọi người nhiều hơn; hay có cháu biếng ăn, chỉ cần hỏi trên lớp các bạn ăn giỏi, cô Ngân tặng gì là cháu ăn liền. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn mong muốn cô Ngân tiếp tục chủ nhiệm con em mình.
“Năm trước có một phụ huynh đã khóc khiến tôi lo lắng, hỏi ra thì mới hay phụ huynh ấy muốn sang năm tôi tiếp tục chủ nhiệm lớp con họ học, vì em tự tin rất nhiều khi đến lớp, trái với vẻ e dè hồi đầu năm. Những tình cảm này khiến tôi thấy mình cần có trách nhiệm với các em hơn và cần làm tốt hơn vai trò của một cô giáo”, cô Ngân tâm sự.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Học trò của cô có nhiều em chưa biết cách rửa mặt sao cho không ướt áo, chưa biết đánh răng cho đúng cách, chải tóc sao cho gọn gàng… Tuy nhiên, sau một thời gian được cô hướng dẫn các em đều làm được và thực hiện một cách khéo léo. |
Bình luận (0)