Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nghề giáo: Những niềm vui và nỗi buồn

Tạp Chí Giáo Dục

Trong thời đại tri thức, thời đại công nghệ thông tin, thời kỳ hội nhập, có sự giao thoa giữa các nền văn hóa, nghề giáo lại được đặc biệt coi trọng bởi nghề ấy tạo ra sản phẩm: con người.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước có chủ trương, chính sách đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Đầu tư cho giáo dục mang lại hiệu quả thiết thực, lâu bền. Hàng năm, Nhà nước huy động hàng ngàn tỉ đồng từ trái phiếu chính phủ, các doanh nhân, doanh nghiệp… để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy học, nhất là cho những vùng núi, hải đảo. Rất nhiều người có phẩm chất, năng lực được Nhà nước cấp học bổng, cử đi đào tạo ở những nước có trình độ khoa học kĩ thuật tiên tiến. Cụ thể đến năm 2020, Nhà nước sẽ xét duyệt 20.000 hồ sơ “đủ tiêu chuẩn” đi đào tạo ở nước ngoài, bậc tiến sĩ. Sinh viên sư phạm được miễn giảm học phí. Vui vì mỗi giáo viên đã ý thức rõ thiên chức cao quý của mình để không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, nhân cách, đồng thời không ngừng tự học để nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp dạy học; ứng dụng nhanh khoa học công nghệ để phục vụ dạy – học. Đa số giáo viên ngày nay đều sử dụng được máy tính, tiếp cận được kho tàng tri thức vô tận từ internet. Nhiều giáo viên nhiệt huyết, đam mê nghề, có sức lan tỏa lớn, là tấm gương sáng của quá trình tự học, tự nghiên cứu. Họ đến với nghề không phải: “chuột chạy cùng sào”… Rất nhiều học sinh giỏi đã chọn nghề giáo làm hành trang bước vào đời. Đời sống giáo viên cũng được nâng lên qua các chính sách lương bổng, tỉ lệ phần trăm đứng lớp. Mạng lưới mầm non một thời chưa được quan tâm thỏa đáng, nay phát triển có chiều sâu, rộng khắp. Ý thức của người dân về vai trò to lớn cũng như tầm quan trọng của giáo dục cũng được nâng lên rõ rệt. Bởi chỉ có học mới thoát nghèo, có kiến thức, con người sẽ làm chủ công nghệ, tăng năng suất lao động, đời sống vật chất sẽ đảm bảo; có kiến thức, con người sẽ đối xử với nhau nhân ái, người hơn.
Niềm vui lớn nhất của nghề giáo là giàu tình cảm, có đời sống tâm hồn phong phú, được học sinh thương yêu, kính trọng, lấy làm chuẩn mực làm hành trang bước vào đời. Là giáo viên, ai mà chả rạng ngời hạnh phúc khi thấy “sản phẩm” do mình có công lớn tạo nên, thành đạt, nhân hậu, nên người. Hàng năm, nhất là vào các ngày lễ, tết, các em gọi điện, hỏi thăm sức khỏe, chúc mừng. Xúc động lắm, tình cảm lắm! Giây phút này mấy ngành, mấy nghề có được…
Bên cạnh những niềm vui khó tả thì nghề giáo cũng có những nỗi buồn riêng. Đó là căn bệnh thành tích trong giáo dục. Căn bệnh này “di căn” từ nhiều thập kỉ trước và được Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tuyên chiến quyết liệt và giành được một số kết quả lớn. Do bệnh này, mà xuất hiện nhiều học sinh “ngồi nhầm lớp”, không ít học sinh thi tốt nghiệp phổ thông đạt kết quả loại giỏi nhưng thi ĐH ba môn dưới 10 điểm. Một số giáo viên chưa yêu nghề, dạy với hình thức đối phó, cho qua chuyện, thậm tệ vi phạm đạo đức nhân cách nhà giáo bị dư luận, đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh phản đối. Trình độ giáo dục quá chênh lệch giữa miền núi và đồng bằng. Học sinh còn phải học ca ba trong những mái nhà tranh tuềnh toàng. Nước sạch và công trình vệ sinh phục vụ giáo viên, học sinh một số nơi xuống cấp trầm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người. Nhiều em học sinh phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo, nhà xa… mặc dầu được nhiều thầy cô động viên, san sẻ, các cấp chính quyền, đoàn thể giúp đỡ, quan tâm.
Nỗi buồn sâu thẳm, đau xót nhất của giáo viên là mình bị học sinh xúc phạm về danh dự, nhân phẩm, trong khi đó họ là những người yêu nghề, đầy trách nhiệm, giàu lòng thương yêu, luôn mong muốn học sinh tiến bộ nhưng học sinh lại không nhận thức được ý nguyện đó lại cho giáo viên ác ý, ghét bỏ mình, không tốt, sinh ra thù hằn. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta biết trên cả nước, có nhiều giáo viên bị học sinh đánh, chửi bới, dọa dẫm… Tình trạng này gây ra bao sự bức xúc, căm phẫn cho nhiều người bởi hành vi “vô đạo” của những học sinh cá biệt, mất nhân cách này. Học sinh hư do nhiều nguyên nhân như: một số em con nhà giàu, cậy thế bố mẹ có quyền, có chức mà không chịu học hành, tu dưỡng sinh ra đua đòi, lêu lổng hoặc gia đình bất hòa, bố mẹ mải làm ăn buôn bán, phó mặc con cho nhà trường… để khi biết con hư thì đã quá muộn. Giáo dục những đối tượng này đòi hỏi phải có quá trình dài, có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Một số em học sinh có ước mơ sau này trở thành nhà giáo nhưng trong quá trình học chứng kiến những cảnh này mà “chùn bước”…
Nguyễn Quế Kỳ
(giáo viên Trường THPT Bắc Yên Thành – Nghệ An)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)