Y tế - Văn hóaThư giãn

Nghe giáo sư Mỹ giảng Truyện Kiều

Tạp Chí Giáo Dục

GS Swensson giảng bài cho các sinh viên tại Trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM)-Ảnh: T.TuấnMột giáo sư Mỹ đã sang VN giảng về truyện thơ đặc sắc của đại thi hào Nguyễn Du. Học trò Mỹ học được tâm hồn Việt, học trò Việt học được lối giảng dạy kiểu Mỹ. Còn giáo sư Swensson có dịp chiêm nghiệm cuộc đời.

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…

Những câu Truyện Kiều quen thuộc vừa được các sinh viên Trường đại học Hoa Sen ở TP.HCM cùng đọc, nghiên cứu. Điều khác biệt là lớp học lần này của họ được giảng bởi một giáo sư người Mỹ đến từ California, và bạn học của họ là các sinh viên nước ngoài của Trường ĐH De Anza.

Từng là một đại tá quân đội Mỹ có thời gian tham chiến ở VN, phó chủ tịch ĐH De Anza, giáo sư John Swensson giờ trở lại với cương vị mới là giảng viên để dạy Truyện Kiều cho khoảng 30 sinh viên VN và sinh viên Mỹ. “Tôi bắt đầu dạy Truyện Kiều từ khi đọc được bản dịch song ngữ của Huỳnh Sanh Thông (The tale of Kieu) do Nhà xuất bản ĐH Yale xuất bản năm 1973” – vị giáo sư đã ngoài 65 tuổi nhưng vẫn còn hết sức rắn rỏi kể.

Mối lương duyên mười năm

ĐH cộng đồng De Anza là một ĐH lớn và có uy tín ở TP San Jose, bang California (Mỹ). Hơn 100.000 Việt kiều đang sống ở San Jose nên khoảng 10% trong tổng số 35.000 sinh viên của De Anza là sinh viên gốc Việt. Ngoài ra, trường còn có vài trăm du học sinh VN học tại đây. “Chúng tôi có lượng sinh viên gốc Việt rất lớn nhưng nhiều người đã quên gốc văn hóa Việt của mình – giáo sư Swensson giải thích quyết định lựa chọn của mình – Tôi muốn dạy Truyện Kiều để các học sinh hiểu hơn về nguồn gốc văn hóa của chính họ”.

Có vẻ câu chuyện của các sinh viên gốc Việt ở San Jose không phải là một câu chuyện cá biệt. Cả hai nhóm sinh viên của Trường Hoa Sen và ĐH De Anza đã có trận cười ngặt nghẽo khi Lâm Bá Thiện – anh chàng mập mạp, cao to của ĐH Hoa Sen – thú thật: “Không biết gì về Truyện Kiều cả mà chỉ thích văn hóa Mỹ với American Idol và những người mẫu”. Nhóm sinh viên Mỹ sau đó gọi Thiện là “American Idol guy”.

Cách đây khoảng 10 năm, giáo sư Swensson tình cờ đọc được cuốn sách song ngữ The tale of Kieu từ một người bạn VN. Với Truyện Kiều, ông thấy một góc nhìn rõ nét hơn về con người Việt, đất nước Việt – mảnh đất có những tác động quan trọng tới suy nghĩ của ông về cuộc sống, về chiến tranh.

Ông tâm sự: “Tôi tin nếu muốn hiểu người VN thì nên tìm hiểu Truyện Kiều, những câu chuyện về sự chịu đựng đằng đẵng của Kiều, trải qua đủ nỗi đau. Nếu nhìn vào lịch sử của người VN, nhìn vào các cuộc chiến mà các bạn đã trải qua, tôi hiểu được sự kiên trì cùng sức chịu đựng ghê gớm của VN thông qua Truyện Kiều. Đó là điều để các du kích VN có thể đào được cả hệ thống địa đạo Củ Chi, sống dưới đó để rồi cuối cùng vươn lên giành chiến thắng”.

Trang web về Kiều số 1 thế giới

Hơn 40 năm trước, trong chiến tranh, ông Swensson từng đóng quân ở Củ Chi (năm 1966). Lần thứ hai, ông đóng quân ngay tại Sài Gòn trong hai năm 1968-1969. Rời VN, ông tiếp tục phục vụ trong quân ngũ đến năm 1984. Không giấu những cảm xúc riêng còn nặng nề về chiến tranh, giáo sư Swensson kể ông chỉ dám xem Deer hunter (bộ phim kể về cuộc sống hậu chiến nhiều khó khăn của các cựu binh Mỹ) của tài tử Robert De Niro vào năm 1986, tám năm sau khi bộ phim ra đời và hai năm sau khi ông đã rời quân ngũ.

Cách học là quan trọng nhất

Sau ba ngày học tập (11 đến 13-8), điều ấn tượng nhiều nhất đối với các sinh viên VN là cách dạy và tiếp cận câu chuyện của giáo sư Swensson. “Tôi nghĩ quan trọng nhất trong ba ngày học là các sinh viên VN học được cách học và cách tiếp cận vấn đề khác so với cách học thông thường ở VN. Với cách chia nhân vật, sinh viên chủ động tham gia học như vậy giúp họ hiểu vấn đề tốt hơn. Sinh viên cũng có thể liên hệ Truyện Kiều đến các vấn đề hiện đại như bình quyền nam nữ, mại dâm, buôn bán người…, về tính cách người, ai dám nói dám làm, ai là người lừa đảo…” – giáo sư Vũ Đức Vượng của Trường De Anza nhìn nhận.

Sinh viên “American Idol” Lâm Bá Thiện có cách lý giải rất đáng chú ý: “Cách giảng dạy của giáo sư Swensson rất đặc trưng của người nước ngoài: để sinh viên nói. Sinh viên học từ bạn bè, còn giảng viên chỉ là người giải đáp thắc mắc các câu hỏi của sinh viên đưa ra. Tôi nghĩ cách này là tốt và dĩ nhiên mình học từ bạn bè sẽ dễ hơn học với giảng viên vốn thường có khoảng cách về kiến thức, tuổi tác nên rất khó giao tiếp, khó hỏi các vấn đề… Các sinh viên Mỹ rất nhiệt tình. Ngoài giờ học họ nhí nhảnh, năng động, nhưng trong giờ thảo luận họ rất nghiêm túc và đó là điều sinh viên VN rất cần học tập”.

Thầy Lê Xuân Quỳnh, phó trưởng khoa ngôn ngữ và văn hóa học Trường ĐH Hoa Sen, nhận xét: “Phong cách của họ không phải là giảng viên truyền đạt, mà giảng viên chỉ đưa ra một số câu hỏi, bài tập còn sinh viên sau đó tự đọc thêm rồi trình bày, thuyết trình theo nhóm. Cách này giúp sinh viên hiểu câu chuyện sâu hơn”.

Năm 1998, ông Swensson chính thức đưa Truyện Kiều vào giảng dạy tại Trường De Anza. Đến nay Trường De Anza có thêm 4-5 giáo viên khác cũng đang dạy Truyện Kiều sau sự khởi xướng của ông.

Với đam mê của mình, giáo sư Swensson đã lập riêng một trang web về Truyện Kiều ngay trong trang chủ của Trường De Anza. Theo Google, đây là trang web số 1 thế giới về Truyện Kiều hiện nay. Trên trang web có một số bài giảng của chính giáo sư Swensson và một số bài luận xuất sắc về Truyện Kiều của các sinh viên. Phần lớn các bài luận này đều của sinh viên nước ngoài học tại Trường De Anza. Thật ngạc nhiên khi thấy các sinh viên nước ngoài viết, phân tích về ánh trăng, dòng sông, những giá trị hình ảnh vốn mang tính hình tượng và ẩn dụ rất phương Đông trong Truyện Kiều.

Dạy Kiều kiểu Mỹ

Trong lớp học ở ĐH Hoa Sen, các sinh viên cả VN và Mỹ được chia làm các nhóm nhỏ. Mỗi nhóm nhận một nhân vật như Kim Trọng, Từ Hải, Thúc Sinh, Tú Bà, Mã Giám Sinh… để phân tích và trình bày trước lớp, chỉ duy nhất họ không phân tích nhân vật Kiều. Các sinh viên và giáo sư Swensson sẽ nhìn nhận Kiều từ góc độ các nhân vật có liên hệ với Kiều trong câu chuyện. Ông giải thích cách làm của mình: “Tôi không có ý định giảng những gì mình biết. Các sinh viên chỉ tiếp thu khi chính họ được nêu ý kiến, được trình bày các vấn đề. Tôi muốn bản thân mình học từ chính các sinh viên”.

Có vẻ như cách học này gây hứng thú và đam mê hơn cho các sinh viên VN. Lâm Bá Thiện nhìn nhận: “Sau ba ngày học, ít nhất tôi đã hiểu thêm về những nhân vật trong truyện, những nhân vật có liên quan đến Kiều, tính cách của họ ra sao. Trước đây tôi chỉ biết sơ cuộc đời Kiều, còn giờ hiểu rõ hơn về nhân vật”.

Câu chuyện có vẻ khó hơn đối với các sinh viên Mỹ. Neggin Tavana, sinh viên đang học về kỹ thuật, bộc bạch: “Tôi thích những câu chuyện tình, nhưng có một điều tôi không thích là Truyện Kiều khó đọc quá”. Cô học sinh trung học Jasmine, thành viên trẻ tuổi nhất đoàn, cũng nhìn nhận “cuốn truyện quá khó”. Cô gái gốc Mexico với chiếc khuyên rất cá tính trên môi Christina Valdez nhận xét: “Tôi nghĩ đó là một câu chuyện hay dù chưa hiểu nhiều về các ý nghĩa văn hóa lắm”.

Nhiều người lính sau cuộc chiến vẫn còn đắm chìm với quá khứ. Có thể ông Swensson không quên những quá khứ đó, nhưng ông vượt qua được. Nói như Neggin: “Những việc ông làm được thật đáng quý, chứng tỏ với cả chúng tôi cũng như người VN rằng chúng ta có thể là những người bạn của nhau”.

Với giáo sư Swensson, ông nghĩ đến cái tâm, tình thương mà tác phẩm của thi hào Nguyễn Du để lại.

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

“Cái tâm, tình người mới là quan trọng” – ông giảng cho sinh viên điều mình ngộ ra trong cuộc đời. Ông thấy ở Kiều một giá trị để hoàn thiện con người: “Tác phẩm này vẫn như vậy, nhưng tôi tin mỗi chúng ta hãy cứ thử mỗi 10 năm đọc lại Truyện Kiều một lần. Mỗi lần như vậy bạn sẽ thấy sự khác biệt mới”.

THANH TUẤN (tuoitre.com.vn)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)