Giải đáp thắc mắc về ngành nghề, thông tin xu hướng ngành nghề trong thời 4.0… là những chia sẻ được các chuyên gia đưa ra trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 12 năm học 2019-2020 diễn ra tại Trường THPT Đào Sơn Tây (Q.Thủ Đức) mới đây.
TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức, Sở KH-CN TP.HCM) giải đáp thắc mắc về ngành nghề của các em học sinh Trường THPT Đào Sơn Tây
Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Chọn nghề cần có trải nghiệm!
Trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng trong lựa chọn ngành nghề, TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức, Sở KH-CN TP.HCM) thông tin, hiện tại trong hệ thống đào tạo ngành nghề của Việt Nam có hơn 300 khối ngành đào tạo. Những ngành nghề có xu hướng phát triển nhanh gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là công nghệ thông tin, sức khỏe, tâm lý, giáo viên, công nghệ thực phẩm… “Hiện nay học sinh có rất nhiều hướng đi sau THPT. Theo đó, các em có thể lựa chọn học ĐH, CĐ, du học nhưng cũng có thể là học nghề. Tuy nhiên, các em phải hiểu năng lực học tập, điều kiện kinh tế gia đình cũng như sở thích, khả năng của bản thân để lựa chọn ngành nghề chính xác. Đặc biệt là phải hiểu được bản thân mong muốn làm gì trong tương lai”, TS. Tùng chia sẻ.
Cũng trong vấn đề chọn lựa ngành nghề, ThS. Lê Thị Thu Hà (Ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) đưa ra lời khuyên: Khi lựa chọn ngành nghề, người học cần có sự cân nhắc thật kỹ lưỡng. Việc chọn ngành nghề gắn với xu hướng hiện nay không có nghĩa là chăm chăm đăng ký vào những khối ngành “hot”. Bởi đôi khi, ngành “hot” trong xu hướng nhưng chưa chắc đã “hot” với bản thân mình. “Các em cần phải có những trải nghiệm nhất định, những hiểu biết nhất định với ngành nghề định chọn. Từ chính những trải nghiệm và hiểu biết ấy, các em mới biết được rằng ngành nghề đó có thực sự phù hợp với năng lực, tố chất, điều kiện gia đình của mình hay không. Việc quan tâm đến xu hướng nhưng phải gắn với năng lực, gắn với thực tế”, ThS. Hà nhấn mạnh.
Học ngành phân tích sinh học cần tố chất gì?
Với băn khoăn của học sinh về ngành phân tích sinh học, ThS. Nguyễn Xuân Luyện (Phó ban Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho hay, phân tích sinh học thuộc khối ngành công nghệ sinh học. Trong đó bao gồm nhiều chuyên ngành nhỏ, như: Sinh học thực phẩm, vi sinh, sinh học nông nghiệp. “Để theo được ngành phân tích sinh học, đầu tiên các em cần phải có năng lực học tốt bộ môn tự nhiên như toán, lý, hóa, sinh. Kèm theo đó, các em phải đáp ứng được những yêu cầu của công việc. Có tới 70% thời gian ngành này học trong phòng thí nghiệm cũng như công việc sau này đa phần sẽ diễn ra trong phòng thí nghiệm. Vì vậy, để theo được, người học phải có sự thích nghi với môi trường phòng thí nghiệm như không dị ứng với hóa chất, yêu môi trường làm việc…”, ThS. Luyện thông tin. Theo ThS. Luyện, hiện tại ngành học này có một số trường đào tạo như ĐH Bách khoa, ĐH KHTN, ĐH Công nghệ TP.HCM. “Để có cái nhìn chính xác và toàn diện nhất, các em hãy vào trực tiếp trang web của các trường để tham khảo thông tin về ngành nghề, về chương trình đào tạo, tuyển sinh, học phí…, đừng chọn lựa theo người này người kia”, ThS. Luyện lưu ý.
Học ngành công tác xã hội ra làm gì?
Theo TS. Nguyễn Thanh Tùng, công tác xã hội là một ngành khá mới và rất thiếu nhân lực trong giai đoạn hiện nay. Thế nhưng, đây là ngành học rất “kén người”, để có thể lựa chọn, người học cần có cái nhìn đúng đắn nhất về ngành. “Công tác xã hội là một ngành mang sứ mạng là giúp đỡ, hỗ trợ, chăm sóc những người yếu thế, không may mắn trong xã hội, giúp đỡ họ hòa nhập với cộng đồng và có cuộc sống bớt khó khăn hơn. Họ có thể là những người khuyết tật, người già neo đơn… Hoạt động công tác xã hội hiện diện ở khắp nơi, thường là trong các tổ chức xã hội. Và để có thể thực hiện được những điều này đòi hỏi người làm trong lĩnh vực công tác xã hội, ngoài tình yêu thương phải có sự hy sinh, chịu khó, chịu khổ, không nề hà bất cứ công việc gì”, TS. Tùng cho biết.
Hướng nghiệp cho học sinh 25 trường THPT ở Tây Ninh Song song với chương trình ở TP.HCM, từ ngày 20 đến 27-10, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 12 năm học 2019-2020 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng ĐH Quốc gia TP.HCM và Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM diễn ra tại 25 trường THPT trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Trong chương trình, các chuyên gia hướng nghiệp, tâm lý, dự báo nhân lực cung cấp những thông tin về ngành nghề đào tạo hiện nay, phương thức lựa chọn ngành nghề phù hợp với đam mê, sở thích, năng lực…, từ đó giúp các em học sinh lựa chọn đúng ngành nghề, bậc học và trường học. Hoàng Anh
Học sinh Trường THPT Quang Trung (Tây Ninh) đặt câu hỏi cho ban tư vấn |
TS. Tùng cho biết thêm, theo học ngành công tác xã hội, người học sẽ được trang bị những kiến thức, kỹ năng về nhiều ngành nghề trong xã hội, về tâm lý con người… để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội. “Cơ hội việc làm trong ngành này là rất lớn. Sau khi tốt nghiệp, các em có thể làm trong các tổ chức kinh tế – xã hội, tổ chức đoàn thể quần chúng, cán bộ Đoàn Thanh niên, hội phụ nữ… Hoặc các em có thể làm công tác xã hội trong bệnh viện, trường học, tổ chức phi chính phủ…”, TS. Tùng nói.
Bài, ảnh: Đ.Quân
Bình luận (0)