Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nghề không kén người học

Tạp Chí Giáo Dục

Công nghệ  phát triển mạnh mẽ nên ngành cơ khí được chuyên môn hóa cao. Ảnh: T.L

Đầu vào rất dễ, lại không tốn nhiều thời gian học tập nhưng những nghề như đầu bếp, bartender… có thể đem lại cho người lao động mức thu nhập cao. Tuy nhiên, để có một chỗ đứng trong những nghề này, người học nhất thiết phải có niềm đam mê, sáng tạo.
Nghề đầu bếp: Cần có năng khiếu ẩm thực
Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư vào ngành du lịch, kéo theo đó là các khách sạn, nhà hàng mọc lên như nấm nên cần rất nhiều đầu bếp chuyên nghiệp. Vì vậy, người học sẽ không lo thất nghiệp mà với những kinh nghiệm của mình họ có thể trở thành bếp trưởng có thu nhập mỗi tháng hàng ngàn USD hay có thể tự mở nhà hàng…
Để trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp, các bạn trẻ có thể học tại các trung tâm dạy nghề, các trường TCCN, CĐ nghề. Đầu vào tuy rất dễ nhưng để thành công trong nghề, người học phải khéo tay, sạch sẽ, thích công việc nấu nướng, sức khỏe tốt… Đồng thời, người học cần có mắt thẩm mỹ, nhạy cảm với mùi vị và có những kỹ năng như tổ chức công việc, làm việc nhóm, làm việc dưới áp lực cao…
Nghề bartender: Gặp nhiều thử thách
Hầu hết các khách sạn, resort cao cấp hay nhà hàng lớn đều có quầy bar nên rất cần một lượng lớn bartender. Muốn làm nghề này, các bạn trẻ có thể học các lớp cơ bản (khoảng 3 tháng) tại các trung tâm dạy nghề. Bartender thuộc lĩnh vực nhà hàng, khách sạn nên cũng được đào tạo bài bản tại các trường nghiệp vụ du lịch. Khi tốt nghiệp một khóa bartender, học viên có thể được trung tâm đào tạo giới thiệu việc làm hoặc tự tìm việc qua các kênh thông tin. Mới đầu, các bạn chỉ có thể làm tại các quầy bar ở vũ trường, nhà hàng nhưng khi đã có nhiều kinh nghiệm thì có thể xin làm ở các khách sạn cao cấp với mức thu nhập cao. Những kỹ năng một bartender cần có là pha chế, biểu diễn, sáng tạo, hiểu sâu sắc đặc tính các mùi rượu…
Kinh nghiệm của các bartender thành công cho thấy, nghề này phải thực sự chịu khó và khổ luyện rất nhiều, những vết sẹo đầy trên tay là điều không tránh khỏi của một bartender. Ngoài ra, làm việc tại các quầy bar ở vũ trường cũng là một môi trường đầy cám dỗ đòi hỏi các bạn trẻ phải có bản lĩnh mới vượt qua.
Kỹ thuật cơ khí: Thiếu lao động có tay nghề cao
Ngành cơ khí được xác định là một trong 4 nghề chủ lực để phát triển kinh tế đất nước, vì vậy nghề này đang được chú trọng mạnh về chất lượng đào tạo cũng như thu hút đầu tư. Theo Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, thời gian gần đây ban rất chú trọng thu hút các nhà đầu tư ở lĩnh vực này nhưng lại thiếu nguồn lao động có tay nghề cao để cung ứng.
Muốn học nghề cơ khí, chỉ cần tốt nghiệp THCS hoặc THPT, người học có thể tham gia xét tuyển ở các trường TCCN, CĐ nghề. Ngoài ra, nếu muốn trở thành kỹ sư cơ khí, sau khi tốt nghiệp TCCN, người học có thể học liên thông lên CĐ, ĐH. Ngành kỹ thuật cơ khí sẽ tham gia trực tiếp chế tạo, sản xuất các thiết bị sản phẩm cơ khí. Trước đây, công việc của ngành cơ khí luôn liên quan đến sắt thép, đến các công việc gia công bằng tay như tiện, phay, hàn… Nhưng hiện nay, công nghệ phát triển mạnh mẽ nên ngành này cũng được chuyên môn hóa, nhiều công việc cơ khí người làm gần như không tham gia vào như tiện, phay, bào… mà chỉ cần bấm các thông số kỹ thuật trên máy móc.
Tốt nghiệp ngành này, cơ hội làm việc của người học rất cao vì tất cả máy móc vận hành trong các dây chuyền sản xuất hoạt động ở mọi nơi như trên và dưới mặt đất, trên mặt biển, dưới đáy biển… Do đó, ngoài sự đóng góp của các nhà khoa học, kỹ sư thì rất cần có các công nhân cơ khí. Để làm tốt công việc trong lĩnh vực cơ khí, người lao động phải có niềm đam mê, tính cẩn thận, chính xác, kiên trì, có tư duy phân tích nhạy bén, logic…
Bài, ảnh: Minh Châu

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)