Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Nghề làm phim quảng cáo: lương cao, mau thành đạt

Tạp Chí Giáo Dục

Một cảnh hậu trường dự án phim quảng cáo do Vyadvertising thực hiện – Ảnh: S.Nhung

Nghề làm phim quảng cáo đang được xem là nghề “hot” trong mắt giới trẻ không chỉ vì nhu cầu nhân sự lớn mà còn vì thu nhập cao, mau thành đạt…

Nghề dễ… “ra riêng”

Trong lĩnh vực chuyên môn, người làm phim quảng cáo thường được gọi là producer – nhà sản xuất. Họ lo tất cả mọi việc, từ vật dụng sản xuất đến thiết kế hiện trường, tìm êkíp quay phim, đạo diễn, tổ chức tuyển chọn diễn viên, trang điểm, trang phục, hậu cần…

Bà T. Phạm, người tổ chức sản xuất phim quảng cáo phở Vifon, cho biết để có đoạn quảng cáo ngắn chưa đầy 1 phút trên truyền hình, những người thực hiện đã phải làm việc hết sức vất vả. Chỉ xuất hiện có vài giây cận cảnh mà bộ phim phải dùng hết 30 tô phở. Lúc thì đạo diễn yêu cầu đổi tô phở mới do phải quay đi quay lại nhiều lần nên bánh phở bị nở trương lên; lúc thì bánh phở chưa có độ bóng nên không “ăn hình”; lúc lại vì màu của trái ớt trong tô phở không đạt hiệu quả hình ảnh. Hoặc có lúc phải đổi tô phở mới chỉ vì diễn viên nhí diễn xuất… quá nhiệt tình, ăn “hết vèo” nửa tô…

Chưa hết, để phục vụ cảnh quanh cối xay bột xuất hiện vài giây, người làm phim đã phải huy động cả êkíp lùng sục ở Tiền Giang mấy ngày mới tìm ra một cái cối đá đúng kích thước, màu sắc và kiểu dáng như trong kịch bản.

Ngoài việc chuẩn bị cho hiện trường, công việc của người làm phim quảng cáo còn liên quan đến phần hậu trường dựng phim. Việc hiểu biết về thiết bị chuyên dụng, biết rõ chuyên viên nào sẽ dựng tốt phần 3D, ai có sở trường cho thực phẩm, mỹ phẩm, xe hơi… sẽ giúp cho người làm phim an tâm hơn. Chính vì thế nên những người làm phim quảng cáo kinh nghiệm, uy tín và có khả năng tổ chức tốt luôn có nhiều cơ hội để mở ra những công ty sản xuất phim của riêng mình.

Đạo diễn Scott Hines (Úc) được Công ty Quảng cáo Vyadvertising mời thực hiện một dự án phim quảng cáo, nói: “Khi được hỗ trợ bởi một producer giỏi, đạo diễn chúng tôi rất yên tâm, chỉ chú tâm đến chất lượng nghệ thuật”.

Tự trau dồi tay nghề để không bị đào thải

Có thể nói lương của nhà sản xuất phim quảng cáo không có giới hạn. Vài ngàn USD cho một hợp đồng phim quảng cáo ngắn vài phút là thu nhập trung bình. Thậm chí có những phim lên đến vài chục ngàn USD. Ngoài thu nhập cao, người làm nghề này có thể làm việc cùng lúc cho nhiều công ty mà không sợ bị ảnh hưởng, nhờ làm việc theo kiểu “cuốn chiếu”, miễn sao sắp xếp thời gian hợp

Chưa có trường đào tạo

Trong khi nhu cầu nhân lực cho ngành làm phim quảng cáo trong nước rất lớn thì đào tạo nhân lực cho nghề này còn đang bị bỏ ngỏ; hầu như chưa có trường CĐ, ĐH nào xây dựng chương trình đào tạo để chiêu sinh đào tạo sinh viên theo học ngành làm phim quảng cáo.

Đa số người làm nghề chủ yếu làm theo năng khiếu, kinh nghiệm, “nghề dạy nghề” là chính. Hy vọng trong thời gian, vấn đề đào tạo sẽ được quan tâm hơn.

Ông Vũ Lê Vinh, Giám đốc Vyadvertising, cho biết cạnh tranh trong lĩnh vực làm phim quảng cáo tại Việt Nam đang rất gay gắt. Tuy nhiên, trong khi  ngành công nghiệp quảng cáo của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu gia tăng thì nhân lực trong nước cho ngành này lại thiếu hụt.

Đó là lý do vì sao gần đây, khách hàng – nhất là các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước – lại thích chọn producer nước ngoài. Đa phần họ đến từ Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, những quốc gia có ngành công nghiệp làm phim quảng cáo phát triển và chuyên nghiệp hơn Việt Nam. 

Cũng theo ông Vũ Lê Vinh, xu hướng người nước ngoài vào Việt Nam làm phim quảng cáo sẽ gia tăng vì nhân lực trong nước yếu thế hơn. Một producer có tiếng tại TP.HCM tâm sự: “Những người làm phim quảng cáo trong nước cũng có một số lợi thế riêng. Nhưng phải công nhận nghề này đang bắt đầu cạnh tranh nhiều hơn bởi có không ít producer nước ngoài đến Việt Nam. Chính vì thế chúng tôi phải tự trau dồi nghề nghiệp để không bị đào thải”.

Để thành công với nghề làm phim quảng cáo, bất kỳ ai cũng phải có một số kỹ năng cơ bản. Đó là giỏi ngoại ngữ (tiếng Anh), có kiến thức về điện ảnh, hiểu biết quy trình sản xuất phim quảng cáo, có khả năng đàm phán, thuyết phục và quan hệ rộng. Điều đáng mừng là tại Việt Nam, nghề này đang ngày càng thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Thực tế là rất nhiều  producer trẻ người Việt rất thành công, đi lên bằng chính kinh nghiệm và niềm đam mê công việc.

Theo VŨ THỊ ÁI LÊ – Người lao động

Bình luận (0)