Có một nghịch lý đang tồn tại trong lĩnh vực học nghề tại miền Trung: nhiều ngành nghề chỉ cần học xong là có việc làm với mức lương khá cao, nhưng các trường lại không tuyển được học viên.
Những ngành nghề đang hiếm thợ hiện nay có thể kể đến là ngành hàn, cơ khí… Tại một hội thảo về cơ hội việc làm gần đây, đại diện Công ty ô tô Trường Hải tiết lộ, chỉ có 48% lao động cơ khí ô tô của công ty được tuyển là đã qua đào tạo tại các trường nghề, dù đã khá vất vả đặt hàng, đến tận các trường để tuyển thợ. Ngay cả thợ lắp ráp ô tô, Công ty ôtô Dana Ford cũng tìm không đủ nhân lực cho bộ phận công nhân lắp ráp. Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) cũng rất “khan” thợ hàn, bởi Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất vừa tiến hành đóng tàu chở dầu đầu tiên với trọng tải 104.000 tấn và 1 tàu chở hàng rời, trọng tải 54.000 tấn cho Tổng công ty Vận tải biển Viễn Dương nhưng chỉ tìm được rất ít thợ hàn…
Nhiều doanh nghiệp liên tục đặt hàng cho các trường nhân lực ngành cơ khí, hàn… với mức lương cao, nhưng các trường TCCN, CĐ nghề lại không tuyển được học viên. Ông Võ Như Tiến, Hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng, cung cấp những con số nghịch lý: năm 2006, chỉ có 20 em theo học ngành gò – hàn, nhưng đến mùa tuyển sinh 2007 thì không có một hồ sơ nào đăng ký vào ngành hàn của trường. Còn ông Phan Tiềm, Hiệu trưởng trường CĐ nghề Đà Nẵng, cho biết hiện trường chỉ đào tạo được 65 học viên ngành hàn bậc trung cấp và 35 học viên ở bậc CĐ….
Theo khảo sát, nhiều học sinh trước khi bước vào ngưỡng cửa TCCN hay CĐ nghề đều hình dung, hàn và cơ khí là những ngành nghề căng thẳng và nhiều áp lực. Bên cạnh đó, một bộ phận học sinh sau khi tốt nghiệp THPT không thích làm việc nặng nhọc. Ngoài ra, một phần còn do các trường chưa có sự đầu tư quảng bá đúng mức cho ngành nghề đang có nhiều lợi thế này. Thiếu thông tin nên có thể việc định hướng cho nghề nghiệp tương lai của các bạn trẻ cũng lệch đi rất nhiều.
Diệu Hiền (Theo TNO)
Bình luận (0)