Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Nghề mặc cũng lắm công phu!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Một nghề mới, rất thú vị đã được nảy sinh từ… tủ quần áo của mỗi người! Khởi đầu từ chốn riêng tư đó, tư vấn cho khách hàng cách ăn mặc phù hợp, giúp họ không chỉ đẹp mà còn tự tin trong cuộc sống, từ đó đạt đến thành công… đó là đích đến của nghề tư vấn ăn mặc.

 

Tại Trường John Robert Power, giảng viên Bùi Bích Ngọc và học viên Trịnh Thị Kiều Nhung (phải): Vóc dáng bạn: điểm mạnh ơ đâu?

Ở TP.HCM, ngày càng nhiều người, nhất là những người trẻ, nhận thức được sức mạnh của ăn mặc trong giao tiếp, thể hiện phong cách, và họ đã dành những khoản tiền không nhỏ đầu tư vào việc đi học ngành này.

Học yêu bản thân mình

Tại Trường John Robert Power, chị Trịnh Thị Kiều Nhung, 28 tuổi, làm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, đóng học phí cả ngàn USD cho lớp học tư vấn ăn mặc, cho biết: “Nghề của mình giao tiếp nhiều với khách hàng nên cần hình ảnh bề ngoài đẹp để tự tin”.

Buổi học hôm đó của Nhung gồm một cô, một trò với giảng viên là chị Bùi Bích Ngọc, một người tốt nghiệp nhiều trường thẩm mỹ quốc tế ở Pháp như chuyên ngành chăm sóc sắc đẹp (Trường Marnix, Bruxelles), hóa trang (Trường Jean Pierre Fleurimon, Paris), tư vấn hình ảnh (Trường Idéa Look Institut, Paris).

Làm quen với màu sắc là phần học đầu tiên. Những đặc tính: nóng – lạnh, đậm – nhạt, tươi – xỉn, nhóm màu cơ bản, cách phối màu, màu nào đứng gần nhau, cách phối màu hiếm nhưng đẹp… Trong vòng một giờ, những kiến thức ấy dần rõ ràng trong Nhung. Chị nói: “Hồi nào giờ mình cứ mặc, mua áo màu này, quần màu kia, váy màu nọ mà không am hiểu gì nó hết”. Rồi những nguyên tắc căn bản của trang phục, hoa văn, điểm nhấn, cách phối sọc lớn, sọc nhỏ để tôn tạo vẻ đẹp, che khuyết điểm cũng giúp Nhung có cái nhìn mới.

Một bài test đi vào ba đặc tính của màu để biết Nhung hợp tông màu nào được thực hiện. Sau đó là đến giờ học sát sườn hơn với các số đo, nhận xét của cô giáo đâu là ưu, đâu là khuyết trên hình thể học viên. Các giảng viên cho rằng biết ưu, khuyết của mình là cách học viên hiểu và yêu chính bản thân mình.

Từ lý thuyết, sau đó giảng viên sẽ ghé thăm… tủ quần áo ở nhà học viên. Chị Bích Ngọc cho biết với bài học “tủ quần áo”, chị hướng dẫn học viên những trang phục cần thiết, chọn lựa và sắp xếp hợp lý, cách phối hợp các quần áo có sẵn, lập danh sách các quần áo cần mua. Đi mua sắm là bài học thực tiễn sau các phần trên. Học viên cùng giảng viên đến các cửa hiệu để giảng viên hướng dẫn một cách sinh động về màu sắc, loại vải. Song, trước đó, một khâu quan trọng được đặt ra là túi tiền của học viên đang ở mức nào; học viên cần xác định việc thay đổi là từ từ, chứ không phải “tổng tấn công” ngay lập tức!

Chị Kiều Nhung thổ lộ: “Từ khi học, mình tự tin hẳn. Mọi người xung quanh, nhất là chồng mình, rất ngạc nhiên, thích thú với thay đổi hợp lý của mình. Nhưng quan trọng là mình biết tiêu dùng thông minh hơn, tiết kiệm hơn. Mặc dù học phí không nhỏ, nhưng sau đó mình không còn mua quần áo tràn lan nữa. Hiểu rõ mình, hiểu nhu cầu bản thân, biết làm mình đẹp, không phí phạm là những điều bổ ích nhất mình có được sau khi đi học”. Về phía người dạy, chị Bích Ngọc nhận thấy các học viên tiết kiệm thời gian và tiền bạc khi mua sắm, chấm dứt kiểu mua quần áo theo ngẫu hứng và kết thúc số phận ở đáy tủ.

Chi phí kén học viên!

Theo thống kê của các giảng viên, hiện nay đối tượng tham gia học ăn mặc khá đa dạng: các công ty gửi nhân viên đi học, thông qua đó xây dựng hình ảnh của công ty; các diễn giả, doanh nhân, nghệ sĩ… chọn học các khóa trọn gói; các cá nhân, đa số là phụ nữ, tìm đến các lớp học không chỉ đơn giản là muốn làm đẹp mà sâu xa hơn, họ muốn tự tin hơn để khẳng định mình trong cuộc sống cũng như trong công việc.

Trên thực tế, chi phí cho dịch vụ tư vấn hình ảnh là rất cao nên nghề này hiện chỉ có thể phục vụ cho một thiểu số học viên có khả năng tài chính. Chị Thanh Vân cho biết: học phí từ 10 triệu – 18 triệu đồng cho một ca tư vấn, tùy thời gian, công sức bỏ ra.

Chị Bích Ngọc giải thích thêm: “Để làm nghề này, chúng tôi phải bỏ rất nhiều tiền bạc, thời gian, công sức để trau dồi, bổ sung liên tục kiến thức của mình. Về chuyên môn, chúng tôi có các hội thảo chuyên đề được tổ chức mỗi năm, diễn đàn, thông tin nội bộ của hiệp hội của ngành. Các lãnh vực khác, chúng tôi có những tạp chí chuyên ngành, tham dự hội chợ, các tuần lễ thời trang. Ngoài ra, chúng tôi còn phải học thêm về tâm lý, phải luôn theo sát thời trang, phải nắm được thị trường: thương hiệu nào, phong cách nào, bán ở đâu, trong khung giá nào…”.

Một giảng viên ngành này cần có khả năng tư vấn tất cả những gì liên quan đến hình ảnh bên ngoài: cơ thể (tóc, mặt, hình thể…), cách chăm sóc, kiểu dáng phù hợp, cách khắc phục các khiếm khuyết nếu có…

Nhà thiết kế Ngô Thái Uyên cũng cho biết, nghề này tốn nhiều thời gian cho những tư vấn, tìm hiểu khách hàng tỉ mỉ, chi tiết. Như việc phải tìm hiểu tính cách “ông xã” khách hàng để tư vấn phù hợp. Rồi bộ quần áo được tư vấn hợp với đi xe gắn máy hay ngồi xe hơi cũng phải được tính đến. Có ca tư vấn kéo dài 3- 4 tháng trời, tùy thuộc thời gian rảnh của khách hàng. Và sau khóa học, giảng viên và học viên trở thành…bạn chơi với nhau, để cần là có thể tư vấn ngay lập tức. 

ĐẶNG TƯƠI (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)