Công nhân trong một xưởng may xuất khẩu |
Cách đây hơn 10 năm, khi KCN Tân Tạo – TPHCM ra đời với những công ty may xuất khẩu thu hút hàng vạn công nhân, có 1 làn sóng dịch chuyển lao động từ các tỉnh ĐBSCL về TPHCM
Hàng vạn công nhân khác rời “miệt vườn” về các công ty may XK ở Bình Dương, Đồng Nai… Ngày nay, những công nhân may ở ĐBSCL không cần phải từ bỏ gia đình, quê hương để vào cuộc mưu sinh. Những công ty may xuất khẩu (XK) đã về tới huyện…
Từ thành phố về tỉnh
Tôi nhớ, khi Cty Pon Chen ở KCN Tân Tạo (huyện Bình Tân – TPHCM) ra đời với nhu cầu tuyển dụng trên 20 ngàn công nhân may, nó đã thu hút phần lớn các cô gái trẻ ở các huyện lân cận thuộc tỉnh Long An như Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức, Cần Đước…
Cùng lúc ấy, các công ty may XK cũng ra đời ở Bình Dương, Đồng Nai, với nhu cầu tuyển dụng hàng vạn công nhân. Công nhân may từ tỉnh Long An cạn dần, các doanh nghiệp phải tuyển công nhân từ các tỉnh xa hơn như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long…
Ngày càng nhiều công ty may XK ra đời, sự cạnh tranh lao động bắt đầu xuất hiện. Nếu như ban đầu công nhân phải tự túc toàn bộ, thì càng về sau, để thu hút lao động về mình, các công ty quan tâm hơn chăm sóc người lao động, như lo chỗ ở, ăn giữa ca, tiền lương thỏa đáng hơn.
Theo các chuyên gia kinh tế, ngành may XK ở VN hiện là 1 trong những ngành có hàm lượng lao động chiếm tỉ trọng cao nhất trong sản phẩm. Hầu hết các công ty đều “tạm nhập” nguyên, phụ liệu, sau đó “tái xuất” thành phẩm. Doanh nghiệp hầu như không bổ sung gì thêm vào sản phẩm, ngoài công lao động (và chi phí quản lý). Chi phí lao động có ý nghĩa sống còn đối với các doanh nghiệp, ai giảm được chi phí nhân công, người đó thắng.
Vì vậy, khi mà sự cạnh tranh lao động ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai đẩy chi phí nhân công lên cao, điều tất yếu đã phải đến – nhiều doanh nghiệp chuyển sản xuất về các địa bàn dồi dào lao động, có giá nhân công rẻ. Các công ty may XK lần lượt ra đời ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long…
Từ tỉnh về huyện
Hàng loạt các công ty may XK đã ồ ạt ra đời ở thị xã Tân An và dọc theo tuyến QL1A thuộc địa bàn tỉnh Long An, như: TG, Phú Hải, Phú Á, Hoàng Đế Long, Đế Vương, Chung Shing… Cùng lúc ấy, trên địa bàn TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), nhiều công ty may XK có quy mô lớn cũng đi vào hoạt động như Tiền Tiến, Tân Bình, Công Tiến… Ở các KCN tỉnh Bến Tre cũng ra đời các công ty may XK quy mô lớn như Aliance One, Nam Long…
Tiền lương công nhân may ở các tỉnh thường thấp hơn ở TPHCM khoảng 20%, các doanh nghiệp lại không phải tốn chi phí lo chỗ ở, xe đưa rước. Thị trường lao động cho ngành may XK ở Long An bỗng trở nên sôi động, có sự xáo trộn lớn, khi Cty Ching Luh (KCN Thuận Đạo, Bến Lức) ra đời với nhu cầu tuyển dụng khoảng 25 ngàn công nhân may.
Kịch bản tương tự như ở TPHCM 5 năm trước được lập lại ở các tỉnh: Để cạnh tranh, thu hút lao động, các doanh nghiệp phải thực hiện các chính sách ưu đãi người lao động, như lo chỗ ở, ăn giữa ca, tăng lương… Và cuối cùng là… chuyển các xưởng may về các huyện vùng xa, vùng nông thôn heo hút để tìm lao động giá rẻ.
Một trong những doanh nghiệp đi đầu “về vùng sâu vùng xa” là Cty TG (thị xã Tân An). Bây giờ ở nhiều huyện vùng sâu của Long An đã có xí nghiệp may XK như: Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước, Thủ Thừa, Tân Trụ… Ở Tiền Giang, các công ty may XK cũng mọc lên ở các huyện xa như Tân Phước, Cai Lậy, Chợ Gạo, Gò Công Đông… Tiền lương công nhân may ở huyện thấp hơn khoảng 20% so với ở tỉnh, và chỉ bằng hơn một nửa so với lao động cùng nghề ở TPHCM.
Sau “lao động giá rẻ” sẽ là gì?
Ngành may XK tràn về vùng sông nước ĐBSCL nhằm tận dụng lao động giá rẻ. Công bằng mà nói, sự xuất hiện của các công ty may XK ở các huyện vùng sâu, vùng xa đã mang đến không khí công nghiệp cho các vùng nông thôn này. Rồi công ăn việc làm, cơ cấu kinh tế, tăng trưởng GDP… cũng được các công ty đóng góp cho địa phương. Thế nhưng, tình trạng thiếu công lao động trầm trọng trên đồng ruộng vùng ĐTM trong 2 vụ lúa vừa qua đã đánh động đến ngành may.
Dù tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp đang diễn ra khá nhanh, nhưng vì phần lớn lao động trẻ bị hút về thành thị, các nhà máy, nên khi vào vụ thu hoạch, công gặt lúa trở nên nan giải. Trong vụ hè thu vừa qua, có lúc công gặt lúa ở ĐTM lên đến 500 ngàn đồng/ngày, bằng gần nửa tháng lương của công nhân may ở gần đó.
Đã bắt đầu xảy ra cạnh tranh lao động (giữa các công ty may, hoặc giữa ngành may với các ngành nghề khác) ở các vùng nông thôn. Nhiều công ty may XK ở huyện Đức Hòa (Long An) đã phải cất công ra tận Tây Nguyên để tuyển dụng lao động vì nguồn lao động tại chỗ đã cạn.
Đâu sẽ là viễn cảnh cho câu chuyện công nhân ngành may XK? Nhiều ý kiến cho rằng, giai đoạn các công ty may tìm kiếm lợi nhuận chủ yếu nhờ vào khai thác lao động giá rẻ đã sắp kết thúc. Tình thế buộc họ phải chuyển hướng chiến lược, có trách nhiệm hơn, trí tuệ hơn, đó là “VN hóa” ngành nghề này, hàm lượng “nội địa hóa” sẽ ngày càng tăng lên. Khi đó, điệp khúc “tạm nhập, tái xuất” trong ngành may XK có thể sẽ được thay bằng 1 ngành công nghiệp may chính hiệu VN, hàng may mặc “Made in VN” sẽ hiện diện khắp thế giới, người công nhân may cũng sẽ có cuộc sống khác hơn.
Kỳ Quan (laodong)
Bình luận (0)