“Học hết THPT anh cũng ôm mộng thi vào Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, nhưng không thành. Anh đã chọn học nghề mộc tại trường dạy nghề của tỉnh. Đến nay anh đã thành công với nghề. Từ bàn tay trắng nay anh đã thành lập được doanh nghiệp mộc với 20 người thợ có tay nghề cao, doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng”, nghệ nhân Nguyễn Thành Tâm cho biết về bước ngoặt vào nghề của mình.
Thiếu nguồn nhân lực
Đã một thời nghề mộc đã bị khai tử vì nhiều người cho rằng các đồ nhựa, xi măng, sắt thép đã dần thay thế. Tuy nhiên thực tế đã chứng minh dù xã hội phát triển đến đâu thì nghề mộc cũng khó bị thay thế được, bởi trong các cơ quan, chốn dinh thự, nơi triển lãm hoặc tại các gia đình, đồ mộc không chỉ là vật sử dụng, mà còn để trang trí. Hiện nay trên địa bàn TP.HCM có hàng trăm cơ sở mộc công nghiệp phục vụ xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước. Các sản phẩm được bày bán trên khắp phố phường, từ bàn ghế, tủ giường đến những vật dụng xa xỉ nhất cũng từ đồ mộc. Hiện nay nhiều bộ bàn ghế, hay tủ thờ, nhà cổ lên đến cả tỷ đồng/ chiếc. Bên cạnh đó hiện nay chúng ta xuất khẩu một số lượng rất lớn sản phẩm gỗ sang thị trường các nước phát triển nên nguồn lao động nghề mộc đang rất khan hiếm. Anh Tâm cho biết: “Hiện nay mỗi tháng chúng tôi xuất sang châu Âu, Nhật Bản 3 lô hàng trị giá 2 triệu USD. Ngoài ra còn 3 xưởng sản xuất phục vụ nhu cầu nội địa, vì vậy nguồn lao động luôn thiếu, nhiều lúc tìm “đỏ mắt” không ra lấy một người thợ lành nghề”.
Học nghề không khó
Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp tuyển lao động vào nghề mộc đều làm theo dây chuyền sản xuất công nghiệp. Mặt khác phần lớn thế hệ trẻ hiện nay cũng muốn học nghề theo hướng này vì thời gian đào tạo vừa ngắn lại có công việc làm ổn định tại các doanh nghiệp. Người theo nghề mộc đòi hỏi phải yêu nghề, chịu học hỏi là có thể làm tốt được. Tuy nhiên để trở thành một người thợ mộc có tầm như về kỹ thuật trạm trổ hay làm kết cấu nhà, đặc biệt là nhà cổ thì quả thật không đơn giản. Đòi hỏi người thợ phải có tư duy kỹ thuật, có óc mỹ thuật và sự khéo léo của đôi bàn tay và thẩm mỹ của đôi mắt. Đồng thời đòi hỏi sự chuẩn xác, tinh vi, tính cẩn thận. Đây là một nghề cần phối hợp cả kiến thức khoa học và óc nghệ thuật, chăm chút cho những sản phẩm gỗ mới có thể thành công được. Hiện nay mức lương của thợ làm mộc công nghiệp từ 2-7 triệu đồng/tháng, các thợ lành nghề làm những kỹ thuật tinh xảo như nhà cổ hay đình, chùa… thì có người thợ lên đến trên 10 triệu đồng/tháng. Cơ hội phát triển của nghề mộc cũng rất lớn bởi nghề này học nhanh, thực hành tại xưởng có lương lại không cần nhiều vốn. Rất nhiều thợ lành nghề đã tự mở cửa hàng làm riêng hoặc đi làm ở nước ngoài với thu nhập 3-4 ngàn USD/tháng. Hiện nay ngoài những cơ sở mộc lớn có dạy nghề thì còn nhiều cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn TP.HCM như: Trường Trung học Xây dựng TP.HCM, Trường Trung học Nông nghiệp (Q.1, TP.HCM)…
Trần Văn
Bình luận (0)