Y tế - Văn hóaThư giãn

Nghe mùi nếp, lòng đã rộn ràng Tết

Tạp Chí Giáo Dục

Có dịp lang bạt đâu đó ở vùng ven Sài Gòn, thi thoảng nghe tiếng máy xay lúa ù ù gợi nhớ ký ức một thời. Ngang qua đó, bận rộn mấy cũng nán lại vài phút để ngửi mùi cám quen thuộc, mùi gạo mới tỏa hương thơm trong gió thoảng, chỉ chừng đó thôi cũng thỏa nhớ, cảm xúc dạt dào.

Dòng người vội vã lướt qua cũng chẳng ai để ý, nếu có thì mấy người tin đó là tiếng máy xay bởi theo họ, ở cái xứ này làm gì còn nhà nào xay lúa, hơn nữa lúa đâu giữa bốn bề đã san lấp, phân lô bán nền? Vậy mà còn, những chiếc máy nổ khá cũ, cối xay cũng đã ngót nghét 30-40 năm nhưng vẫn hoạt động tốt. Đâu xa xôi mấy, chỉ mất hơn 20 phút đi xe máy về Bình Quới (Thanh Đa) hay chừng 40 phút về các xã của huyện Bình Chánh, Hóc Môn là gặp.

Bình Quới được xem là vựa lúa khá lớn của Sài Gòn lúc bấy giờ. Chỉ độ ba, bốn năm trước đây thôi, người dân vẫn còn trồng lúa, nhà ít thì một công, nhiều thì năm, bảy công. Đấy là cái thời mùa màng thất bát chứ trước kia lúa bạt ngàn, nhà máy mở cửa phục vụ cả ngày đêm. Nhiều người mua sắm máy xay chính là phục vụ cho gia đình, sau đó xay xát cho bà con kiếm thêm chút đỉnh, vậy mà kiếm sống khỏe.

Ngày cuối năm trở lại Bình Quới, cái êm đềm, tĩnh lặng vốn có không còn nữa, chỉ có tiếng búa đập bê tông đì đùng chát chúa tai, tiếng động cơ xe múc, xe ủi gầm rú ngày đêm phục vụ công trình mới. Ghé nhà máy cũ duy nhất còn sót lại ở xứ này, mới đây thôi còn hoạt động, nay cửa đóng im ỉm, mạng nhện giăng khắp nơi. Thế là chẳng bao lâu nữa, nhà máy xay lúa này chỉ còn lại trong ký ức của người dân Bình Quới. Ông chủ nhà máy pha bình trà mời khách, mắt nhìn xa lắc lơ. Cũng như bao người khác ở mảnh đất này, ông phải vĩnh viễn xa nhà máy, xa những gì thân thuộc nhất để làm quen với môi trường sống mới.

Là dân gốc rạ thứ thiệt chắc hẳn ai cũng đã từng một lần đi xay lúa, nếu chưa là điều đáng tiếc bởi ký ức thiếu đi hình ảnh thân thuộc của quê nhà một thời. Nhà không có xe đạp thì gánh, vác lúa đi gần cũng vài chục mét, xa thì ngót nghét vài cây số. Người đi xay đông, đến nơi phải xếp hàng mất hàng giờ, có khi thấy bọn trẻ thất thểu ngồi chờ, người lớn thấy thương mà nhường lượt mới được về sớm.

Thời nhà máy mọc lên nhiều, làm ăn cạnh tranh, chỉ cần báo tin chuyền sẽ có người đến chở lúa về xay, xong chở cám, gạo giao tận nhà rồi lấy tiền. Người xay thích thì trả bằng tiền mặt, không thì quy ra gạo hoặc cám mà đong tại chỗ.

Lại nhớ những ngày ở quê vào cuối tháng chạp, nhà nào cũng xay lúa trữ gạo dành ăn trong và sau Tết. Ngoài lúa, nếp cũng được xay nhiều để gói bánh tét, bánh chưng khiến nhà máy chật kín người. Việc mua bán, trao đổi gạo, nếp cũng diễn ra tại nhà máy. Nói là mua bán chứ tặng, biếu nhau là chính, xem như chia sẻ để nhà nào cũng có đòn bánh tét ngon trước là cúng ông bà, sau cho con cháu ở xa.

Thời tiết khắc nghiệt theo từng năm, sản lượng lúa sau mỗi vụ không cao, dần dà diện tích trồng lúa cũng bị thu hẹp. Vì vậy nhà máy cũng lần lượt đóng cửa, máy móc bán đổ bán tháo, thậm chí trở thành đống sắt vụn khi chưa kịp thu hồi vốn, cả xã chỉ còn lác đác vài nhà máy hoạt động cầm chừng.

Xa quê, chỉ nghe chút thoang thoảng mùi gạo, nếp vừa bóc lớp vỏ trấu thôi cũng nghe lòng rộn ràng Tết.

Tuy An

 

Bình luận (0)