Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Nghề nặn tò he: Trăn trở giữ nghề!

Tạp Chí Giáo Dục

Tò he cô bán mấy đồng/Tôi mua một cái cho chồng tôi chơi/Chồng tôi đánh vỡ đánh rơi/Tôi mua cái nữa, tôi chơi một mình". Đằng sau sự yêu mến, ngưỡng mộ của nhiều người ấy là cả một câu chuyện dài về việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển nghề truyền thống…

Chúng tôi đến làng Xuân La, (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, HN) vào một ngày cận kề Tết Trung thu, nơi có làng nghề nặn tò he nổi tiếng cả nước với những sản phẩm mang đậm nét văn hoá dân gian như: Nặn các con vật (trong 12 con giáp), những người anh hùng dân tộc, các nhân vật trong phim, hoa lá… được các em nhỏ rất yêu thích.
Điều khiến chúng tôi bất ngờ là không hề có một chút không khí làng nghề giống như những làng nghề khác. Không hề thấy cảnh nhà nhà nặn chim cò (tên gọi trước đây), người người nặn chim cò như trước đây. Mà thay vào đó là tiếng ồn của một xưởng may quần áo và tiếng nhạc xập xình từ một đám cưới.
Phải lòng vòng một hồi, chúng tôi mới gặp được anh Đào Văn Luỹ (46 tuổi) – một nghệ nhân trẻ của làng, hiện đang sống bằng nghề truyền thống của cha ông. Anh Luỹ cho biết: Hai bố con anh mới từ TPHCM về. Hỏi: Sao anh phải vào tận TPHCM hành nghề? Anh Luỹ cho biết, nếu ở làng thì chỉ có chết đói! Mà không chỉ có bố con anh, hiện ở làng có tới gần 20 người đang hành nghề ở trong đó.
Lại hỏi: Các anh đi như thế, có sống được bằng nghề không? Anh Luỹ nói: “Cũng chỉ đủ ăn thôi. Cuộc sống xa quê, cực lắm! Để tồn tại, tôi phải bán thêm những đồ chơi khác của Trung Quốc. Đã vậy, khi đi làm lại luôn bị xua đuổi. Vì yêu mến nghề, muốn giữ lại nghề truyền thống của cha ông nên đành phải vật vã “tha phương” vậy thôi!”…
Làm gì để gìn giữ, phát triển nghề truyền thống đậm nét văn hoá dân gian? Trả lời câu hỏi này, ông Đào Duy Mến – Bí thư chi bộ và ông Đặng Minh Thăng – Trưởng thôn nói rằng: Không chỉ có nghệ nhân, mà chính quyền địa phương cũng rất trăn trở.
Giữa tháng 5 mới đây, TT bảo trợ trẻ em nghèo TP tổ chức hội thảo, có sự tham dự của nhiều nhà khoa học với mục đích tìm biện pháp để duy trì và phát triển làng nghề, xây dựng nhà bảo tồn hiện vật. Chủ trương này hiện vẫn nằm trên… giấy(!) Vì chưa có kinh phí.
Nghề nặn tò he, một nghề truyền thống mang đậm tính dân gian của người Việt, đã được Hội Văn nghệ dân gian VN đánh giá là độc đáo, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Việt. Đã từng đi biểu diễn ở Mỹ, Nhật… nghề rất cần được bảo tồn và phát triển. Để làm được, ngoài chính quyền địa phương, rất cần sự quan tâm của thành phố, của ngành văn hoá. Hy vọng rằng, ngày rằm trung thu của các em, ngoài bánh kẹo, các em còn có những con tò he thật đẹp, thật ý nghĩa…

 
Minh Nhật (LD)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)