Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Nghệ nhân có “đôi bàn tay vàng”

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là chị Nguyễn Thị Hữu Hạnh (Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ và Mỹ thuật ứng dụng Hũu Hạnh – Đà Lạt), một trong 84 doanh nhân trong cả nước được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Đây là thành quả hơn 30 năm lao động sáng tạo đóng góp tích cực cho ngành thêu của Đà Lạt.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ và tặng ảnh Bác Hồ cho nghệ nhân Hữu Hạnh năm 2014

Tình yêu từ đường kim, mũi chỉ

Dù đã 57 tuổi, song, sự thông minh, nhanh nhẹn, nét duyên dáng của người phụ nữ Đà Lạt Nguyễn Thị Hữu Hạnh vẫn nguyên vẹn trong phong thái của chị.

Như bao thiếu nữ Đà Lạt ham thích thêu thùa, may vá, với Hữu Hạnh còn là sự phát xuất từ năng khiếu bẩm sinh và niềm đam mê nghề thêu như mối duyên tiền định. Từ lúc 12-15 tuổi, Hữu Hạnh đã cùng mẹ bôn ba kiếm sống bằng đường kim, mũi chỉ như về TP.HCM thêu áo dài cho các hiệu thêu trên đường Đồng Khởi; rồi về Đà Lạt thêu phù hiệu, logo, gối cưới, áo dài, chân dung… cho khách hàng kiếm sống. Chính những năm tháng vật lộn mưu sinh ấy đã bồi dưỡng thẩm mỹ và rèn tay nghề của Hữu Hạnh khá vững vàng, nhờ đó, chị đảm đương từ khâu sáng tác mẫu vẽ, chép tranh, phối màu đến công đoạn thêu hoàn chỉnh mỗi bức tranh toát lên nét điêu luyện với nghệ thuật tinh xảo được người yêu tranh thích thú. Khi mới 17 tuổi (1976), Hữu Hạnh đã trở thành một người thợ có tay nghề cao và tranh thêu, sản phẩm của chị đã xuất khẩu sang Nhật Bản và một số nước Đông Âu…

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hữu Hạnh đã đạt nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý: 2 lần đạt danh hiệu “Bàn tay vàng” (năm 1997 và 2001); đoạt 6 huy chương vàng liên tục từ năm 1996 đến năm 2001; Sao vàng đất Việt 2003; Giải thưởng “Dải băng xanh” 2010; “Bông hồng vàng” 2012 dành cho nữ doanh nhân thành đạt và hàng chục giải thưởng, bằng khen, bằng công nhận của các tổ chức tặng; Đặc biệt, từ năm 2005, nghệ nhân Hữu Hạnh có 2 bức tranh thêu: “Thanh bình” và “Việt Nam ơi” được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam…

Năm 1985, chị Hữu Hạnh đứng ra thành lập nhóm thêu tại nhà và bắt đầu dạy nghề cho học trò. Đến năm 1994, chị thành lập cơ sở Tranh thêu Hữu Hạnh; năm 1999 chuyển đổi thành hợp tác xã, rồi Công ty Mỹ nghệ Hữu Hạnh. Đến năm 2010, chị thành lập thêm Công ty TNHH Mỹ nghệ và Mỹ thuật ứng dụng Hữu Hạnh và làm Giám đốc cho đến nay.

Chị tâm sự “Nghề thêu cần lắm sự tỉ mỉ, tinh tế, gửi hồn vào đường chỉ mũi kim, ngoài năng khiếu thẩm mỹ đòi hỏi người nghệ nhân phải có sự sáng tạo, cần mẫn và tâm huyết với nghề”.

Chị Hữu Hạnh luôn tìm học và sáng tạo nhiều kiểu thêu mới, là người tiên phong đưa kỹ thuật thêu ứng dụng vào mỹ thuật – hội họa, tạo ra trường phái thêu tay hiện đại. Hiện ở công ty của chị có các dòng tranh như: tranh thêu hai mặt, tranh thêu nổi, tranh 3D… Tranh thêu Hữu Hạnh có mặt sớm nhất ở Đà Lạt và được bạn bè thế giới ngưỡng mộ, đón nhận ở nhiều nước như: Nhật, Pháp, Đức, Mỹ, Úc, Anh, Na Uy, Hàn Quốc… Nghệ nhân Hữu Hạnh đã từng nhận thư khen của Tổng thống Pháp Jacques Chirac qua bức tranh chị thêu chân dung Tổng thống do UBND tỉnh Lâm Đồng tặng ông vào năm 1999.

Không thể cứ “hữu xạ tự nhiên hương”, với mong muốn đưa cảnh đẹp của đất nước, quê hương, con người Việt Nam qua tranh thêu nghệ thuật đến với đông đảo bạn bè quốc tế, từ năm 1999 đến nay, Công ty Tranh thêu Hữu Hạnh thường xuyên mở các đợt triển lãm và dạy nghề tại nhiều địa phương ở Pháp, Ấn Độ; Và, Tranh thêu Hữu Hạnh đã tham gia triển lãm tại các nước: Lào, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đức…

Nữ nghệ nhân có tấm lòng vàng

Nghệ nhân Hữu Hạnh trong phòng thêu mỗi ngày

Bạn bè trong và ngoài nước biết tên và yêu mến nghệ nhân Hữu Hạnh bởi hai lẽ, chị có “đôi bàn tay vàng” qua những tác phẩm tranh thêu tay sắc sảo, gây ấn tượng và một Hữu Hạnh có tấm lòng nhân hậu yêu thương con người, đặc biệt những người kém may mắn! Từ khó khăn bươn chải mưu sinh và thành đạt, nên chị đồng cảm sâu sắc và muốn giúp người nghèo có được cái nghề để tự kiếm sống. Hơn 30 năm xây dựng thương hiệu Tranh thêu Hữu Hạnh là chừng ấy năm chị dành nhiều tình cảm, tâm huyết dạy nghề, truyền nghề cho hơn 1.000 lao động trên khắp mọi miền đất nước.

Chị Hạnh cho biết, những người theo chị học nghề thêu đa số là người khuyết tật và chủ yếu là nữ sinh ở các trường khiếm thính. Chị tâm sự, dạy nghề, truyền nghề để lưu giữ và phát triển nghề thêu và tranh thêu Đà Lạt là tâm nguyện của chị. Trước đây, mỗi năm chị mở 2 lớp dạy nghề cho hàng trăm học viên hoàn toàn miễn phí; đối với những học viên khuyết tật, trẻ lang thang chị đưa về cơ sở của mình bố trí nơi ở, mở căng tin phục vụ ăn uống, sinh hoạt không thu bất cứ khoản phí nào.

Hiện tại Công ty TNHH Hữu Hạnh có hơn 50 người thợ làm việc và đều là học trò cũ của chị, trong đó có nhiều người khiếm thính (điếc, câm) được chị cưu mang từ ngày đầu giờ trở thành thợ giỏi, nghệ nhân đang cùng chị gắn bó với công ty; tiêu biểu như: Phạm Ngô Nhật Thảo (Giám đốc điều hành công ty); Lê Thị Diễm Quỳnh (Kỹ thuật trưởng); Phạm Trần Nhã Trang (thiết kế – kỹ thuật)…

Cả đời lao động không biết mệt mỏi đưa Tranh thêu Hữu Hạnh và nghề thêu Đà Lạt đến với bạn bè trong nước và quốc tế, nghệ nhân Nguyễn Thị Hữu Hạnh là người đầu tiên và duy nhất của tỉnh Lâm Đồng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” quốc gia…

Bài, ảnh: Thanh Dương Hồng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)