Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nghệ nhân đúc “nhẫn bắt chồng”

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Ya Tuất bên khuôn phân trâu và sáp ong dùng để đúc nhẫn trống, mái

Người phụ nữ Chu Ru muốn “bắt” được chồng thì phải có nhẫn bạc trống – mái. Hiện, cả dân tộc Chu Ru ở vùng núi cao Lâm Đồng chỉ còn một người có thể đúc loại nhẫn này.

Diện kiến nghệ nhân

Ngay cả nhẫn bạc, người Chu Ru cũng quan niệm chúng có linh hồn. Linh hồn của nhẫn là sự kết nối những mối lương duyên tiền định. Bởi thế, nhẫn cũng có tên: Srí Kră (nhẫn trống) và Srí Mơtal (nhẫn mái). Quan niệm của người Chu Ru cũng giống như một số dân tộc thiểu số khác là sống theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ đóng vai trò trụ cột của gia đình. “Người con gái Chu Ru khi đã ưng bụng anh trai nào thì sẽ kêu người nhà đến trong đêm đề nghị được lấy về làm chồng. Tục lệ này lâu dần được người dân gọi là “bắt chồng” bởi người con trai không có quyền tự quyết tìm vợ. Ngày xưa, những cặp trai gái người Chu Ru thường được những gia đình môn đăng hộ đối, tiền của ngang nhau hứa gả, còn bây giờ họ yêu nhau thì tới với nhau thôi. Khi nhẫn bạc đã đeo tay cặp uyên ương có nghĩa họ phải nguyện gắn bó với nhau cả đời, nếu có kẻ nào thay lòng đổi dạ thì sẽ bị phạt rất nặng” – ông Ya Ga – Chủ tịch Hội đồng tự quản xã Tu Tra, người hướng dẫn cho chúng tôi biết về phong tục người Chu Ru cho biết.

Người Chu Ru vốn dĩ xem nhẫn bạc “bắt chồng” là linh hồn của cuộc hôn nhân, nên họ rất trân trọng những nghệ nhân làm ra chúng. Không phải ai cũng đúc được nhẫn bạc trống, mái mà người đó phải là người thực tài và có duyên với việc tác hợp những mối lương duyên. Ở Tu Tra chỉ còn duy nhất một người có thực tài này đó là nghệ nhân Ya Tuất. Ông Ya Grăng vốn là sư phụ của Ya Tuất, ngày xưa vì thực hiện theo di chỉ của tiền nhân mà ông lấy việc đúc nhẫn bạc trống, mái làm đam mê và trách nhiệm. Người trong buôn chẳng ai học được nghề của ông Ya Grăng bởi ngoài tay nghề còn phải có cái tâm với nghề. Năm lên 7 tuổi, Ya Tuất được gia đình cho đi bái thầy Ya Grăng làm sư phụ và chỉ vài lần tiếp xúc thầy Ya Grăng đã đem lòng cảm mến cậu bé Ya Tuất. Bởi thế, chẳng mấy chốc Ya Tuất được thầy truyền hết những bí quyết “thổi hồn” vào chiếc nhẫn “bắt chồng”. Đến năm Ya Tuất lên 18 tuổi, anh đã nắm hết những kỹ năng điêu luyện trong việc chế tác nhẫn bạc “bắt chồng” và phục vụ cho những đôi uyên ương hơn 30 năm qua.

Cho đến ngày nay, Ya Tuất đã có hơn 10 đệ tử, nhưng chẳng ai đủ đẳng cấp để sánh bằng anh về độ tinh xảo trong đúc nhẫn. Thậm chí Ya Thương (con trai) và Ya Tỷ (em trai) đã được truyền dạy kỹ năng từ lâu nhưng vẫn chưa đạt được trình độ bằng nửa Ya Tuất. Cả gia đình Ya Tuất chú tâm phục vụ cho việc làm cao cả của anh. Trong tộc người Chu Ru, nếu ai có cưới hỏi là tìm đến Ya Tuất bởi chỉ có anh mới có công nghệ đúc nhẫn trống, mái và biết được ý nghĩa của những loại nhẫn ấy. Mỗi khi đặt nhẫn người ta phải đặt trước một tháng và thường một đám cưới đặt đến mấy chục cặp, mỗi cặp giá chỉ dưới 300.000 đồng.

Kiểu đúc nhẫn có một không hai

Vốn dĩ nhẫn bạc thiêng liêng nên công nghệ đúc nó cũng độc đáo vô cùng. Chất liệu làm nên chiếc khuôn để đúc nhẫn bạc là quan trọng nhất và nó được làm từ phân trâu. “Theo quan niệm của người Chu Ru thì trâu là con vật linh thiêng, xuất phát từ đặc điểm sống của người Chu Ru là sản xuất lúa nước, vì vậy trâu mang sức mạnh và sự đầm ấm, sung túc. Phân trâu thường là của trâu đực chưa đến 3 tuổi. Phân trâu được trộn với một loại đất sét được lấy từ nơi bí mật trong những khu rừng già vào những ngày mưa lâm thâm. Ngoài ra, còn có sự kết hợp với sáp ong, biểu tượng của sự miệt mài, bền bỉ” – nghệ nhân Ya Tuất cho biết.

Anh Ya Tuất đang thực hiện thao tác làm nhẫn bạc

Trước đây, không có người bán sáp ong và đất sét, Ya Tuất phải tự mình đi kiếm trong rừng sâu về. Nhưng chưa kể việc xác định độ tuổi trâu cũng rất khó khăn, chưa kể đến việc càng ngày trâu càng hiếm. Khi có những thứ ấy, Ya Tuất mang đất sét về trộn với phân trâu theo một tỷ lệ nhất định sao cho khi đốt nó không bị nứt hay méo. Còn sáp ong được quấn quanh một cây gỗ nhỏ, theo tỷ lệ của ngón tay rồi cắt thành một chiếc nhẫn sáp, rồi vẽ hoa văn lên nhẫn sáp ấy. Bước tiếp theo phải thật cẩn thận đắp hỗn hợp phân trâu và đất sét quanh sáp ong rồi mang đi đốt cho sáp ở bên trong tan chảy ra. Tiếp đến, đổ bạc đã được đốt cho nóng chảy vào khuôn phân trâu, lắc đều thật nhanh rồi nhúng ngay vào nước lạnh để bạc bên trong khuôn đông lại. Công đoạn sau cùng là nhúng nước bồ kết, rồi đập vỡ khuôn ra chế tác lại nhẫn cho đẹp tùy theo yêu cầu mỗi người là được.

Theo Ya Tuất, người đúc được nhẫn đẹp phải là người có tâm và có tầm, tập hợp nhiều yếu tố, tính cách tốt của con người mới làm được.

Bài, ảnh: Hà Hưng

“Ông mai” không thể thiếu

Ông Ya Ga, Chủ tịch Hội đồng tự quản xã Tu Tra, cho biết: “Nghệ nhân Ya Tuất là người duy nhất còn giữ được nghề đúc nhẫn của người Chu Ru, vì vậy chúng tôi vẫn đang cố gắng vận động để anh có sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần. Với mỗi người dân Chu Ru nơi đây, Ya Tuất chính là “ông mai” không thể thiếu cho sự gắn kết bền chặt của những đôi uyên ương”.

 

Bình luận (0)