Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nghệ nhân kiểng… “không tên”

Tạp Chí Giáo Dục

Chăm sóc cây kiểng – cái nghề mà người ta gọi là nghệ nhân kiểng… “không tên”, hiện nay là một nghề ăn nên làm ra với đồng lương khá cao, đắt sô vào dịp cuối năm. Để đến với nghề, đòi hỏi phải có tính siêng năng, cần cù, tỉ mỉ, đặc biệt là có óc thẩm mỹ, năng khiếu bẩm sinh và yêu thiên nhiên.
Cơ duyên…
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề trồng và kinh doanh cây kiểng ở Sa Đéc, Đồng Tháp, anh Nguyễn Tiến Bằng đã từng “lên bờ xuống ruộng” vì cái nghề này. Anh Bằng tâm sự: “Ai cũng tưởng cái nghề này dễ ăn lắm nhưng vào nghề rồi mới biết, vất vả trăm bề. Trồng cây cảnh chẳng khác nào nghề chăn nuôi cá, tôm với bao nhiêu vốn đổ vào mà chỉ cần chút lơ là, sơ hở là bao nhiêu vốn liếng tan thành mây khói”. Những năm 1990, cứ vào độ cuối năm, anh Bằng lại tất tả chuyển hoa, cây kiểng bằng xuồng lên TP.HCM để bán. Những ngày đầu chân ướt chân ráo, chuyến nào cũng lỗ, có khi cả tháng trời mà chưa bán hết vài chục chậu hoa, cây cảnh. “Lúc đó chúng tôi phải lấy xe đạp chở đi bán dạo khắp các hang cùng ngõ hẻm của thành phố chỉ mong lấy được vốn. Có hôm đi cả ngày ngoài đường nhưng chẳng bán được chậu nào, cây héo queo mà xin nước tưới thì không ai cho. Để cứu sống những chậu hoa đành phải năn nỉ người ta cho nước tưới, bù lại tôi phải trả cho họ một chậu hoa hay một cây cảnh”. Anh Bằng đến với nghề chăm sóc cây kiểng dạo từ đó, anh nói tiếp: “Làm ăn thất bát, sau mỗi mùa tết là phải chạy tiền trả nợ phân bón, thôi thì lên thành phố xin làm công cho chắc”.
13 tuổi, Nguyễn Xuân Tiến (huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang) đã bắt đầu cuộc sống lênh đênh trên sông nước với nghề đưa đò. Năm 17 tuổi, người thân duy nhất trong gia đình là cha cũng đã bỏ Tiến ra đi vĩnh viễn. Lúc bấy giờ đang mùa nước nổi, cứ xuồng đi qua làng nào là Tiến cột xuồng lại để vào làng xin đất để chôn. “Tình cờ gặp một cụ già hướng dẫn: “Con hái hoa lục bình kết lại thành nhiều vòng lớn dựng ở đuôi xuồng, khi có ghe qua lại người ta sẽ phát hiện có người chết người ta sẽ giúp”. Và sau đó, Tiến cũng được người ta giúp đưa thi thể cha về nghĩa địa của dòng họ để an táng. “Dịp tảo mộ hàng năm, tôi về để kết một vòng hoa lục bình đặt bên mộ cha. Người dân ở đây bảo tôi có khiếu kết hoa, có hay không tôi cũng chẳng biết nhưng tôi thấy mình biết yêu cái đẹp từ ấy”, Tiến nói. Năm 19 tuổi, Tiến lên TP.HCM xin vào làm vườn cho một gia đình ở quận 7 để kiếm cơm. Tiến xin chủ vườn một góc nhỏ trong vườn để trồng những loài hoa dại và gom nhặt từng loại cây cảnh về trồng… Ban đầu chỉ trồng cho vui, sau đó nhiều người đến hỏi mua” nên Tiến đến với nghề từ đó.
Không học qua trường lớp nào nhưng anh Tú (quận 9) được nhiều người biết đến cái biệt tài cắt tỉa, tạo hình cây cảnh thuộc loại nhất nhì trong quận. “Có người gợi ý bỏ vốn cho tôi mở cơ sở nhưng tôi không còn thiết tha nữa sau hai năm làm ăn không hiệu quả, số tui chỉ hợp với làm công thôi”, anh Tú phân trần.
“Chạy sô” mùa tết
Theo nghề được 3 năm, nhờ vào tính chịu thương chịu khó, ham học hỏi nên tay nghề của Văn Công (Bình Chánh) ngày một khá lên. Năm 1995, tốt nghiệp 12 xong, Công xin vào làm ở một cơ sở cây cảnh ở xã Hưng Long, công việc quần quật tối ngày nhưng lương cũng chỉ đủ ăn ngày 3 bữa. Một hôm Công được một khách hàng tìm đến nhờ tạo hình cho những cây cảnh vốn đã bỏ quên nhiều năm. Từ những cây cảnh mới nhìn đã thấy chán, Công bắt tay vào làm ngay mà không phải ra giá. Bộ 3 cây sam được Công tạo thành 3 chữ Phúc Lộc Thọ rất nghề. Gia chủ mê tít và trả thù lao cho 1 nghệ nhân trẻ với mức ngoài sức tưởng tượng: 10 triệu đồng. “Cầm 10 triệu đồng trong tay, tôi vẫn chưa tin nghề của mình làm ra tiền lớn như vậy. Lúc ấy tôi bỏ 6 triệu đồng mua một chiếc Wave Tàu làm phương tiện đi lại. Rồi liên tục nhận nhiều “đơn đặt hàng” từ những người quen của vị khách may mắn đầu tiên giới thiệu”, anh Công kể.
Tuấn Vương (quận 12) bỏ dở việc học khi đang là sinh viên năm 2 Trường ĐH Nông lâm TP.HCM vì điều kiện kinh tế. Vương tâm sự: “Mình không lấy được tấm bằng thì cũng cố gắng có cái nghề mà mình đam mê từ nhỏ. Mình tìm về làng hoa Gò Vấp để “tầm sư học đạo” và bây giờ tuy là chăm sóc cây cảnh dạo nhưng có cái nghề nuôi sống mình cũng đỡ khổ”. Vương một mực từ chối khi tôi gọi anh là “nghệ nhân”, bởi: “Tôi chỉ làm vào những tháng cuối năm, tút lại hình dáng cây cảnh cho chủ để đón tết chứ không thường xuyên, chuyên nghiệp như người ta”.
Theo giới thiệu của bác tổ trưởng tổ dân phố Lê Ngọc Trạc, tôi tìm đến nhà ông Tám Giang (khu nhà ở Chánh Hưng, quận 8). Tại đây, hai anh em anh Bảng (Tân Phú) đang tỉa lá cây chùm rụm đã ngót hơn 15 năm tuổi. Ông Tám Giang cho hay: “Cứ đến tháng 12 dương lịch là tụi nó đến để cắt, tỉa… Mấy cây này tôi mua của ông già tụi nó, lúc ấy hai đứa còn ở truồng tắm mưa, bây giờ ổng chết rồi. Tụi nó có óc thẩm mỹ, sáng tạo chẳng khác nào cha nó”.
Một cơ sở cây cảnh nho nhỏ là điều mà hầu hết những nghệ nhân kiểng “không tên” này ước mơ nhưng với họ thì còn lắm gian nan. Anh Bảng nói: “Cái khó nhất hiện nay là tiền thuê đất, mặt bằng cao quá, địa điểm thuận lợi cũng khó. Có vốn không chưa đủ, có tay nghề không thì cũng chưa xong”. Nhớ lại câu nói của Tiến mới thấy hết lòng yêu nghề, yêu cái đẹp của những nghệ nhân nghiệp dư: “Cứ xem như mình là một công nhân làm thuê, làm việc, sáng tạo không ngơi nghỉ để lo cái ăn. Nghề này còn tập cho mình cái tính hiền lành, điềm đạm, biết chia sẻ, yêu thương, không thù hận… Còn gì vui bằng khi những sản phẩm mình làm ra được mọi người đón nhận, giữ được cái nghề của cha ông để lại”.
Trần Tuy An

 

Bình luận (0)