Cuộc đối thoại nghệ thuật
Trở về VN với mục đích là thăm nhà vào dịp Tết, rồi bất ngờ mở cuộc triển lãm Đối thoại phù du giữa Hoa và Họa, điều gì đã thuyết phục bà thực hiện dự án này trong một vài ngày ngắn ngủi?
Quyết định triển lãm khởi nguồn từ cảm hứng xem những bức tranh của anh trai tôi – họa sĩ Nguyên Cầm (giám đốc trường Mỹ thuật Sartrouville, Pháp những năm 1987 – 2007; từng đoạt giải thưởng của Viện Mỹ thuật Paris – Pháp 1973).
Nghệ nhân Nguyễn Thanh bên tác phẩm của mình – Ảnh do tác giả cung cấp |
Mẹ tôi có 12 người con. Anh Cầm lớn nhất, tôi là thứ nhì nên hồi nhỏ, hai anh em tôi rất gần nhau, cho đến khi anh trai tôi được 13 tuổi, còn tôi mới lên 10 thì anh em phân tán. Nhiều năm về sau, anh trai tôi định cư ở Pháp, còn tôi thì ở Mỹ. Xem tranh của anh Cầm, trước nhất tôi cảm thấy sống lại những kỷ niệm ngày xưa. Điều này làm tôi muốn đọc ý tưởng của anh qua tranh để tìm câu trả lời. Nguyễn Nga – em gái tôi, người đứng ra mở cuộc triển lãm sưu tập được 15 bức tranh của anh Cầm, nên tôi dùng 15 tác phẩm Ikebana để đối thoại với các tác phẩm của anh.
Trong cuộc đối thoại đầy ngẫu hứng và nhiều cảm xúc đó, tôi thấy hiện lên đầy đủ hình ảnh của quá khứ (cành khô, quả hồng xiêm khô), hiện tại (hoa nở nửa chừng, khoe sắc, lá cây tươi đẹp), tương lai (hoa nụ). Đây có phải là điểm phá cách khi kết hợp giữa nghệ thuật sắp đặt và cắm hoa không, thưa bà?
Ikebana là nghệ thuật tượng trưng cho thiên nhiên và sự thay đổi của thời gian. Đời sống con người hàn gắn chặt chẽ với luật của thiên nhiên: sinh, lão, bệnh, tử như hoa nở rồi lại tàn. Vì Ikebana là biểu tượng của thiên nhiên cho nên những nguyên liệu dùng trong tác phẩm phải phù hợp với thiên nhiên. Chẳng hạn như hoa cúc nên dùng vào mùa thu và mùa đông. Ngoài ra, sử dụng hoa, cành, lá còn biểu tượng cho nhiều ý nghĩa: Hoa đào vào mùa xuân để tượng trưng cho sự tái sinh của muôn loài. Cành khô tượng trưng cho sự trơ trọi của mùa đông. Một cành cây quằn quại là tượng trưng cho cây già, mang nhiều thử thách, gió, bão của thời gian.
Với thời gian eo hẹp và những nguyên liệu (hoa, lá, cành…) của VN, bà có gặp phải khó khăn trong việc thỏa sức với nghệ thuật Ikebana, vốn phải hàm chứa trong đó nhiều hình ảnh tượng trưng?
Vì Ikebana dùng toàn hoa tươi, mà hoa chỉ đẹp được tối đa là một tuần lễ, nên thường thì triển lãm Ikebana đều do nhóm tập thể làm việc với nhau, cùng thực hiện nhiều tác phẩm trong vòng hai ngày.
Một điều quan trọng là các tác phẩm trong cuộc triển lãm Ikebana phải khác biệt nhau. Có tác phẩm thì mang phong cách truyền thống cổ điển, tác phẩm khác lại theo truyền thống mới… Kiểu dáng trong các tác phẩm cũng phải khác nhau, về độ lớn, nhỏ, cao, thấp, với sự thay đổi các loại hoa, cành, lá… Thời gian thường đòi hỏi vài tháng trước triển lãm để chuẩn bị ý tưởng, tìm vật liệu, xây cất và thiết lập. Sau đó phải nhanh chóng mua hoa, cắt cành và cắm hoa trong thời gian tối đa là 3 ngày! Đó mới là một triển lãm thành công.
Ảnh: Việt Huy |
Tôi được giới thiệu đến chợ hoa Âu Cơ, hoa ở đây rất đầy đủ nhưng thiếu nhiều loại cành và lá. Mà trong nghệ thuật Ikebana, cành và lá quan trọng hơn hoa. Bởi cành là phần cao và mạnh nhất của một tác phẩm Ikebana. Phần này tượng trưng cho "Thiên".
Còn phần thứ nhì và ba là biểu tượng cho "Nhân" và "Địa". Lá cũng là điểm quan trọng vì đôi khi nó thay thế cho cành, hoặc phản ánh một hàm nghĩa nào đó cho cành. Sự quyết định dùng hoa loại gì là tùy thuộc theo cành. Có nhiều tác phẩm rất đẹp không cần dùng hoa, chỉ cần cành hoặc lá thôi nhưng đạt hiệu quả rất lớn về ý tưởng và màu sắc. May mắn sao, trong dịp về thăm quê (Hải Phòng), tôi đã chặt được một ít cành và lá để tạm dùng. Mặt khác, sự thiếu thốn dụng cụ và bình hoa đã gây trở ngại rất nhiều.
Và điều gì là hạnh phúc nhất sau khi cuộc đối thoại kết thúc?
Khi vẻ đẹp của những tác phẩm Ikebana thành công và tăng thêm tính sáng tạo, gợi nên nhiều cảm xúc cho người xem nhờ ảnh hưởng của bức tranh đối thoại, thì đây là điều mà tôi cảm thấy hạnh phúc khi hoàn thành cuộc "đối thoại" với anh trai tôi.
Ikebana tạo nên dấu mốc trong cuộc đời
Quay trở về quá khứ một chút, bà đã tiếp xúc như thế nào với nghệ thuật cắm hoa Ikebana ở VN, và đã dành bao lâu để học ở nước ngoài?
Ngay từ hồi còn nhỏ ở VN, tôi đã tha thiết với nghệ thuật Ikebana khi tình cờ xem sách, nhưng lại không có lớp dạy. Khi định cư ở Mỹ, tôi phải vừa lo học đại học, vừa đi làm nên chưa thể thực hiện ước mơ. Sau khi tốt nghiệp, có việc làm vững vàng, tôi bắt đầu học Ikebana cho đến nay đã được hơn 20 năm.
8 năm trước, tôi quyết định về hưu để dồn hết khả năng học và dạy Ikebana. Tôi nghĩ đây là điểm khởi hành có tác động lớn trong sự nghiệp Ikebana của tôi. Tôi cảm thấy tự do, không gian đã mở rộng trước mắt, và thử thách sự sáng tạo của tôi.
Bà đã cùng nghệ nhân Fusaco Hoyrup nghiên cứu về nghệ thuật Ikebana trong hơn 20 năm, vậy điều gì là đắt giá nhất sau chừng ấy thời gian hy sinh và cống hiến cho môn nghệ thuật này?
Fusako Hoyrup là thầy giáo của tôi. Nhờ nhiều năm rèn luyện trong khuôn khổ khắt khe của bà mà tôi đã có được căn bản vững vàng để có thể sáng tạo và thử thách ý kiến mới, môi trường và nguyên liệu mới. Cũng như người học đàn piano cổ điển, nếu chịu khó dành nhiều năm huấn luyện căn bản, về sau người đó không những chơi được nhạc cổ điển mà bất cứ dòng nhạc nào cũng chơi được dễ dàng, hơn hẳn người chỉ học thể loại nhạc mới. Với tôi, thời gian được huấn luyện nhiều năm là khoảng thời gian đắt giá nhất trong sự nghiệp Ikebana.
Tôi cứ mong chờ bà nói lên một giải thưởng nào đó?
Trong nghệ thuật Ikebana, không có cuộc thi hay giải thưởng. Bởi Ikebana là nghệ thuật để tự rèn luyện cá nhân, trao đổi sự hiểu biết này cho người chung quanh. Cho nên không có sự tranh đua.
Phong cách riêng mà bà muốn hướng tới là gì?
Trong trường phái Ikebana, người học cao có thể xem một tác phẩm Ikebana khác mà định được tài năng và trình độ của người sáng tạo. Nhưng nếu tác phẩm theo chiều hướng cổ điển thì rất khó phân biệt dấu ấn cá nhân, vì luật lệ của nó rất khắt khe nên hầu như không có sự cách tân hay phá cách. Chỉ khi nào tác phẩm đi theo chiều hướng mới thì nghệ nhân mới có thể có dấu ấn riêng, và người quen biết có thể nhận diện được.
Mỗi khi làm việc, tôi chỉ ngừng khi đã thỏa mãn với tác phẩm của mình. Có nghĩa là khi ý tưởng hay nhưng thể hiện lại thất bại, thì tôi thử lại cách khác cho tới lúc hoàn toàn thỏa mãn mới thôi. Cũng có thể tác phẩm sau này hoàn toàn khác biệt ý tưởng đầu tiên.
Khi đưa nghệ thuật cắm hoa Ikebana vào VN, bà mượn hình ảnh quy ước nào để diễn tả những ý nghĩa đặc biệt đối với tập quán, phong tục của người Việt?
Phong tục VN có tứ quý để tượng trưng cho Tết: cúc, trúc, mai, lan. Có điều từ xa xưa, người Việt Nam đã coi màu trắng như màu của tang tóc, nên khi thực hiện một tác phẩm Ikebana vào dịp xuân về, tôi dùng hoa cúc vàng để nói lên không khí Tết. Tôi muốn nghệ thuật Ikebana khi ở VN được tượng trưng cho văn hóa và tục lệ của người Việt.
Cảm ơn bà về buổi trò chuyện rất thân mật!
Thùy Trinh (Theo TNO)
Bình luận (0)