Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nghề nuôi cá tra năm 2011: Kẻ được, người mất

Tạp Chí Giáo Dục

Sau một năm nhìn lại, ngành sản xuất, kinh doanh cá tra đang hình thành 2 khuynh hướng rõ rệt đó là doanh nghiệp lớn ngày càng lãi to; doanh nghiệp nhỏ cầm chừng hay thua lỗ còn người nông dân nuôi cá thì ngày càng….lỗ nặng.

Nông dân nuôi cá tra vẫn bấp bênh về thu nhập – Ảnh: TC.

Qua những con số báo cáo tổng kết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ngành sản xuất, kinh doanh thủy sản của Việt Nam cho thấy, năm nay các doanh nghiệp ngành thủy sản tiếp tục lãi to. Thế nhưng, không thấy có một báo cáo tổng kết nào nói về lời lãi của nông dân hoạt động trên lĩnh vực này.

Người nuôi cá: “Mệt mỏi lắm rồi!”

Theo báo cáo đánh giá của Tổng cục thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong năm 2011, ngành thủy sản có bước phát triển mạnh về sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu, trong đó, sản lượng cá tra chiếm tỉ trọng lớn nhất với trên 1,13 triệu tấn cá nguyên liệu; tôm 448.000 tấn; nhuyễn thể 180.000 tấn; cá nước ngọt (ngoài cá tra) các loại 800.000 tấn.

Riêng đối với con cá tra, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ – những địa phương có sản lượng cá tra cao nhất cho biết, sản lượng cá tra sản xuất trong năm qua đều bằng và vượt với chỉ tiêu đề ra.

Dù sản xuất ra nhiều, nhưng trong năm qua, người nuôi cá tra ngày càng mệt mỏi với ngành nghề vốn quen thuộc với họ bởi giá cả bấp bênh, giá tăng thì ít mà sụt giảm nhiều, số hộ lỗ ngày càng tăng cao. Ông Nguyễn Hữu Nguyên, thành viên Hiệp hội thủy sản An Giang là người nuôi cá lâu năm tại huyện Châu Phú, An Giang phải thốt lên rằng: “Mệt mỏi lắm rồi! Ngành nuôi cá tra này mệt mỏi lắm”.

Theo ông Trương Tấn Bửu, xã Tân Thành B, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, thu hoạch xong vụ nuôi cá tra đầu tiên trong năm 2011, ông cũng đã chuyển sang nuôi gia công (mà báo chí vốn dùng từ mỹ miều là hợp đồng bao tiêu sản phẩm của nhà máy cho nông dân) cho một nhà máy thủy sản ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp vì thời điểm đó (tháng 4/2011) giá cá nguyên liệu sụt giảm mạnh khiến bao nhiêu vốn đầu tư đều mất hết.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết, tính đến giữa tháng 12, toàn tỉnh Đồng Tháp có đến trên dưới 90 héc ta diện tích mặt nước nuôi cá tra của bà con buộc phải treo ao do ảnh hưởng của biến động giá cả, rơi vào cảnh nợ nần không vốn tái đầu tư.

Ngoại trừ báo cáo về tình hình sản xuất, kim ngạch xuất khẩu, thì không thấy có một báo cáo nào thống kê tinh hình lỗ, lãi của người nuôi cá tra. Tuy nhiên, với diễn biến tình hình giá cá nguyên liệu trong năm qua (giữa thời gian mức giá cá nguyên liệu lên cao và xuống thấp) thì rõ ràng người nuôi sẽ có lãi rất ít, thậm chí lỗ nặng.

Doanh nghiệp to lãi lớn

Dù có nhiều biến động về giá xuất khẩu, nhưng trong năm 2011, giá xuất khẩu sang các thị trường lớn như các nước liên minh châu Âu (EU), Mỹ… đều rất tốt, đạt khoảng 3 đô la Mỹ/kg cá tra phi lê. Đặc biệt, ở những thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ có giá cao ngất, lên trên 4 đô la Mỹ/tấn.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính đến cuối thang 12, xuất khẩu thủy sản của nước ta đạt 6 tỉ đô la Mỹ, tăng 5,3% kế hoạch năm và tăng đến 20% về kim ngạch xuất khẩu, trong đó, riêng cá tra đã mang về trên 1,7 tỉ đô la Mỹ vượt kế hoạch 1,5 tỉ đô la Mỹ chỉ tiêu đề ra ban đầu.

Thông tin từ Công ty cổ phần Hùng Vương (HungVuong Corp) ở khu công nghiệp Mỹ Tho, Tiền Giang cho biết, tính đến hết tháng 11, lợi nhuận trước thuế của Công ty Cổ phần Hùng Vương đạt con số hơn 520 tỉ đồng, vượt 16% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 407 tỉ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ năm 2010.

Hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch xuất khẩu cao trong 7 tháng đầu năm có thể kể ra như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VinhHoan Corp) đạt 80,7 triệu đô la; Công ty Quốc Việt đạt 48,5 triệu đô la…

Theo TBKTSG Online

Bình luận (0)