“Bài Buồn tàn thu là đầu mối của tình bạn giữa tôi và Văn Cao”. Tâm sự cùng lời giới thiệu của nhạc sĩ Phạm Duy dành cho người bạn thân trong âm nhạc, giúp khán giả phần nào hiểu rõ tài năng cũng như nỗi lòng của người nhạc sĩ tài hoa.
Đây là nét thú vị có trong ấn bản đặc biệt album Tiếng hát Trương Chi của ca sĩ Đức Tuấn.
Mỗi nhạc phẩm trong album được nhạc sĩ Phạm Duy giới thiệu khá tỉ mỉ về hoàn cảnh ra đời, nội tung cũng như tinh thần chung làm nên mạch cảm xúc của bài hát. Ông kể: “Văn Cao là người đẻ ra trường ca, còn tôi chỉ là người thừa kế. Trường ca sông Lô phải là đỉnh cao nhất của nhạc kháng chiến nói riêng, của tân nhạc Việt Nam nói chung. Sự dài hơi trong những câu nhạc trong bài chứng tỏ nhạc sĩ Văn Cao đã trưởng thành ngay từ lúc tân nhạc vừa mới ra đời”.
Nhạc sĩ cũng nhìn nhận Văn Cao là người khai phá thể loại truyện ca với 2 bài Thiên thai và Trương Chi. Một cách ưu ái, Phạm Duy cho rằng: “Hơi thở của thơ Đường trong sáng, rung động, của thơ bình dân Việt Nam trữ tình… hiện ra lồng lộng trong những truyện ca Văn Cao”. Về mối tình chàng Trương, nhạc sĩ nói về cảm nhận riêng của mình: Văn Cao không kể lại câu chuyện Trương Chi/Mỵ Nương mà chỉ tỏ thái độ của chàng sau khi thất tình, trước khi chết cũng như sau khi chết. Rồi bằng mối đồng cảm lớn lao, ông hóa thân thành chàng Trương để diễn tả nỗi lòng: “Ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta… Tâm hồn tôi đẹp – vì tôi hát hay mà – nhưng hình hài tôi xấu, người không yêu tôi à? Thì tôi vẫn có cuộc đời hay trái đất này. Để từ đó ra một tuyên ngôn: trái đất còn riêng ta”.
Vài kỷ niệm riêng giữa hai người bạn cũng được nhạc sĩ Phạm Duy chia sẻ. Về ca khúc Buồn tàn thu, ông kể: “Vào năm 1943, tôi ở Hà Nội xuống Hải Phòng để gia nhập một gánh hát rong thì Văn Cao tới chơi và tặng tôi bài hát đó”. Hay ca khúc Suối mơ mà nhạc sĩ “có chút đóng góp vào giai điệu và tiết điệu của bài” lại trở thành kỷ niệm khó quên của hai người khi cả 2 gia đình đôi bạn tự tay “chém tre xẻ gỗ trên rừng để xây nhà bên suối ở chiến khu Bắc Cạn”, đúng với tựa đề bài hát.
Ca sĩ Đức Tuấn bày tỏ vui sướng khi được nhạc sĩ hàng lão làng của Việt Nam góp tay chăm chút cho album của mình. Ngoài nhạc sĩ Phạm Duy, toàn bộ lời dẫn và giới thiệu được thể hiện qua giọng đọc của nữ ca sĩ Lệ Thu. Đức Tuấn cũng quyết định thêm vào CD 3 ca khúc nhạc kháng chiến Đàn chim Việt, Ngày mùa và Trường ca sông Lô để giúp khán giả có cái nhìn tổng quát và trọn vẹn hơn tài năng sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao.
Với tiêu chí phát hành theo hình thức “CD Collection” (dành để sưu tập), ấn bản đặc biệt Tiếng hát Trương Chi được thiết kế như một bộ quà tặng với nhiều tặng phẩm cũng không kém phần đặc biệt. Ngoài hộp đĩa khổ lớn theo dạng hộp quà, postcard hình Đức Tuấn, tập lời hát, tập sách nhạc sĩ Phạm Duy viết về các tuyệt phẩm Văn Cao, album còn có ký họa cố nhạc sĩ Văn Cao qua nét vẽ Trịnh Công Sơn ở một nhà hàng Amsterdam vào năm 1992.
Kiến Huy (vnexpress.net)
Bình luận (0)