Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nghề phụ cần

Tạp Chí Giáo Dục

Cứ dăm, bảy phút, PC phải thăm cá đã cắn câu của CT

Ở các hồ câu cá giải trí, có một đội ngũ nhân viên phục vụ người đến câu được gọi là phụ cần (PC). Nghề này mới nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế, nó khá “kén” người và cũng lắm nỗi buồn vui…
“Osin” của cần thủ
Với ba năm kinh nghiệm phụ việc lặt vặt như bưng bê nước, cho cá ăn, cải tạo ao… ở khu câu cá giải trí Hồng Hạnh (quận 8), Nguyễn Phước Thắng (22 tuổi, quê ở Định Quán, Đồng Nai) được chủ giao nhiệm vụ quản lý và tổ chức các buổi câu cá thi để kéo khách. Thắng được toàn quyền tuyển chọn người và huấn luyện họ trở thành những PC giỏi nghề. Nhân viên PC đảm nhiệm các công việc như lội xuống ao lấy lưỡi câu khi lưỡi vướng vào cây, rác; gỡ cá sau khi mắc câu; hỗ trợ cần thủ (CT) đưa cá lên bờ…
Công việc PC xuất phát từ nhu cầu có thật của các ao cá khi tổ chức câu giải để hỗ trợ các CT tiết kiệm thời gian. Mới nghe qua, tưởng chừng công việc đơn giản nhưng có chứng kiến mới thấy hết sự vất vả của anh em trong nghề. Theo Thắng, ngoài sự lanh lợi, hoạt bát, PC còn phải có kinh nghiệm phân biệt từng loại cá ngay từ khi cá mắc câu vùng vẫy dưới nước. Thắng giải thích: “Khi cá mắc câu, PC cầm cây vợt đứng bên CT, khi CT “dìu” cá vào đến bờ, PC đưa vợt vớt cá lên và gỡ lưỡi câu. Phải biết từng loại cá để có cách đưa vợt vớt cá hợp lý, như cá tra thì phải đưa vợt từ phía sau đuôi, cá điêu hồng thì phải đưa vợt đón ở phía đầu. Mỗi loại cá có cách thoát thân khác nhau, có loài thì lao về phía trước, cũng có loài phóng thẳng xuống ao”. “Nếu hỏng thì sao?”, tôi hỏi. “Có khi cá gỡ xong, chỉ việc đưa vào túi rộng là xong nhưng lại làm sẩy cá. Gặp CT dễ tính không nói gì, CT khó tính thì có khi phải đền”. “Vậy đền bằng cách nào?”, tôi hỏi tiếp. “Mình phải trả tiền cho một giờ, một buổi, có khi là cả ngày câu của CT. Nói chung chẳng khác nào một “osin”, nếu lỡ tay làm bể cái ly, cái bát thì sẽ bị chủ trừ lương”, Thắng cho biết như thế!
Các PC có kinh nghiệm thuộc nằm lòng tính khí của từng CT, hiểu rõ quan niệm về tướng số của họ để sắp xếp những chỗ ngồi câu ưng ý, hợp phong thủy. Chỉ bấy nhiêu đó cũng đủ làm mát lòng CT và đây cũng là chiêu thức dễ “moi” tiền của khách.
Nỗi niềm PC
Trò chuyện với tôi, miệng thì nói liên hồi nhưng mắt Thắng luôn đảo quanh khu vực có 5 CT đang câu. Nghe tiếng la í ới, tiếng vỗ tay tán thưởng từ cuối ao, Thắng cầm vợt chạy như bay về phía cá bị mắc câu. Thấy CT toát mồ hôi, hai môi cắn chặt vào nhau khi “dìu” cá vào trong, Thắng trấn an: “Cứ từ từ, sẽ vào được ngay thôi, con này nặng ký lắm đây, có thể lấy được giải cá nặng ký nhất trong ngày”. Tôi thắc mắc vì sao Thắng lại không hỗ trợ CT bằng cách cầm cần “dìu” cá. Thắng phân trần: “PC chỉ được cầm vợt đưa cá lên bờ chứ không có quyền đụng vào cần khi nó còn dưới ao. Nếu phạm quy thì dù con cá ấy nặng ký nhất trong ngày vẫn không được giải”.
PC còn kiêm luôn việc chăm sóc cá mà CT vừa câu lên. Cá được cho vào túi lưới rộng rồi đặt dưới nước, cứ dăm bảy phút đi thăm một lần, phát hiện con nào có nguy cơ chết phải báo ngay với CT để cá có thể bán với giá cao. Lương PC không cao nhưng họ có nhiều cách để kiếm tiền thông qua sự cho phép của chủ. Như nhóm của Thắng, PC Huỳnh Văn Luân phụ trách khâu thu gom cá từ các CT đem đi bán. Mỗi kg cá tra câu được (còn sống) mua từ 15-17 ngàn đồng, cuối ngày lái ở các chợ đến mua với giá từ 20-22 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, nếu chăm sóc tốt, có thể chục kg cá câu được trong ngày các CT đều cho PC hết. “Có hôm người ta cho đến 20kg, bán chia đều mỗi đứa cũng được vài chục ngàn. Thật ra số cá ấy bán ra cũng đủ trả tiền giờ câu trong hai, ba ngày nhưng người ta đi câu chỉ để giải trí, không nghĩ đến tiền bạc”, Luân bảo thế!
Thắng cùng nhóm làm việc cật lực từ sáng sớm đến chiều tối nhưng thu nhập không quá 1,7 triệu đồng/ người/ tháng. Nói PC ăn, ngủ cùng cá quả thật chẳng sai. Những hôm nước lớn, PC phải thức trắng canh chừng, sợ con nước làm vỡ bờ. “Cá ra ngoài hết cũng đồng nghĩa với chuyện mình mất việc”, Thắng nói.
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri
Đêm đến, các PC chia nhau mỗi người ngủ ở một góc ao để tiện bề trông coi. Mỗi PC được chủ ao giao cho một chiếc giường được bện từ cây lồ ô. Hôm nào mưa gió mới được phép dời vào ngủ trong túp lều trống huơ trống hoác, nơi các CT ngồi câu. Luân tâm sự: “Sắp tới mùa mưa rồi, nghĩ đến cảnh mưa gió vác giường chạy mà rầu, chắc phải kiếm công việc gì khác để làm vì còn lo cho tương lai nữa”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)